Giá điện tăng lên hơn 2.200 đồng/kWh từ ngày 10/5

Theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 10/5, giá bán lẻ điện tăng từ 2.103,11 đồng lên 2.204,07 đồng/kWh.

Theo thông báo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ 10/5, giá bán lẻ điện tăng từ 2.103,11 đồng lên 2.204,07 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng - VAT), tương đương tăng 4,8%. Mức tăng này tương tự hồi tháng 10/2024.

Với việc điều chỉnh trên, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 100 đồng/kWh. Việc điều chỉnh giá điện dựa theo Nghị định 72 của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được ban hành hồi tháng 3. Theo đó khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên, giá điện sẽ được xem xét để thay đổi 3 tháng một lần.

Chia sẻ về quyết định tăng giá điện tại họp báo chiều ngày 9/5, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn EVN, cho biết mức tăng lần này đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở biến động các chi phí đầu vào (giá than, khí cho sản xuất điện) và chi phí tiền điện phải trả của người dân, doanh nghiệp.

Theo tính toán của EVN, mỗi hộ gia đình sẽ phải trả thêm 4.350 - 62.150 đồng/tháng, tùy mức độ sử dụng.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ ngày 10/5.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ ngày 10/5.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn EVN cũng cho biết, năm nay nhu cầu sử dụng điện dự kiến tăng khoảng 12,2%, tương ứng tổng sản lượng điện toàn hệ thống thêm 33,6 tỷ kWh so với 2024. Đáng chú ý, sản lượng điện tăng thêm chủ yếu từ nguồn giá thành cao. Cụ thể, thủy điện với giá thấp không còn nhiều dư địa, chỉ cung cấp được khoảng 25% nhu cầu. Còn lại 75% sản lượng đến từ các nguồn điện giá cao như điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo...

Về cơ bản, theo EVN, việc điều chỉnh giá điện sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng.

Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.

Kể từ đầu năm 2023, EVN đã 4 lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng 3%, 4,5% và 4,8% và lần này tiếp tục ở mức 4,8%.

Quyết định tăng giá lần này được đưa ra trong bối cảnh EVN vẫn lỗ lũy kế từ sản xuất kinh doanh điện. Năm ngoái, tập đoàn EVN cân bằng tài chính và có lợi nhuận từ mảng kinh doanh này. Song 2 năm trước đó, họ lỗ tổng cộng hơn 70.000 tỷ đồng từ bán điện.

Về cơ cấu nguồn điện năm nay, EVN cho biết nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo...

Sản lượng điện tăng thêm của hệ thống về cơ bản phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao như: Nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hóa lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu. Bên cạnh đó trong thời gian qua tỷ giá ngoại tệ (USD) diễn biến khó lường, tăng cao. Điều này làm ảnh hưởng đến chi phí khâu phát điện, nơi chiếm tỷ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện.

Hoàng Minh (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/gia-dien-tang-len-hon-2200-dongkwh-tu-ngay-105-2103615.html
Zalo