Giả danh shipper lừa đảo người tiêu dùng
Thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã giả danh nhân viên giao hàng (shipper) của các thương hiệu uy tín để chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng.
Thủ đoạn của các đối tượng này là gọi điện thoại cho người dân, tự xưng là nhân viên giao hàng thông báo có đơn cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán tiền.
Chiêu trò giả danh shipper
Sau khi người dân chuyển khoản thành công, các đối tượng liền thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó, trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản, đồng thời gửi cho người dân đường link trang facebook và số điện thoại giả mạo trung tâm vận chuyển để người dân liên hệ hủy đăng ký hội viên.
Khi người dẫn bấm vào đường link giả mạo và nhập các thông tin cá nhân sẽ có nguy cơ bị đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người tiêu dùng nâng cao ý thức cảnh giác khi thanh toán nhận hàng online. Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn được đối tượng lạ gửi đến.
Chiêu trò lừa đảo liên quan bất động sản
Mới đây, chủ đầu tư của một dự án nhà ở chung cư ở Hà Nội phát hiện 2 vụ lừa đảo khách hàng quan tâm tới căn hộ của dự án này. Theo đó, các đối tượng lừa đảo lập một kế hoạch rất tinh vi.
Trước tiên, đối tượng đăng tải các thông tin sai sự thật về việc có thể mua được căn hộ với giá rất tốt để thu hút khách hàng. Tiếp đó, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản của chủ đầu tư.
Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng đưa 300 triệu đồng trước khi đưa đến chủ đầu tư ký kết hợp đồng mua bán. Tin tưởng và làm theo hướng dẫn của đối tượng, nạn nhân chuyển tiền nhưng ngay sau đó đối tượng ngắt liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền đặt cọc trên.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân, đặc biệt những ai đang quan tâm đến các khoản đầu tư bất động sản, cần cẩn trọng với những dịch vụ môi giới trên mạng xã hội. Tuyệt đối không tự ý nộp tiền mua căn hộ khi chưa có xác nhận chấp thuận số căn hộ từ chủ đầu tư hoặc thông báo từ đối tác bán hàng cho chủ đầu tư. Không chuyển tiền cọc trước khi thực hiện xác nhận rõ ràng danh tính đối tượng, tổ chức, doanh nghiệp.
Lừa đảo mua điện thoại 4G "đội lốt" 2G
Lợi dụng chính sách cắt sóng 2G và nhu cầu đổi điện thoại từ 2G sang 4G của một bộ phận người dân, đa số là người cao tuổi có nhu cầu sử dụng máy phím bấm 4G, một số đối tượng đã lừa đảo người dân mua máy 2G nhưng "đội lốt" 4G với giá 400.000-500.0000 đồng/máy.
Theo đó, các đối tượng sử dụng mạng xã hội hoặc thông qua bán trực tiếp để tiếp cận, lừa đảo bán điện thoại giả 4G cho người dùng. Đối tượng đăng tải các bài đăng với nội dung rao bán điện thoại di động 4G giá rẻ, đồng thời rao bán những loại smartphone 3G đã qua sửa chữa với lời rao "3G hay 4G đều xài thoải mái" và giá chưa đến 1 triệu đồng.
Sau khi bán sản phẩm, các đối tượng sẽ xóa tài khoản bán hàng hoặc chặn tài khoản của người mua trên mạng xã hội. Không ít người dùng ham rẻ, thiếu kiến thức đã đặt mua điện thoại của các đối tượng lừa đảo, đến khi nhận máy, lắp sim mới phát hiện mua phải điện thoại 2G hoặc smartphone 3G cũng nằm trong diện không sử dụng được khi chuyển lên sóng 4G sắp tới.
Do người tiêu dùng rất khó phân biệt được đâu là điện thoại feature phone 4G, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên lựa chọn mua tại các địa chỉ uy tín, không mua những mặt hàng trôi nổi trên mạng xã hội.
HM/Báo Chính phủ