Giá điện sinh hoạt được đề xuất tăng

Bộ Công thương đề xuất mức giá điện sinh hoạt mới, cao nhất lên tới 3.785,6 đồng/kWh, cao hơn nhiều so với mức 3.302 đồng/kWh hiện đang được áp dụng.

Giá điện phải minh bạch các thành phần, cách tính và sản lượng tiêu thụ của từng khách hàng.

Giá điện phải minh bạch các thành phần, cách tính và sản lượng tiêu thụ của từng khách hàng.

Trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc (gộp bậc 1 và 2 hiện hành). Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100kWh thay vì 50kWh hiện nay, còn bậc cao nhất từ 701kWh trở lên.

Giá điện các bậc thang 1-5 được tính bằng 90-180% giá bán lẻ điện bình quân (hiện là 2.103,11 đồng/kWh áp dụng từ ngày 11/10/2024). Như vậy, giá thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.893 đồng/kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.786 đồng/kWh. Các mức giá này chưa bao gồm thuế VAT.

Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị tư vấn cũng đề xuất như trên và có thay đổi về cơ cấu tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân.

Như vậy, dự thảo lần này được giữ nguyên như phương án từng đưa ra cuối năm 2023. Theo Bộ Công thương, biểu giá mới có chênh lệch giữa bậc 1 và 5 là hai lần, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Nhưng các hộ dùng điện nhiều, trên 400kW phải trả tăng tiền điện.

Theo đó, giá điện cho 100kWh đầu tiên được giữ nguyên để hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình chính sách (chiếm 33,48% tổng số hộ dùng điện). Chênh lệch giảm doanh thu tiền điện của số hộ này sẽ được bù từ hộ dùng 401-700kWh và trên 700kWh (chiếm khoảng 2% số hộ dùng điện toàn quốc). Giá điện các bậc cao (từ trên 400kWh trở lên) được thiết kế tăng 6,5-14,7% nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Ngoài ra, giá điện hiện hành cho các bậc từ 101-200kWh và 201-300kWh cũng được giữ nguyên. Giá điện cho các bậc từ 401-700kWh và từ 700kWh trở lên được thiết kế tăng cơ cấu giá bán điện nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp và khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng điện.

Bộ Công thương đã nhiều lần đề xuất rút ngắn bậc thang giá điện. Lần gần nhất là vào tháng 3/2024, Bộ Công thương cũng đã gửi Bộ Tư Pháp dự thảo lần 3 Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ chế biểu giá bán lẻ điện. Trong đó, quy định về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt giữ nguyên đề xuất rút ngắn thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, như đề xuất mới nêu trên.

Theo Bộ Công thương, trên cơ sở thiết kế các bậc nêu trên, giá điện cho từng bậc được thiết kế lại nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, cũng như đảm bảo hạn chế tác động tới hộ sử dụng điện.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thiết kế biểu giá điện 5 bậc sẽ khiến khách hàng dễ theo dõi hơn, mặt khác số hộ tiêu dùng dưới 50kWh hiện còn rất ít. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không ủng hộ việc bù chéo giá điện giữa hộ dùng nhiều và hộ dùng ít, vì hộ dùng ít đã được hưởng chính sách ưu đãi.

Quan trọng nhất, giá điện phải minh bạch các thành phần, cách tính và sản lượng tiêu thụ của từng khách hàng.

Tuy nhiên gần đây, có dư luận trái chiều về đề xuất bỏ biểu giá điện bậc thang, triển khai xây dựng biểu giá điện 2 thành phần để tránh sử dụng càng nhiều điện, giá càng cao.

Tại họp báo Quý IV/2024, đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) thông tin, tháng 8/2024, Bộ trưởng Bộ Công thương đã giao Cục Điều tiết điện lực nghiên cứu, xây dựng về cơ chế giá điện hai thành phần. Sau đó, Cục, Bộ lại giao EVN trực tiếp nghiên cứu, xây dựng và cho rằng đây là chính sách mới ở Việt Nam, sẽ tác động rất lớn đến tất cả các đối tượng khách hàng.

"Chính vì vậy, chúng tôi đang yêu cầu EVN thu thập số liệu và đánh giá tác động trước khi có đề xuất cụ thể để Bộ Công thương báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng theo lộ trình" - đại diện Cục Điều tiết điện lực cho hay.

Ngoài điện 2 thành phần, Bộ Công thương thông tin về đề xuất tăng giá điện 2 tháng một lần. Cụ thể, tại dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được đưa ra mới đây, Bộ Công thương đề xuất rút ngắn điều hành giá điện từ 3 tháng xuống 2 tháng/lần là theo lộ trình về việc điều chỉnh giá điện theo thị trường.

Đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết, hiện dự thảo đang lấy ý kiến đơn vị, đánh giá tác động để điều chỉnh thời gian điều hành giá điện xuống 2 tháng/lần.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gia-dien-sinh-hoat-duoc-de-xuat-tang-10298270.html
Zalo