Giá cá tra tăng mạnh, cơ hội hay thách thức

Giá cá tra tại ĐBSCL trong những ngày qua tăng mạnh làm ngư dân vui, buồn lẫn lộn. Người còn cá bán thì vui, hết cá bán thì buồn. Vấn đề đặt ra là giá cá tra tăng mạnh, cơ hội hay thách thức?

Cơ hội

Nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu là một những thế mạnh của ĐBSCL nói chung, tỉnh An Giang nói riêng. Cùng với lúa gạo, rau màu, cá tra trở thành sản phẩm chủ lực của quốc gia. Những năm qua, ngành hàng cá tra mang về cho đất nước mỗi năm hàng tỷ USD. Cụ thể, năm 2018, ngành hàng này đã mang về cho đất nước 2,2 tỷ USD, giải quyết trên 500.000 lao động có việc làm ổn định. Dự kiến, trong năm 2024, ngành hàng cá tra sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD. Đây là con số khá lý tưởng, trong bối cảnh chiến tranh, khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cá tra của doanh nghiệp, ngư dân tại ĐBSCL đã xuất đến 146 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, 4 thị trường chính có doanh số cao là Hoa Kỳ, Trung Quốc - Hồng Kông, Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia Châu Á. Gần đây, các nước Trung Đông cũng mạnh tay, mở hầu bao nhập mặt hàng cá tra Việt Nam để phục vụ thị trường nội địa. Giá cá tra từ 26.500 đồng/kg nay tăng lên 30.000 đồng/kg và trong xu thế, giá cá còn tiếp tục tăng, bởi thị trường đang thiếu cá nguyên liệu loại từ 600 - 800gr/con.

Tiếp tục nâng cao chất lượng để giữ vững thị trường

Tiếp tục nâng cao chất lượng để giữ vững thị trường

Giá tăng, cơ hội cho ngư dân ĐBSCL tăng thu nhập, tạo động lực cho đầu tư phát triển. Cụ thể, giá cả đầu ra ổn định và có xu hướng tăng sẽ khuyến khích ngư dân đầu tư vào nuôi trồng thủy sản, mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến phát triển mang tính bền vững. Lúc này, ngư dân sẽ có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường, ngư dân có thu nhập cao hơn để cải thiện đời sống.

“Nguyên nhân làm giá cá tăng là do nhu cầu thị trường tăng. Trung Quốc tăng nhập khẩu mặt hàng cá tra từ Việt Nam. Các thị trường Hoa Kỳ, EU cũng tăng cường nhập khẩu cá tra để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, phục vụ các lễ hội cuối năm. Mặt khác, giá tăng còn do nguồn cung hạn chế…” - ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt chia sẻ.

Thách thức

Giá cá tra tại An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung tăng mạnh trong những ngày qua vừa là cơ hội cho ngư dân, doanh nghiệp nhưng cũng là thách thức cho ngành hàng cá tra. Thách thức đầu tiên, nguồn cung hạn chế. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, khắc nghiệt, dịch bệnh phát sinh, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cá, dẫn đến sản lượng giảm.

“10 năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng, thời tiết rất bất thường. Buổi sáng trời lạnh nhưng trưa và chiều rất nóng, nhiệt độ trong ao nuôi tăng, giảm bất thường, thân nhiệt của cá điều chỉnh không kịp, chậm thích nghi, cá dễ sinh bệnh, dẫn đến hao hụt” - bà Lê Thị Loan (ngư dân xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Cùng với thời tiết bất thường, giá thức ăn cũng dao động mạnh. Có năm, giá thức ăn tăng 6 lần, trong khi số lần giảm chỉ có 2. Thực tế cho thấy, khi giá thức ăn tăng làm chi phí sản xuất tăng theo, buộc người nuôi phải điều chỉnh giá bán tăng. “Thách thức của ngành hàng cá tra hiện nay là liên kết sản xuất còn lỏng lẻo dẫn đến ngư dân thua lỗ kéo dài và treo ao hoặc tìm đối tượng khác nuôi (có giá trị kinh tế cao hơn, dễ quản lý, tiêu thụ). Từ đó, làm giảm nguồn cung, giá cá tra tăng mạnh” - ông Trần Thanh Nam (ngư dân xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) phân tích.

Giá cá tra tăng mạnh, cơ hội và thách thức đan xen nhau. Song, ngư dân lẫn doanh nghiệp cần bình tĩnh sản xuất theo “tín hiệu” của thị trường. Muốn vậy, ngư dân và doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết, chia sẻ thông tin, lợi nhuận, tăng cường tính “thượng tôn pháp luật”. Để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, trước mắt, những người cùng làm ngành hàng này cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết để hạ giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh, thả giống theo kế hoạch để tránh tình trạng cung vượt cầu…

“Người nuôi cá tra trong tình trạng “ăn được cả, ngã về không”. Nuôi cá lãi được 1 vụ nhưng sau đó, thua lại đến 2 - 3 vụ liên tiếp khiến cho tài chính của gia đình, công ty bị cạn kiệt, rời cuộc chơi. Do đó, bên cạnh sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo của nông dân, sự hỗ trợ đắc lực của khoa học - công nghệ, ngư dân rất cần sự đồng hành của doanh nghiệp, nhất là các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương để ngành hàng cá tra tiếp tục tăng trưởng bền vững” - bà Lê Thị Loan (ngư dân xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) gửi gắm.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/gia-ca-tra-tang-manh-co-hoi-hay-thach-thuc-a410625.html
Zalo