Giá cao kỷ lục lịch sử, Việt Nam 'ôm' về 4 tỷ USD từ loại hạt 'giàu vị đắng'
Giá loại hạt mà Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu tăng mạnh, lên mức kỷ lục lịch sử, giúp mang về hơn 4 tỷ USD. Nguồn thu dự kiến còn tăng mạnh khi tới đây, các vùng trồng sắp vào mùa thu hoạch hàng triệu tấn.
Tháng 8 vừa qua, giá cà phê Robusta và Arabica trên các sàn giao dịch quốc tế tăng mạnh, liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Đến cuối tháng 8, giá loại hạt “giàu vị đắng” này trên thị trường toàn cầu đã tăng mạnh lên mức kỷ lục 13 năm qua.
Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết tại Brazil và Việt Nam (hai quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới) không thuận lợi, ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu. Ngoài ra, cả 3 thành phần quan trọng về đầu cơ trên thị trường (quỹ đầu cơ phi thương mại, các công ty quản lý quỹ và các quỹ chỉ số của thị trường) đều tăng vị thế mua ròng, đẩy giá tăng mạnh.
Chưa kể, lượng cà phê Arabica tồn kho đã qua phân loại, được nắm giữ trên thị trường New York đến ngày 27/8 giảm 420 bao, xuống còn 843.725 bao (bao 60kg)
Nhiều nhận định cho rằng, giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong tháng 9 do nguồn cung giảm, nhu cầu tăng. Đặc biệt, sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 tại Việt Nam dự kiến giảm mạnh, về mức thấp nhất 13 năm. Trong khi thị trường tiêu dùng cà phê chính thống ở Bắc bán cầu đang dần trở lại sau kỳ nghỉ hè, góp phần thúc đẩy một số hoạt động giao dịch cà phê thực trong những tháng tới trước thời điểm rang cà phê mùa đông ở cả châu Âu và Mỹ.
Trong phiên giao dịch ngày 12/9, giá Robusta - loại hạt cà phê Việt Nam có sản lượng nhiều nhất thế giới - trên sàn London giao tháng 11/2024 tăng mạnh 111 USD, lên mức 5.008 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 1/2025 tăng thêm 88 USD, ở ngưỡng 4.769 USD/tấn.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô cũng ghi nhận ngày thứ ba tăng liên tiếp, lên trên dưới 120.000 đồng/kg.
Giá tăng mạnh và neo ở ngưỡng cao suốt từ đầu năm đến nay giúp xuất khẩu cà phê Việt bội thu. Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 8 tháng qua, nước ta đã xuất khẩu gần 1,06 triệu tấn cà phê, thu về hơn 4 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu cà phê tuy giảm 12,1% về lượng nhưng lại tăng mạnh 35,6% về giá trị.
Đáng chú ý, giá trung bình xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 8/2024 tăng vọt 73,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 5.293 USD/tấn. Còn tính trung bình trong 8 tháng năm nay, giá cà phê đạt 3.805 USD/tấn, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), thông tin, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 8 vọt lên gần 5.300 USD/tấn - mức cao lịch sử.
“Từ khi nước ta xuất khẩu cà phê đến nay, đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá loại hạt này vượt qua mốc 5.000 USD/tấn”, ông đánh giá. Tuy nhiên, sản lượng cà phê tồn kho của Việt Nam để xuất khẩu trong tháng 9 không còn nhiều, nguồn hàng đã cạn.
Đến tháng 10 tới đây, vụ thu hoạch cà phê mới bắt đầu, rộ vụ vào tháng 11 và 12. Song, sản lượng cà phê của nước ta trong niên vụ 2024-2025 ước giảm khoảng 10% so với vụ trước đó (sản lượng niên vụ 2023-2024 ước khoảng 1,5 triệu tấn), ông Hải cho hay.
Sau chuyến đi khảo sát vùng trồng cà phê ở Đắk Lắk, giám đốc một doanh nghiệp ngành hàng này cũng dự báo sản lượng cà phê vụ tới có thể giảm 5-10%. Bởi, một số nơi trồng cà phê cho thấy sự xâm lấn của các loại cây trồng khác như cây sầu riêng đã làm diện tích cà phê thu hẹp lại.
Ngoài ra, đợt khô hạn giữa năm nay cũng ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng này ở nhiều tỉnh vùng Tây Nguyên.
Về giá xuất khẩu, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nhận định, dù vào mùa thu hoạch, sản lượng cà phê sẽ dồi dào nhưng giá cà phê vẫn có thể ổn định ở mức cao, có lợi cho người nông dân.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, thời gian tới, loại hạt này rất khó giảm sâu bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu dẫn đến giảm nguồn cung. Các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới, căng thẳng trên Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng. Cùng với đó, nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ.
Đây là các yếu tố tác động lớn đẩy giá cà phê trên toàn cầu tăng và neo ở mức cao, trong đó có giá cà phê ở Việt Nam, ông nói thêm.