Giá dầu giảm mạnh khi nỗi lo dư cung 'nóng' trở lại
Giá dầu thế giới giảm hơn 2 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng đầu tuần tại thị trường châu Á.

Trong ảnh: Các máy bơm dầu tại giếng dầu Imilorskoye ở Kogalym, vùng Siberi, Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Giá dầu thế giới giảm hơn 2 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng đầu tuần tại thị trường châu Á, sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, quyết định tiếp tục đẩy mạnh việc tăng sản lượng, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dư thừa.
Cụ thể, sáng 5/5, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 2,04 USD/thùng, tương đương 3,33%, xuống còn 59,25 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ cũng mất 2,10 USD, tương đương 3,60%, còn 56,19 USD/thùng. Giá cả hai loại dầu này đều rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 9/4 khi thị trường mở cửa đầu tuần, sau khi OPEC+ nhất trí tăng sản lượng lần thứ hai liên tiếp, nâng mức tăng trong tháng 6/2025 lên 411.000 thùng/ngày.
Theo tính toán của hãng tin Reuters, mức tăng nói trên sẽ đưa tổng các mức tăng sản lượng dầu trong ba tháng 4, 5 và 6 lên 960.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 44% trong tổng số 2,2 triệu thùng/ngày đã bị cắt giảm theo các thỏa thuận trước đây của OPEC+ kể từ năm 2022.
Chuyên gia Tim Evans, sáng lập công ty tư vấn năng lượng Evans on Energy, nhận định: “Quyết định ngày 3/5 của OPEC+ về việc nâng hạn ngạch sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 6/2025 càng củng cố kỳ vọng rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ sớm chuyển sang trạng thái dư cung”.
Một số nguồn tin từ OPEC+ cho biết nhóm này có thể dỡ bỏ hoàn toàn các đợt cắt giảm tự nguyện trước tháng 10/2025, nếu các nước thành viên không cải thiện việc tuân thủ hạn ngạch sản xuất. Theo các nguồn tin, Saudi Arabia đang thúc đẩy OPEC+ đẩy nhanh quá trình rút lại các đợt cắt giảm sản lượng trước đó nhằm gây sức ép với Iraq và Kazakhstan – hai nước bị cho là không tuân thủ tốt hạn ngạch sản xuất.
Ngân hàng Barclays đã hạ dự báo giá dầu Brent năm 2025 xuống còn 66 USD/thùng (giảm 4 USD) và năm 2026 còn 60 USD/thùng (giảm 2 USD) do ảnh hưởng từ việc OPEC+ đẩy nhanh việc loại bỏ dần các thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục leo thang sau khi Israel tuyên bố sẽ có hành động đáp trả sau diễn biến tên lửa do lực lượng Houthi phóng đã rơi gần khu vực lối vào sân bay Ben Gurion.
Trong một diễn biến khác, Mỹ và Ukraine đã ký thỏa thuận cho phép Washington được ưu tiên tiếp cận các hợp đồng khai thác khoáng sản mới tại Ukraine và tài trợ đầu tư cho công cuộc tái thiết nước này.