Giá cả tăng cao nhưng mức hỗ trợ HS nội trú giữ nguyên, hiệu trưởng có kiến nghị

Sau 15 năm thực hiện, Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC–BGDĐT đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đảm bảo điều kiện sinh hoạt của học sinh nội trú.

Ngày 29/5/2009, Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc được ban hành đã tạo điều kiện học tập và sinh hoạt cho nhiều học sinh vùng cao có điều kiện khó khăn.

Tuy nhiên, lãnh đạo các cơ sở giáo dục cho biết sau 15 năm thực hiện, đến nay, một số chế độ, chính sách đối với học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú không còn phù hợp cần có điều chỉnh.

Trang cấp hiện vật vừa thiếu vừa thừa

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Công Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Phù Yên (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) cho biết: Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC–BGDĐT ra đời đã góp phần duy trì sĩ số học sinh dân tộc tại các trường học và tăng tỷ lệ huy động học sinh đến trường. Đồng thời, việc học bán trú, nội trú đã thay đổi thói quen của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, giúp các em thuận lợi hơn trong việc học tập, sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và nâng cao thể chất cho học sinh dân tộc miền núi.

Hiện nay, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Phù Yên đang được hưởng học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước (tương đương 1.872.000 đồng/học sinh/tháng). Với mức hỗ trợ này, thầy và trò nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc dạy và học cũng như sinh hoạt hàng ngày.

Trên thực tế, với chi phí sinh hoạt tăng cao và giá cả thị trường biến động không ngừng, khoản tiền này chưa đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu cho học sinh. Hiện tại, bữa trưa và tối của các em được duy trì ở mức 24.000 đồng/bữa, bữa sáng khoảng 7.000 đồng (trong khi một bữa sáng bình thường trên địa bàn có giá gần 30.000 đồng). Sau khi chi trả cho các khoản này, mỗi học sinh còn lại khoảng 120.000 - 220.000 đồng/tháng cho các chi phí sinh hoạt khác.

 Thầy Nguyễn Công Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Phù Yên (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Công Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Phù Yên (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Ảnh: NVCC

Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC–BGDĐT, nhà trường cần lập dự toán kinh phí chi về điện, nước cho học tập và sinh hoạt của học sinh, điện thắp sáng bình quân 25KW/tháng/học sinh theo giá điện quy định tại địa phương. Trên thực tế, nhà trường dùng rất nhiều điện thắp sáng ở: khuôn viên, phòng ký túc xá, phòng học, phòng tập thể dục,... nên với định mức trên là không đủ.

Ngoài ra, nhiều nhân viên như: thư viện, văn thư, thủ quỹ, giáo vụ, nhân viên kỹ thuật, kế toán, thiết bị và lao động hợp đồng phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ như tham gia đội tự vệ, phòng cháy chữa cháy, ban quản lý nội trú, phòng chống bão lũ.... Tuy nhiên, nhà trường hiện chưa có chế độ chi trả, nên rất khó khăn trong việc điều hành.

Trong khi đó, cô Đinh Thị Minh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Mức học bổng của học sinh còn thấp, trong khi giá thị trường ngày càng tăng nên rất khó đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cho học sinh và mua sắm các học phẩm thiết yếu.

Ngoài ra, số lượng biên chế hiện tại của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Sơn Hà chưa đáp ứng được nhu cầu nhân sự cho các vị trí theo Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, dẫn đến áp lực lớn cho giáo viên và nhân viên nhà trường. Việc chi trả lương cho nhân viên hợp đồng như đầu bếp, bảo vệ từ nguồn ngân sách hoạt động đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Mức lương thấp khiến nhân viên hợp đồng khó an tâm công tác. Bên cạnh đó, việc quản lý học sinh ngoài giờ học cũng gặp khó khăn do không có nhân viên quản sinh như các trường phổ thông dân tộc nội trú bậc trung học phổ thông".

Cũng theo cô Minh, tần suất trang cấp đồ dùng, sinh hoạt phí theo khoản 6, Điều 2 Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC–BGDĐT chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng của học sinh. Cụ thể, cặp sách được trang cấp một lần/năm là lãng phí, bởi thực tế cặp sách của học sinh có thể sử dụng được lâu hơn như vậy. Trang cấp cặp sách hai lần/khóa sẽ phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng của các em.

Trong khi đó, những đồ dùng thiết yếu như màn, chiếu cá nhân; quần, áo đồng phục, nilon đi mưa chỉ được trang cấp một lần khi nhập học là chưa hợp lý. Học sinh của các trường phổ thông dân tộc nội trú đang trong độ tuổi phát triển nhanh, nhất là bậc trung học cơ sở. Hơn nữa hiện vật trên được sử dụng thường xuyên nên rất dễ chật hoặc rách, hỏng.

Đồng tình với quan điểm này, thầy Nguyễn Công Hoan cho rằng một học sinh được trang cấp một bộ đồng phục từ lớp 6 đến lớp 9; từ lớp 10 đến lớp 12 là không phù hợp. Các học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Phù Yên có chung một tình trạng là áo đồng phục vừa chật vừa ngắn ngay khi bước vào lớp 8, lớp 9. Các đồ dùng chăn, màn, chiếu dễ bị hư hỏng nên rất khó để học sinh sử dụng được trong suốt quá trình học tập tại nhà trường.

Một số hiện vật khác được trang cấp không còn phù hợp như nilon đi mưa không thực sự cần thiết, bởi học sinh ở nội trú di chuyển trong phạm vi chủ yếu ở trường học. Vì vậy, nilon đi mưa nên được thay thế thành ô che nắng, che mưa (có cùng giá tiền) sẽ phù hợp và tiện lợi cho học sinh hơn.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đòi hỏi học sinh cần có trang thiết bị hiện đại để học tập, tìm kiếm tài liệu. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC–BGDĐT chưa có cơ chế hỗ trợ đầy đủ các thiết bị học tập này.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Đinh Thị Minh cho biết cần bổ sung thêm máy tính cầm tay cho học sinh. Đây là đồ dùng học tập thiết yếu của học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông trong nhiều môn học nhưng Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC–BGDĐT chưa đề cập đến. Ngoài ra, việc trang cấp các thiết bị học tập mới sẽ đảm bảo đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, vấn đề về thiếu thiết bị công nghệ cao như máy vi tính, internet cũng là điều khiến nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú trăn trở.

“Trường Trung học phổ thông nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Phù Yên có một phòng máy gồm 35 máy tính. Trong đó, đa số các máy tính đã được đầu tư từ rất lâu nên tốc độ chậm, hỏng hóc, phải nâng cấp, sửa chữa thường xuyên để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Việc duy tu, sửa chữa đã phần nào ảnh hưởng đến ngân sách chi thường xuyên và nguồn chi cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ khác của đơn vị. Nhà trường hiện có 13 lớp học nhưng chỉ có một phòng máy cũng gây khó khăn trong việc sắp xếp lịch thực hành cho học sinh”, thầy Nguyễn Công Hoan chia sẻ.

Đây cũng là vấn đề Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn gặp phải trong quá trình dạy và học: “Nhà trường đã trang bị máy tính, internet để học sinh có thể tiếp cận kịp thời với công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hiện nhà trường chỉ có một phòng máy, khi xếp lịch dễ dẫn tới chồng chéo các tiết học”, thầy Hà Nhân Trưởng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn nói.

 Thầy Hà Nhân Trưởng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: NVCC)

Thầy Hà Nhân Trưởng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: NVCC)

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 109 để đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho học sinh nội trú

Mong muốn cải thiện chất lượng dạy và học của thầy và trò nhà trường cũng như điều kiện sinh hoạt của học sinh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Phù Yên có nhiều đề xuất sửa đổi Thông tư liên tịch 109 để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.

Cụ thể, thầy Nguyễn Công Hoan đề nghị nâng mức hỗ trợ Tết nguyên đán và Tết cổ truyền của dân tộc cho học sinh từ 50.000 đồng/học sinh/lần ở lại lên mức 120.000 đồng/học sinh/lần ở lại. Ngoài ra, nhà trường kiến nghị nâng mức kinh phí chi về điện thắp sáng bình quân 25KW/tháng/học sinh lên 40KW/tháng/học sinh để phù hợp với nhu cầu thực tế.

Hiện tại, mức chi bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn được cấp là 50.000 đồng/học sinh/năm còn thấp, ảnh hưởng đến việc mua sắm, sửa chữa trang thiết bị của các trường. Vì vậy, thầy Hoan đề nghị nâng mức cải tạo sửa chữa nhà ăn lên 120.000 đồng/học sinh/năm.

Các hoạt động ngoại khóa có tác động tích cực đối với sự phát triển lâu dài và toàn diện của học sinh như: năng lực thể chất, sức khỏe tinh thần, các mối quan hệ xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo…. Tuy nhiên, trong Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC–BGDĐT chưa có quy định rõ khoản chi cho cho lĩnh vực này. Nhà trường kiến nghị tăng cường ngân sách cấp riêng để đầu tư cho các nhu cầu về công nghệ, kỹ năng mềm hay hoạt động ngoại khóa để trường nội trú có thể thực hiện như các trường trung học phổ thông khác.

Cùng bàn về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Sơn Hà cũng đưa ra một số kiến nghị sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC–BGDĐT.

Cụ thể, cô Đinh Thị Minh đề xuất cần ưu tiên bố trí đủ chỉ tiêu, định mức biên chế theo quy định, ưu tiên giáo viên có trình độ, năng lực chuyên môn tốt về trường; quy định số nhân viên hợp đồng nấu ăn/học sinh để giảm tình trạng thiếu nhân lực, nhân viên phải kiêm nhiệm công việc không đúng chuyên môn.

Ngoài ra, để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, mức chi cho cơ sở vật chất, thiết bị, xây dựng trường dân tộc nội trú theo hướng hiện đại cần được nâng lên.

Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC–BGDĐT quy định chi hoạt động văn thể: mỗi lớp được cấp một tờ báo địa phương; một tờ báo của thanh thiếu niên hoặc báo "Giáo dục và thời đại" hoặc tập san văn nghệ dành cho các dân tộc phục vụ cho hoạt động giáo dục đặc thù của nhà trường. Chi các hoạt động vui chơi giải trí: các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao, các hoạt động tuyên truyền và cổ động mang tính quần chúng của nhà trường (dự toán chi trong phạm vi 5% quỹ học bổng của học sinh). Trợ cấp này so với nhu cầu hoạt động thể chất, hoạt động ngoại khóa hiện nay của học sinh là rất ít.

Cô Minh cho rằng cần ưu tiên bố trí kinh phí chi hoạt động văn thể và ngoại khóa để học sinh được phát triển đầy đủ, toàn diện cả về thể chất và tri thức, kỹ năng sống.

 Thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) trong buổi lễ ra mắt Câu lạc bộ dân tộc Hre. Ảnh: website nhà trường

Thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) trong buổi lễ ra mắt Câu lạc bộ dân tộc Hre. Ảnh: website nhà trường

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh Bắc Kạn cho rằng học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông được cấp học bổng như nhau (80% mức lương tối thiểu của Nhà nước) là chưa hợp lý. Mỗi độ tuổi có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau nên mức hỗ trợ cần được điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sinh hoạt và học tập của học sinh.

Thầy Hà Nhân Hưởng đề xuất cấp học bổng cho học sinh trung học phổ thông bằng 100% mức lương tối thiểu của Nhà nước nhằm đáp ứng điều kiện học tập và sinh hoạt cho các em, nhất là trong bối cảnh giá cả tăng cao và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.

Hồng Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gia-ca-tang-cao-nhung-muc-ho-tro-hs-noi-tru-giu-nguyen-hieu-truong-co-kien-nghi-post246153.gd
Zalo