Giá dầu thế giới giảm: Các nền kinh tế thiên về sản xuất hưởng lợi
Giá dầu thế giới đang biến động trái chiều từng ngày nhưng giới chuyên môn tin tưởng vào xu hướng giảm trong bối cảnh chưa có dấu hiệu cho thấy những bứt phá trong tiêu thụ. Dự báo về một 'cuộc suy thoái' về nhu cầu và sức mua đã được đưa ra.
Giá dầu giảm có lợi cho các nền kinh tế thiên về sản xuất, đồng nghĩa với việc cần sớm có phương án thích ứng với xu hướng thị trường.
Tại Mỹ, giá dầu thế giới đã tăng trong phiên giao dịch ngày 12-9 (giờ địa phương), sau khi cơn bão Francine tàn phá các khu vực sản xuất dầu ở Vịnh Mexico ngoài khơi nước này.
Theo ghi nhận, lúc 0h ngày 13-9 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 1,91 USD, tương đương 2,8%, lên 69,22 USD/thùng, còn giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,70 USD (tương đương 2,4%) lên 72,31 USD/thùng. Ngân hàng UBS ước tính, sản lượng dầu Vịnh Mexico - nơi chiếm khoảng 15% tổng sản lượng dầu của nước Mỹ sẽ giảm khoảng 1,5 triệu thùng trong tháng này do hậu quả của bão Francine.
Tuy nhiên, những tác động nêu trên được đánh giá chỉ mang tính ngắn hạn. Giới chuyên môn nhận định, thực tế thị trường dầu lúc này hướng sự chú ý đến tình trạng nhu cầu yếu đối với “vàng đen” trên toàn cầu, đặc biệt là từ nước nhập khẩu hàng đầu thế giới là Trung Quốc - nơi vừa chứng kiến các biện pháp kích thích tài khóa nhưng nhu cầu về dầu diesel vẫn giảm.
Nhu cầu yếu cũng là dấu hiệu tại Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu dự trữ của nước này đã tăng lên trong tuần trước, khi nhập khẩu dầu thô tăng, xuất khẩu giảm và nhu cầu nhiên liệu đi xuống.
Giới phân tích cho biết, giá xăng tại Mỹ đang hướng tới mức thấp nhất trong 3 năm do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào.
Ngoài yếu tố kinh tế, những rắc rối về chính trị và xung đột cũng kìm hãm nhu cầu sử dụng dầu mỏ trên toàn cầu. Theo Reuters, Tập đoàn Dầu khí quốc gia của Libya (một thành viên OPEC) chứng kiến tình trạng gián đoạn đối với một số hàng hóa dầu thô giao dịch qua cảng Es Sider, trong khi sản lượng dầu cũng bị hạn chế bởi bế tắc chính trị về ngân hàng trung ương và doanh thu từ dầu mỏ. Trong khi đó, xung đột Ukraine và vùng Trung Đông tiếp tục trở thành những nút thắt cản trở dòng chảy dầu mỏ toàn cầu.
Hệ quả, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mới đây đã giảm hơn 7% trong dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 xuống 900.000 thùng/ngày, giảm 70.000 thùng/ngày so với đánh giá hồi tháng trước. Mức này tương đồng với dự báo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), vốn cho rằng tiêu thụ dầu và nhiên liệu gốc hydrocarbon toàn cầu chỉ tăng 940.000 thùng/ngày, đạt trung bình khoảng 103,1 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mới đây cũng hạ ước tính tăng trưởng nhu cầu mua dầu trung bình toàn cầu năm 2025, với mức mới chỉ 1,74 triệu thùng/ngày, thấp hơn con số 1,78 triệu thùng/ngày đưa ra trước đó.
Dự báo về một “cuộc suy thoái” về nhu cầu và sức mua khiến giá dầu thô tiếp đà xuống dốc. Giá dầu Brent tuần này có thời điểm đóng cửa ở gần mức thấp nhất 3 năm. Morgan Stanley mới đây tiếp tục giảm dự báo giá dầu trong quý IV-2024, với mốc mới dành cho giá dầu Brent chỉ là 75 USD, thay vì mức 80 USD mà ngân hàng đầu tư này đưa ra cách đây 2 tuần. Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp Morgan Stanley giảm dự báo giá dầu tiêu chuẩn. Lợi nhuận lọc dầu ở châu Á lúc này cũng giảm xuống mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2020.
Về phần mình, Goldman Sachs đã hạ phạm vi dự kiến đối với giá dầu Brent xuống còn khoảng 70-85 USD/thùng, viện dẫn các lý do nhu cầu dầu của Trung Quốc suy yếu, tồn kho cao và sản lượng dầu từ đá phiến của Mỹ tăng.
Đáng chú ý, Citi dự báo giá dầu trong năm tới có thể chỉ ở mức 60 USD/thùng nếu OPEC+ không thực hiện cắt giảm sản lượng nhiều hơn. Nhóm này cũng vừa đồng ý trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng 180.000 thùng/ngày trong tháng 10 thêm hai tháng để phản ứng với giá dầu thô sụt giảm, nhưng hiệu quả đem lại chưa thể đong đếm ngay.
Các quan điểm phân tích đều cho rằng, giá dầu còn duy trì xu hướng giảm trong nhiều tháng tới. Đây là diễn biến có lợi cho các nền kinh tế thiên về sản xuất. Vì vậy, bây giờ chính là lúc các quốc gia nhóm này cần có kế hoạch ứng phó linh hoạt để thích ứng với xu hướng thị trường, qua đó tối ưu hóa nguồn cung và giá cả, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu thụ trong nước.