Giá điện tăng và những tác động đa chiều đến doanh nghiệp, người dân
Giá điện tăng lần thứ hai trong 3 năm qua, nâng tổng mức tăng lên hơn 17%. Giới chuyên gia đánh giá, dù mức điều chỉnh 4,8% lần này được không gây sốc với người tiêu dùng, nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất bắt đầu tính lại bài toán chi phí, trong khi nhóm điện và xây lắp kỳ vọng hưởng lợi.
Xóa bỏ ngay việc bù chéo giá điện là chưa khả thi Đề xuất 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần
Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân mới đây đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng 4,8% lên hơn 2.200 đồng/kWh. Đây là lần tăng giá điện thứ 2 kể từ năm 2023, nâng tổng mức tăng trong 3 năm qua lên hơn 17%. Động thái này, theo đánh giá của giới phân tích, không chỉ phản ánh sức ép chi phí của ngành điện, mà còn nhằm cải thiện dòng tiền và năng lực tài chính cho EVN.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, tần suất điều chỉnh giá điện ngày càng nhanh trong những năm gần đây bắt nguồn từ biến động của giá than, dầu, khí và tỷ giá ngoại tệ - những yếu tố đầu vào chính trong sản xuất điện.
Dù giá nhiên liệu có dấu hiệu hạ nhiệt gần đây, áp lực tỷ giá và các khoản lỗ tích lũy kéo dài buộc EVN phải tính đến việc san sẻ gánh nặng chi phí với thị trường thông qua việc tăng giá điện.

Ảnh minh họa.
Từ góc nhìn vĩ mô, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường tại VPBankS nhận định, mức tăng 4,8% lần này không quá lớn và đã được cân nhắc kỹ nhằm tránh gây sốc cho người tiêu dùng.
Theo số liệu của EVN, khoảng 61% hộ gia đình hiện sử dụng dưới 200 kWh/tháng, tương đương mức chi phí phát sinh thêm khoảng 13.800 đồng mỗi hộ mỗi tháng, một con số khá nhỏ so với tổng chi tiêu hàng tháng. Ngay cả nhóm tiêu thụ cao hơn, từ 400-500 kWh/tháng, mức tăng chi phí cũng chỉ dao động 49.000-65.000 đồng/tháng, được cho là vẫn trong ngưỡng chấp nhận được.
Trên thực tế, tác động lớn hơn sẽ rơi vào khối doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành sản xuất tiêu thụ nhiều điện như thép, xi măng, hóa chất hay giấy.
Chẳng hạn, Tập đoàn Hòa Phát dù tự chủ hơn 90% điện năng nhờ hệ thống phát điện nội bộ tại Hải Dương và Dung Quất, vẫn dự kiến phải chi thêm khoảng 28-30 tỷ đồng cho phần điện lưới sau đợt tăng giá. Với sản lượng điện tự phát hơn 3,1 tỷ kWh năm 2024, chi phí điện năng của doanh nghiệp này đạt khoảng 5.400 tỷ đồng.
Xét về tác động chung đến nền kinh tế, chuyên gia từ VPBankS cho rằng, mức tăng giá điện lần này không gây rủi ro đáng kể đến lạm phát. Các yếu tố chính chi phối chỉ số giá tiêu dùng hiện nay vẫn đến từ giáo dục, y tế và giao thông, những lĩnh vực có trọng số lớn hơn. Trong khi đó, điện - dù là đầu vào quan trọng với mức điều chỉnh vừa phải, không đủ tạo nên cú hích lớn lên mặt bằng giá chung.
“Điều chỉnh giá điện lần này là một bước đi được tính toán kỹ, nhằm cải thiện khả năng vận hành tài chính của EVN mà không tạo ra xáo trộn lớn trên thị trường. Với nhà đầu tư, động thái này mở ra triển vọng tích cực cho nhóm ngành điện, đồng thời đặt ra yêu cầu quản trị chi phí ngày càng chặt chẽ hơn cho khối sản xuất công nghiệp trong bối cảnh giá đầu vào vẫn còn nhiều biến động” - chuyên gia từ VPBankS đánh giá./.