Giá cà phê hôm nay 16/1/2025: Giá cà phê robusta tăng trở lại, lạm phát Mỹ hạ nhiệt; các dự báo về thị trường năm 2025 thế nào?
Các nhà nghiên cứu của Rabobank cho rằng, cà phê đang được giao dịch ở mức cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất, nên sản lượng sẽ tăng và nhu cầu sẽ giảm trong năm nay. Ngoài ra, việc EU tạm hoãn triển khai Quy định phá rừng (EUDR) được kỳ vọng sẽ mang lại sự ổn định cho các thị trường.
Giá cà phê hôm nay 16/1/2025
Giá cà phê thế giới tăng trở lại trên cả hai sàn London và New York. Giá cà phê robusta tăng trở lại sau nhiều phiên giảm liên tiếp từ đầu tuần. Giá cà phê arbica tăng rất mạnh.
Giá cà phê trong nước trong khoảng 115.000 - 115.500 đồng/kg. Cho tới hiện tại, giá cà phê trong nước vẫn nằm quanh ngưỡng 120.000 đồng/kg, tăng gần 80% so với đầu năm ngoái và cao gấp 2,5-3 lần so với các năm trước.
Thông tin lạm phát của Mỹ hạ nhiệt được công bố ngày 15/1 giúp 2 sàn cà phê tăng trở lại, cho dù đồng USD vẫn neo ở mức cao. Số liệu mới nhất từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết, chỉ số CPI của kinh tế Mỹ tăng 0.4% so với tháng trước, cao hơn dự báo 0.3% của các chuyên gia. Nếu so với cùng kỳ, CPI tăng 2.9%, khớp với kỳ vọng. Thị trường tài chính đã phản ứng tích cực với những con số này.
Ngoài ra, các chuyên gia trong ngành nhận định, giá cước vận tải là một trong những lý do khiến cà phê toàn cầu tăng giá. Cuối năm 2023, xung đột qua Biển Đỏ – tuyến đường huyết mạch cung cấp cà phê từ châu Á sang Bắc Mỹ và châu Âu – leo thang mạnh mẽ, buộc các hãng tàu phải thay đổi lộ trình khiến thời gian vận chuyển dài thêm 10-14 ngày và tăng chi phí lên khoảng 60%.
Dữ liệu từ Chính phủ Brazil cho thấy, nước này đã xuất khẩu 200.000 tấn cà phê trong tháng 12/2024, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2023. Các chuyên gia trong ngành đã cảnh báo rằng xuất khẩu cà phê tại Brazil đang bị gián đoạn do hoạt động logistics gặp nhiều khó khăn tại các cảng xuất khẩu.
Hiện tại, thị trường cà phê vẫn tập trung vào tiến độ thu hoạch ở Việt Nam và quy mô vụ mùa sắp tới tại quốc gia sản xuất hàng đầu Brazil, dự kiến sẽ phụ thuộc vào mức độ thiệt hại do hạn hán gây ra hồi năm trước. Sản lượng tốt và giá cà phê vẫn ở mức cao tại thị trường nội địa giúp nông dân trồng cà phê có thu nhập tốt. Nông dân thu hoạch xong nhưng không vội bán, do đó hàng hóa nhiều nhưng giao dịch trầm lắng. Điều này khiến sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong quý 4/2024 giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2023.
So với thông thường nhiều năm thì năm nay, vụ thu hoạch của Việt Nam muộn hơn khá nhiều. Về sản lượng, các dự báo ban đầu ước tính mức sụt giảm từ 10 - 15%, nhưng đến thời điểm này theo thông tin từ Hiệp hội Cà phê - Cacao (Vicofa) có thể lạc quan sản lượng chỉ sụt giảm nhẹ khoảng 5% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 15/1, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 quay đầu tăng 49 USD, giao dịch tại 4.912 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 5/2025 tăng 60 USD giao dịch tại 4.856 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 tăng 8,50 Cent, giao dịch tại 330,45 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2025 tăng 8,05 Cent, giao dịch tại 326,05 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước ngày 15/1 tiếp tục giảm 700 - 1.000 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg
(Nguồn: giacaphe.com)
Năm 2024 vừa qua là một năm đặc biệt khó khăn đối với ngành cà phê, với các điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến thách thức về nguồn cung ở các nước sản xuất chính như Brazil và Việt Nam, cùng với sự không chắc chắn liên quan đến Quy định Chống Phá rừng của châu Âu và các yếu tố khác đã đẩy giá cà phê kỳ hạn lên mức cao kỷ lục.
Tính chung cả năm 2024, giá bình quân cà phê xuất khẩu ước đạt 4.158 USD/tấn, tăng 59,1% so với năm 2023.
Theo các chuyên gia phân tích, sự gia tăng này đã gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng cà phê nhân xanh. Trong 12 tháng tới, ngành cà phê sẽ đối mặt với nhiều thách thức và chắc chắn người tiêu dùng vẫn sẽ phải trả giá cao cho cà phê, trong khi các hạn chế kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu, khả năng cao sẽ ảnh hưởng đến mức tiêu thụ.
Trong khi đó, theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2025, giá cà phê thế giới có khả năng sẽ điều chỉnh giảm do nguồn cung phục hồi. Sản lượng cà phê toàn cầu dự kiến phục hồi trong niên vụ 2024 - 2025, chủ yếu nhờ sản lượng tăng lên ở Việt Nam và Indonesia. Bên cạnh đó, thị trường vẫn kỳ vọng sản lượng cà phê niên vụ 2025-2026 của Brazil có thể phục hồi khi lượng mưa tại các vùng trồng chính sẽ cải thiện. Nhu cầu nhập khẩu cà phê của các nước châu Âu cũng sẽ tạm lắng khi quy định EUDR được hoãn thời điểm thi hành sang cuối năm 2025.
Xuất khẩu cà phê trên toàn cầu năm 2025 tăng ở mức khiêm tốn khi xuất khẩu tăng lên từ Việt Nam và Indonesia bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu dự kiến của Brazil. Cụ thể, xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự kiến tăng 1,8 triệu bao trong năm 2025, lên 24,4 triệu bao nhờ nguồn cung cải thiện. Trong khi đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng thêm 5,1 triệu bao, đạt mức 168,1 triệu bao.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu của Rabobank cho rằng, cà phê đang được giao dịch ở mức cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất, nên sản lượng sẽ tăng và nhu cầu sẽ giảm trong năm nay. Ngoài ra, việc EU tạm hoãn triển khai Quy định phá rừng (EUDR) được kỳ vọng sẽ mang lại sự ổn định cho các thị trường.
Thị trường cà phê năm 2025 được dự báo vẫn sẽ sôi động với sự đan xen giữa rủi ro và cơ hội. Các yếu tố như thời tiết, biến động tiền tệ, và cung cầu toàn cầu sẽ quyết định hướng đi của giá cà phê trong năm tới. Với nhiều bất ổn tiềm tàng, cà phê có thể tiếp tục là một trong những mặt hàng đáng chú ý nhất trên thị trường hàng hóa toàn cầu.
Theo USDA, dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vào năm 2025 khi nguồn cung tăng và nhu cầu tiêu dùng của các nước trên thế giới gia tăng.