Giá dầu giảm mạnh buộc ngành dầu khí Mỹ xem xét cắt giảm sản xuất và việc làm

Giá dầu thô Mỹ rớt gần 14% trong tháng 4, buộc ngành dầu khí đối mặt nguy cơ cắt giảm sâu sản xuất.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump từng kêu gọi mạnh mẽ giới năng lượng “khai thác hết mức có thể”, ngành dầu đá phiến của Mỹ hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ đại dịch.

Hình minh họa các dàn khoan dầu. Ảnh: Getty

Hình minh họa các dàn khoan dầu. Ảnh: Getty

Các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành cảnh báo rằng, cú sụt giảm bất ngờ của giá dầu một phần do tác động từ căng thẳng thương mại do chính Tổng thống Trump khởi xướng này đang đẩy nhiều công ty trong lĩnh vực này đến bờ vực phá sản.

Thị trường dầu toàn cầu đang chịu sức ép kép: nhu cầu sụt giảm do kinh tế chững lại vì các rào cản thuế quan, trong khi nguồn cung lại tăng thêm. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng đối tác (OPEC+) tuần trước cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ tăng sản lượng trong thời gian tới – một động thái càng làm gia tăng áp lực lên giá dầu.

Theo giới phân tích, việc Tổng thống Donald Trump duy trì các mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - đang khiến triển vọng tiêu thụ dầu thô toàn cầu thêm u ám.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tuần này đã điều chỉnh giảm mạnh dự báo giá dầu thô của Mỹ trong năm 2025, từ 70,68 USD/thùng xuống còn 63,88 USD/thùng. Đồng thời, EIA cũng hạ dự báo tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay từ 1,3 triệu thùng/ngày xuống còn 900.000 thùng/ngày.

Bên cạnh đó, thuế quan áp dụng lên thép và thiết bị nhập khẩu có thể khiến chi phí khai thác tăng cao, khiến các nhà sản xuất càng thêm e ngại mở rộng hoạt động trừ khi giá dầu phục hồi đáng kể.

Giá dầu thô tiêu chuẩn của Mỹ đã giảm gần 14% chỉ trong nửa đầu tháng này, xuống dưới mức hòa vốn của nhiều nhà khai thác tại Texas. Một số doanh nghiệp thậm chí lo ngại có thể phải tạm ngưng giàn khoan.

Theo Công ty tư vấn Rystad Energy, khi tính cả chi phí trả nợ và cổ tức, nhiều nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ phải đạt mức giá gần 62 USD/thùng mới có thể hòa vốn. Trên thực tế, ngay cả với những doanh nghiệp sở hữu mỏ dầu có chi phí hòa vốn chỉ khoảng 40 USD/thùng, họ vẫn có xu hướng giảm hoạt động nếu giá dầu rơi xuống dưới 65 USD/thùng do lo ngại ảnh hưởng đến khả năng chi trả cổ tức.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực Kansas City trong báo cáo quý gần nhất cũng cho biết, giá năng lượng hiện vẫn ở dưới mức mà các nhà sản xuất cần để có thể mở rộng sản xuất một cách rõ rệt. Cụ thể, doanh nghiệp trong ngành cho biết họ cần giá dầu đạt 85 USD/thùng và khí tự nhiên ở mức 5,10 USD/MMBtu mới sẵn sàng tăng cường khai thác.

“Nếu giá dầu tụt xuống ngưỡng 60 USD hoặc thấp hơn, các công ty độc lập niêm yết vốn đang rất thận trọng với ngân sách sẽ buộc phải cắt giảm chi tiêu và giảm số lượng giàn khoan”, ông Bryan Sheffield, nhà sáng lập quỹ đầu tư năng lượng Formentera Partners và cựu Giám đốc điều hành Parsley Energy nhận định.

Còn ông Roe Patterson, đối tác điều hành tại Marauder Capital, cho rằng:

“Nếu giá giảm xuống dưới 60 USD và duy trì lâu, chắc chắn số lượng giàn khoan sẽ giảm mạnh. Đây có thể xem là cơ hội để các nước thuộc OPEC gia tăng thị phần 0 một hệ quả không mong muốn và phần nào do chính nội bộ ngành năng lượng Mỹ gây ra”.

Theo Công ty phân tích Wood Mackenzie, dù chi phí khai thác tại các mỏ chất lượng cao ở lưu vực Permian Basin có thể thấp hơn 40 USD/thùng, nhưng tại khu vực Bắc Dakota, giá dầu cần đạt khoảng 57 USD/thùng mới đủ hấp dẫn để khoan giếng mới.

Điều này đồng nghĩa với việc các hoạt động tại những khu vực này đang đối mặt nhiều rủi ro hơn trong bối cảnh giá hiện tại.

Dũng Phan (Theo Seeking Alpha)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-dau-giam-manh-buoc-nganh-dau-khi-my-xem-xet-cat-giam-san-xuat-va-viec-lam-10286868.html
Zalo