Giá cao su thế giới phá đỉnh 5 năm, Cao su Việt Nam (GVR) hưởng lợi lớn
Ước tính giá cao su cứ tăng 1% thì biên lợi nhuận gộp mảng sản xuất cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR) sẽ tăng thêm 0,22%. Hiện mảng sản xuất cao su đóng góp từ 40 - 60% tổng lợi nhuận tập đoàn này.
Kết thúc quý 2 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) ghi nhận 4.620 tỷ đồng doanh thu thuần và 994 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 8% và 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bóc tác dữ liệu cho thấy riêng mảng sản xuất cao su tự nhiên đem về cho Cao su Việt Nam khoảng 429 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chiếm hơn 43% tổng lợi nhuận toàn tập đoàn. Đáng chú ý, mặc dù sản lượng tiêu thụ trong quý 2/2024 chỉ đạt 81.000 tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng giá cao su tự nhiên tăng vọt 18%, đã hỗ trợ tích cực cho đà tăng trưởng lợi nhuận.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, kết quả kinh doanh của Cao su Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm nay khi giá cao su tự nhiên dự kiến sẽ neo cao, thậm chí duy trì xu hướng tăng xuyên suốt từ nay cho đến nửa đầu năm 2025 do tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Trong ngày 25/9, giá cao su tự nhiên giao tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) đã bật tăng mạnh, lên cao nhất 5 năm trở lại đây.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) ước tính thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay.
Trong đó, tại Ấn Độ - Top 5 quốc gia sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, đang thiếu hụt nghiêm trong nguồn cao su nội địa và buộc phải đẩy mạnh nhập khẩu, khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu trở nên căng thẳng hơn.
Ngoài ra, nguồn cung từ Thái Lan - nước xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới cũng đang suy giảm do tác động từ thiên tai và các hộ cao su tiểu điền bỏ vườn.
ANRPC cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt rơi vào khoảng 600 - 800.000 tấn/năm.
Do đặc tính của cây cao su, việc khai thác cao su sẽ diễn ra mạnh từ tháng 3 - 12 hàng năm, do đó quý 2 trở đi mới là thời điểm sản lượng của Cao su Việt Nam đạt đỉnh. Hiện tập đoàn này đang sở hữu hơn 394.700 ha đất trồng cao su trải khắp các tỉnh thành, bao gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh,..., trở thành đơn vị chi phối chủ chốt thị trường cao su tự nhiên tại Việt Nam.
Theo dự báo mới đây của SSI Research, giá bán cao su của Cao su Việt Nam trong nửa cuối năm nay dự kiến sẽ tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trung bình 36,4 triệu đồng/tấn. SSI Research cũng lưu ý, giá cao su cứ tăng 1% thì lợi nhuận gộp mảng sản xuất cao su của Cao su Việt Nam sẽ tăng thêm 0,22%, tạo động lực tăng trưởng kết quả kinh doanh chung của tập đoàn này.
Lợi nhuận nửa cuối năm nay của Cao su Việt Nam được dự báo có thể tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023. Cho cả năm 2024, lợi nhuận sau thuế của Cao su Việt Nam có thể đạt 4.050 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2023, theo SSI Research.
Bên cạnh việc giá cao su tăng cao, triển vọng kinh doanh của Cao su Việt Nam còn đến từ việc chuyển đổi đất cao su sang đất công nghiệp. Ban lãnh đạo Cao su Việt Nam cho biết, tập đoàn đã được phê duyệt chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp với tổng diện tích là gần 23.500 ha, hiện đang triển khai gần 11.000 ha tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với việc áp dụng các khung giá đất mới, Cao su Việt Nam sẽ gia tăng thu nhập từ việc chuyển đổi đất cao su. Đồng thời, thời gian chuyển đổi đất dự kiến sẽ được phê duyệt nhanh hơn khi hành lang pháp lý đã được xây dựng rõ ràng và tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ ở mức cao, đặc biệt là đã vượt quá 92% tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.