Giá dầu thế giới giảm hơn 3% trong tuần qua

Thị trường dầu thế giới diễn biến ảm đạm trong tuần qua và ghi nhận mức giảm hơn 3% trong cả tuần. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm 3,1%, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) hạ 4,8%.

Một cơ sở lọc dầu tại Houston, Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cơ sở lọc dầu tại Houston, Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đà đi xuống của giá dầu chịu tác động bởi những lo ngại về rủi ro nguồn cung do ảnh hưởng của cuộc xung đột Israel – Hezbollah giảm bớt và triển vọng tăng nguồn cung vào năm 2025 ngay cả khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng các đồng minh, còn gọi là OPEC+, dự kiến sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Ngay trong hai phiên giao dịch đầu tuần ngày 25-26/11, giá dầu thế giới giảm hơn 2 USD/thùng sau khi có thông tin cho rằng Israel và Hezbollah đã đồng ý các điều khoản của một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột giữa hai bên. Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn Price Futures Group cho hay thị trường dầu mỏ đang biến động liên tục do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung tăng hoặc giảm.

Hai nguồn tin từ OPEC+ cho biết các quốc gia này đang thảo luận về việc trì hoãn thêm kế hoạch tăng sản lượng dầu, vốn dự kiến thực hiện từ tháng 1/2025. Các cuộc họp để quyết định chính sách cho đầu năm 2025 sẽ được tổ chức vào ngày 1/12 tới.

OPEC+ chiếm khoảng một nửa sản lượng dầu thế giới và đã lên kế hoạch thu hẹp dần chương trình cắt giảm sản lượng với những đợt tăng nhỏ trong nhiều tháng vào năm 2024 và 2025. Tuy nhiên, sự suy giảm về nhu cầu dầu của Trung Quốc và toàn cầu, cùng với sản lượng gia tăng ngoài nhóm, đã khiến kế hoạch này gặp khó khăn.

Ông John Kilduff, đối tác của công ty đầu tư Again Capital cho rằng khả năng OPEC+ trì hoãn tăng sản lượng và mối lo ngại về kế hoạch áp thuế của Tổng thống đắc cử Donald Trump không đủ mạnh để giúp giá dầu WTI duy trì trên mức 70 USD/thùng.

Phục hồi nhẹ phiên 28/11 trước khi quay trở lại quỹ đạo giảm vào phiên cuối tuần, thị trường “vàng đen” chứng kiến một tuần đi xuống. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/11, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 34 xu (tương đương 0,46%) xuống 72,94 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 72 xu (tương đương 1,05%), xuống còn 68 USD/thùng.

Hoạt động giao dịch trong phiên này bị hạn chế do các thị trường bước vào đợt nghỉ lễ Tạ ơn.

Tuy nhiên, xung đột ở Trung Đông không làm gián đoạn nguồn cung dầu, dự kiến sẽ dồi dào hơn vào năm 2025. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận thấy khả năng nguồn cung dầu thế giới sẽ dư thừa hơn 1 triệu thùng/ngày – tương đương với hơn 1% sản lượng toàn cầu.

OPEC+ đã hoãn cuộc họp chính sách tiếp theo từ ngày 1/12 sang ngày 5/12. OPEC+ dự kiến sẽ quyết định gia hạn việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp này. Cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) lấy ý kiến của 41 nhà phân tích cho thấy giá dầu Brent có thể đạt mức trung bình 74,53 USD/thùng vào năm 2025. Điều này đánh dấu lần điều chỉnh giảm tháng thứ bảy liên tiếp trong các cuộc thăm dò của Reuters.

Trước đó, OPEC ngày 12/11 đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2024 và 2025, do nhu cầu tại Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác yếu hơn. Đây là lần điều chỉnh giảm thứ tư liên tiếp của OPEC về nhu cầu dầu năm 2024.

Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cho biết nhu cầu dầu trên toàn thế giới sẽ tăng 1,82 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm so với mức dự báo tăng trưởng 1,93 triệu thùng/ngày vào tháng trước. Bên cạnh đó, OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2025 xuống còn 1,54 triệu thùng/ngày từ mức 1,64 triệu thùng/ngày.

Trung Quốc chiếm phần lớn trong lần điều chỉnh giảm cho năm 2024. Cụ thể, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc xuống còn 450.000 thùng/ngày từ mức 580.000 thùng/ngày.

Việc hạ dự dự báo tăng trưởng nhu cầu đã làm nổi bật thách thức mà OPEC+ đang phải đối mặt, sau khi hoãn kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 12 tới trong bối cảnh giá dầu giảm.

OPEC+ đã thực hiện một loạt đợt cắt giảm sản lượng kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ giá dầu, hầu hết trong số đó được thực hiện cho đến cuối năm 2025.

Các dự báo về tăng trưởng nhu cầu năm 2024 rất khác nhau, một phần do sự khác biệt trong dự báo về nhu cầu của Trung Quốc và tốc độ chuyển đổi sang nhiên liệu sạch hơn của thế giới.

Minh Trang/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-dau-the-gioi-giam-hon-3-trong-tuan-qua-20241130130646383.htm
Zalo