Giá đất ở Tp.HCM có thể lên tới 687 triệu đồng/m2

Theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh mới nhất của Tp.HCM, giá đất ở giảm so với dự thảo trước đây. Giá đất ở cao nhất là 687 triệu đồng/m2 nằm ở đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1).

Theo dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020 về bảng giá đất trên địa bàn Tp.HCM được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trình UBND Tp.HCM hôm nay (16/10), khu vực đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) là nơi có giá đất cao nhất với 687 triệu đồng/m2.

 Giá đất ở cao nhất là 687 triệu đồng/m2 nằm ở đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1).

Giá đất ở cao nhất là 687 triệu đồng/m2 nằm ở đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1).

Mức giá này cao hơn gấp 4 lần so với bảng giá trước đây (162 triệu đồng) song đã giảm so với dự thảo bảng giá đất lần trước là 810 triệu đồng.

Một số khu vực khác tại trung tâm Tp.HCM có giá đất ở cao theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh là đường Lê Thánh Tôn với 491 triệu đồng/m2 (trước đây là gần 116 triệu đồng/m2), đường Công Trường Lam Sơn với 491 triệu đồng/m2 (trước đây là 115,9 triệu đồng/m2), đường Lê Duẩn với 466,7 triệu đồng/m2 (trước đây là 110 triệu đồng/m2)...

Tại quận 3, dự thảo mới nhất của bảng giá đất điều chỉnh đã có xu hướng giảm so với bảng giá đề xuất trước đây. Trong đó, tuyến đường có giá đất cao nhất là đường Công Trường Quốc Tế với 340,2 triệu đồng/m2, thay vì lên đến 420 triệu đồng/m2 như đề xuất trước đó (theo bảng giá cũ là 79,2 triệu đồng/m2).

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua là giá đất vùng ven, các huyện ngoại thành tăng lên quá cao trong dự thảo bảng giá đất điều chỉnh lần trước. Trong dự thảo mới nhất, giá đất tại các khu vực này đã giảm đáng kể.

Tp.Thủ Đức (gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức cũ) cũng là địa phương có thay đổi mạnh theo dự thảo bảng giá đất mới. Mức giá đất hiện hành tại khu vực này trung bình từ 5-8 triệu đồng mỗi m2. Tại dự thảo bảng giá đất điều chỉnh tháng 7, các tuyến đường như Trần Não, Lương Định Của lên đến 149 triệu đồng mỗi m2, tăng 11 lần. Còn theo dự thảo này, giá đất xuống còn 120 triệu đồng mỗi m2 (chỉ tăng 9 lần so với giá hiện tại). Đường 23 phường Long Thạnh Mỹ theo bảng giá điều chỉnh tháng 7 tăng 28 lần, hiện tại giá mới nhất được đề xuất chỉ tăng 22 lần.

Thay đổi nhiều nhất trong bảng giá đất điều chỉnh bổ sung lần này là giá đất tại 5 huyện vùng ven đã giảm khá mạnh. Cụ thể, giá đất một số tuyến đường từng chênh đến 40 lần là Đặng Công Bình, theo mức giá mới trong dự thảo còn 18,5 triệu đồng mỗi m2 thay cho mức 41 triệu đồng đề xuất trước đó. Đường Song Hành quốc lộ 22 giá cao nhất được đề nghị là 32 triệu đồng mỗi m2 thay cho mức đề xuất hồi tháng 7 là 71 triệu đồng mỗi m2, giá mới chỉ tăng gấp 20 lần thay cho mức 51 lần trước đó.

Hay đường Trần Đại Nghĩa (huyện Bình Chánh) hồi tháng 7 được đề xuất giá tăng đến 25 lần, từ 1,7 triệu đồng mỗi m2 lên đến 43 triệu đồng mỗi m2, nay theo bảng giá đất mới nhất còn 34 triệu đồng mỗi m2, tăng 20 lần.

Khu vực Củ Chi, tuyến đường Tỉnh lộ 7 từng có giá điều chỉnh tăng 30 lần so với hiện tại, theo bảng giá mới đã xuống 8,7 triệu đồng mỗi m2, tăng 24 lần...

Theo tìm hiểu, giá đất trong dự thảo này đang thấp hơn so với giá giao dịch trên thị trường từ 25-50%. Ví dụ như tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ (quận 1), mức giá mới dự kiến là 687 triệu đồng một m2, trong khi theo khảo sát từ nhiều đơn vị nghiên cứu, giá nhà đất hai khu vực này được bán từ 1,2-2 tỷ đồng một m2.

Khu vực Tp.Thủ Đức, nhiều lô đất trên đường Trần Não, Lương Định Của thuộc phường Bình An đang chào giá bán 180-250 triệu đồng một m2, cao hơn 20-30% so với dự thảo bảng giá đất điều chỉnh mới (120 triệu đồng một m2). Tuyến đường Đặng Hữu Phổ thuộc phường Thảo Điền giá bán thực tế 155 triệu đồng một m2, cũng cao hơn 50% so với mức đề xuất 71 triệu đồng.

Khu vực quận 9 cũ, tuyến đường Đỗ Xuân Hợp có giá dự kiến mới là 66 triệu đồng mỗi m2 (trước đó là 81,7 triệu đồng một m2), nhưng giá giao dịch hiện tại trung bình 120 triệu đồng một m2.

Với các huyện ngoại thành như Nhà Bè, hai tuyến đường Phạm Hùng, Huỳnh Tấn Phát điều chỉnh tăng lên cao nhất là 56-64 triệu đồng mỗi m2 (đề xuất trước đó 70-78 triệu đồng một m2), thực tế giá đất trên những con đường này đều không dưới 100-120 triệu đồng một m2.

 Nhiều lô đất trên đường Trần Não, Lương Định Của thuộc phường Bình An đang chào giá bán 180-250 triệu đồng một m2, cao hơn 20-30% so với dự thảo bảng giá đất điều chỉnh mới.

Nhiều lô đất trên đường Trần Não, Lương Định Của thuộc phường Bình An đang chào giá bán 180-250 triệu đồng một m2, cao hơn 20-30% so với dự thảo bảng giá đất điều chỉnh mới.

Hay huyện Hóc Môn, giá đất một số tuyến đường từng chênh đến 40 lần là Đặng Công Bình, theo mức giá điều chỉnh mới sẽ còn 18,5 triệu đồng mỗi m2 (tăng khoảng 20 lần so với giá hiện hành), thực tế giá nhà mặt tiền tuyến đường này trung bình vào khoảng 35 triệu đồng mỗi m2. Đường Song Hành quốc lộ 22 giá cao nhất là 32 triệu đồng mỗi m2 còn thực tế đất gần đường có giá bán từ 50-80 triệu đồng mỗi m2...

Như vậy, sau gần ba tháng lấy ý kiến các bên lẫn gặp nhiều tranh cãi trái chiều, ở dự thảo này, giá đất điều chỉnh đã giảm nhiều so với đề xuất ban đầu.

Bảng giá đất điều chỉnh lần này nếu được UBND thành phố thông qua sẽ sử dụng đến hết năm 2025. Cuối năm nay, cơ quan quản lý sẽ đánh giá lại để đảm bảo phù hợp tình hình kinh tế. Từ đầu năm 2026, thành phố sẽ áp dụng bảng giá đất hằng năm chung theo Luật Đất đai.

UBND Tp.HCM khẳng định xây dựng bảng giá đất điều chỉnh tuân thủ các quy định. Đến nay, thành phố đã thực hiện đủ các bước về lập và chấp thuận đề nghị xây dựng; soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi và thẩm định dự thảo quyết định thay thế Quyết định 02. Các ý kiến góp ý đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu đầy đủ vào dự thảo.

Quốc Lâm

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/gia-dat-o-tphcm-co-the-len-toi-687-trieu-dong-m2-d52922.html
Zalo