Giá cà phê hôm nay 29/9/2024: Giá cà phê ngắt đà tăng, thị trường không theo cung-cầu, giá có thể dao động dữ dội
Giá cà phê đã tăng rất mạnh trong tuần qua và thiết lập mức cao kỷ lục, trước khi giảm nhẹ vào ngày sau đó. Các chuyên gia cho rằng, giá cà phê trên thị trường đang được đưa lên, đẩy xuống do tâm lý nhiều hơn do cung cầu thị trường. Đà tăng giá mạnh được hỗ trợ bởi lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh thời tiết bất lợi tiếp diễn tại Brazil và Việt Nam.
Giá cà phê hôm nay 29/9/2024
Giá cà phê thế giới ghi nhận một tuần tăng giá mạnh, tăng liên tục từ đầu tuần, chỉ tạm dừng vào phiên cuối tuần.
Giá cà phê trong nước tăng khoảng 1.500 - 2.600 đồng/kg trong tuần qua, giá giao dịch cao nhất hiện ghi nhận ở mức 122.100 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta và arabica liên tiếp thiết lập kỷ lục mới do thời tiết bất lợi đe dọa triển vọng nguồn cung tại Brazil và Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá cà phê trên thị trường thời gian này được đưa lên, đẩy xuống là do tâm lý hơn là do cung cầu của thị trường. Một số người trong ngành cho rằng, trong ngắn hạn, thực chất thị trường hiện không thiếu cà phê, mức tiêu thụ đang ở dưới mức sản lượng. Nhưng đường ống dẫn của cà phê đang bị trục trặc trong khâu logistics chứ không nằm ở chênh lệch cung cầu.
Theo Trung tâm giám sát thiên tai Cemaden, Brazil đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng nhất kể từ năm 1981. Tại Brazil, lượng mưa thấp và nhiệt độ cao được dự báo trong suốt tháng 9, gây thiệt hại cho cây cà phê trong giai đoạn ra hoa, làm tăng nguy cơ tác động tiêu cực đến sự phát triển của vụ mùa 2025 - 2026, vì lượng mưa tích lũy và độ ẩm trong đất ở nhiều vùng vẫn thấp hơn mức trung bình.
Còn tại Việt Nam, sau khi trải qua hình thái thời tiết khô hạn vào đầu năm nay, lượng mưa cao hơn dự kiến do hiện tượng La Nina đang diễn ra có thể cản trở việc thu hoạch và chất lượng của vụ mùa 2024-2025. Hạn hán, tiếp theo là nhiều tuần mưa lớn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều vùng trồng ngay trước thềm vụ thu hoạch sắp bắt đầu vào tháng 10.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương (VITIC) cho hay, thời tiết hiện nay vẫn hỗ trợ cây trồng nhưng giao dịch vẫn khá trầm lắng. Một số thương nhân đã bắt đầu tìm kiếm cà phê nhưng theo cách rất thận trọng vì một số vẫn đang đối mặt với vấn đề tài chính kể từ cuối năm ngoái khi giá bắt đầu tăng vọt, trong khi đó những người khác không chắc chắn về tình trạng thời tiết trong những ngày tới.
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch dịch cuối tuần này (27/9), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London quay đầu giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 giảm 45 USD, giao dịch tại 5.482 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 giảm 39 USD giao dịch tại 5.203 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 12/2024 giảm 4,75 Cent, giao dịch tại 269,15 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2025 giảm 4,85 Cent, giao dịch tại 266,90 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần (ngày 28/9) giảm 400 - 500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg
(Nguồn: giacaphe.com)
Ngoài các vấn đề về thị trường cà phê, các động thái về chính sách tiền tệ như giảm lãi suất của Mỹ và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Trung Quốc đã "kích thích thị trường tài chính", góp phần thúc đẩy giá cà phê tăng vào đầu tuần này.
Với các điều kiện như phân tích trên, dự báo giá cà phê có thể dao động dữ dội từ nay cho tới trước thời điểm 30/10 và sau đó mức giá sẽ dần ổn định hơn khi Việt Nam vào vụ thu hoạch mới.
Trong bối cảnh giá cà phê cao hơn, một phần các nhà rang xay tại Mỹ và châu Âu sẽ "lấy thêm hàng trong kho" để phục vụ sản xuất, kéo tồn kho giảm xuống. Điều này cũng có phần tác động lên giá cà phê theo quy luật cung, cầu trên sàn giao dịch.
Cùng tác động về giá, mối lo về các thủ tục liên quan đến quy định mới về phá rừng của EU – EUDR khi quy định này chính thức có hiệu lực từ 30/12/2024 cũng khiến các nhà rang xay tại châu Âu tăng mua vào. Trong khi đó, căng thẳng trong việc mua hàng lại gia tăng khi thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam qua châu Âu bị kéo dài, phải mất 1,5 – 2 tháng.