Giá cà phê hôm nay 31-3: Một công ty xuất khẩu Robusta tạm dừng cuộc chơi

Giá cà phê hôm nay ở mức cao, xuất khẩu liên tục lập kỷ lục mới nhưng niềm vui không chia đều cho tất cả chuỗi ngành hàng cà phê

Hôm nay (31-3), thị trường cà phê bước vào tuần giao dịch mới với khởi đầu giá cà phê trong nước là 132.300 đồng/kg; 5337 USD/tấn với Robusta và 8.380 USD/tấn với Arabica, ở cùng kỳ hạn giao hàng tháng 5-2025.

Thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp cà phê đáng chú ý là trường hợp Công ty CP cà phê PETEC (mã chứng khoán PCF trên sàn UPCoM) đã chính thức thông qua tờ trình về việc tạm dừng kinh doanh nông sản tại đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 27-3 vừa qua.

Theo biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 cà phê PETEC thì đại hội đồng cổ đông nhất trí ủy quyền toàn quyền cho HĐQT quyết định tại thời điểm thuận lợi mở lại kinh doanh nông sản.

Lý do cho đề xuất này theo văn bản được ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTQ cà phê PETEC, đưa ra là do: Thị trường nông sản đang gặp nhiều biến động phức tạp, giá cả các mặt hàng dao động lớn, làm tăng nguy cơ trong hoạt động kinh doanh.

Website Công ty CP cà phê PETEC - ảnh chụp màn hình

Website Công ty CP cà phê PETEC - ảnh chụp màn hình

Trong năm 2024, hoạt động kinh doanh nông sản không đạt được hiệu quả như kỳ vọng, gây ảnh hưởng đến tổng thể doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Theo cà phê PETEC, năm 2024, xuất nhập khẩu gặp khó khăn do chiến tranh, mùa vụ ảnh hưởng giá cả cà phê, tiêu tăng cao, giá trong nước cao hơn so với giá nước ngoài, cước tàu tăng cao và khó khăn trong việc đặt tàu.

Kết quả, năm 2024, tổng doanh thu nông sản của cà phê PETEC chỉ đạt vỏn vẹn 10 tỉ đồng, đạt 6% so với kế hoạch đề ra đầu năm (180,7 tỉ đồng).

Theo tự giới thiệu của công ty thì cà phê PETEC là một doanh nghiệp được thành lập vào tháng 3-2006, từ quá trình cổ phần hóa một ngành hàng kinh doanh của Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư PETEC.

Có thời điểm giá cà phê trong nước cao hơn giá nước ngoài khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Có thời điểm giá cà phê trong nước cao hơn giá nước ngoài khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Từ năm 2008 đến nay, công ty phát triển trên 2 hướng chính là kinh doanh nông sản và xăng dầu. Riêng mảng cà phê, công ty tự giới thiệu là hội viên của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) trong nhiều năm; kinh doanh xuất khẩu cà phê Robusta, là một trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu cả nước với sản lượng xuất khẩu khoảng 20.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết niên vụ 2023-2024 và 2022-2023 của VICOFA, cà phê PETEC không có trong danh sách 50 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê dẫn đầu của Việt Nam.

Buộc tạm dừng xuất nhập khẩu cà phê

Năm 2024, doanh thu cà phê PETEC doanh thu 26,6 tỉ đồng, bằng 13% so với kế hoạch, lợi nhuận hơn 60 triệu đồng, bằng 30% so với kế hoạch.

Giải trình về việc lợi nhuận 2024 chỉ hơn 60 triệu đồng trong khi 2023 đạt 207 triệu đồng, cà phê PETEC cho biết do kinh doanh nông sản gặp quá nhiều khó khăn.

Cụ thể, do chiến tranh tại các nước mà công ty đang xuất khẩu cà phê, tiêu... cho khách hàng. Mùa vụ ảnh hưởng đến giá cà phê, tiêu tăng quá cao, giá trong nước cao hơn giá nước ngoài, cước tàu tăng cao, nguồn hàng nội địa hiếm. Tuyến vận tải đi qua vùng biển có nguy cơ rủi ro cao và công ty đã buộc tạm ngừng xuất nhập khẩu cà phê, tiêu.

Tin-ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gia-ca-phe-hom-nay-31-3-mot-cong-ty-xuat-khau-robusta-tam-dung-cuoc-choi-196250331072420258.htm
Zalo