Giá cà phê hôm nay 13/1/2025: Giá cà phê trong nước giảm liên tiếp, robusta còn chịu nhiều áp lực, dự báo thị trường tuần này thế nào?

Tính chung năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng hơn 1,34 triệu tấn cà phê các loại, giảm mạnh 17,1% so với năm 2023. Tuy nhiên, do giá tăng cao nên giá trị kim ngạch thu về đã đạt kỷ lục 5,6 tỷ USD, vượt 32,5% so với kỷ lục cũ của năm 2023 trước đó.

Giá cà phê hôm nay 13/1/2025

Giá cà phê thế giới tuần qua đã không có nhiều thông tin tác động đến thị trường, mặc dù giá giao dịch có biến động nhưng kết quả gần như không thay đổi.

Thị trường cà phê tuần thứ 2 của năm trái ngược hẳn với tuần đầu tiên. Tổng kết tuần này, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3/2025 giảm 2 USD/tấn, giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 3/2025 tăng 5,2 Cent/lb. Tuần tuần đầu năm 2025, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3/2025 tăng 15 USD/tấn, giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 3/2025 giảm 4 Cent/lb.

Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch cuối tuần này (10/1), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 giảm 13 USD, giao dịch tại 4.966 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 5/2025 giảm 12 USD giao dịch tại 4.879 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 tăng 5,35 Cent, giao dịch tại 323,85 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2025 tăng 5,10 Cent, giao dịch tại 319,80 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.

Lượng mưa ở Brazil được đánh giá là dưới mức bình thường đã giúp cà phê arabica lấy lại đà tăng trong tuần. Thời tiết khô hạn ở Brazil đã hỗ trợ giá cà phê arabica, sau khi Cơ quan Khí tượng Somar Meteorologia đầu tuần này báo cáo rằng khu vực trồng cà phê arabica lớn nhất Brazil là Minas Gerais, nhận được 62,5 mm mưa vào tuần trước, tương đương 86% mức trung bình lịch sử. Các nhà giao dịch cho biết thời tiết khô hạn ở Brazil vào năm ngoái được dự báo sẽ làm giảm sản lượng thu hoạch vụ 2025/26 và có thể hỗ trợ giá cà phê trong những tháng tới.

Trong khi lượng tồn kho cà phê arabica đã qua phân loại được chứng nhận nắm giữ trên sàn giao dịch New York được cho là giảm 415 bao vào tuần qua, nằm ở mức 980.543 bao. Giá cà phê robusta cũng chịu áp lực giảm do tồn kho đạt chuẩn bắt đầu tăng dần.

Ngoại trừ bị chi phối bởi tính chất kỹ thuật, giá cà phê hiện tại từ hai thị trường đang bị những áp lực và hỗ trợ khác nhau, trong khi cà phê robusta đang trong giai đoạn thu rộ ở Việt nam nhờ đã có nắng tốt, lượng bán ra cũng đã tăng lên, chúng ta có thể thấy điều đó qua áp lực giá mua vào nội địa, đã giảm khoảng 1.500 đồng/kg so với tuần trước (tương đương mức sụt giảm khoảng 50 USD/tấn), mặc dù giá trên sàn London tuần qua chỉ rớt 2 USD.

Giá cà phê robusta trên thị trường quốc tế còn phải chịu áp lực vào ngày cuối tuần qua, sau khi Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo rằng, xuất khẩu cà phê tháng 12 của Việt Nam tăng 102,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 127.655 tấn. Mặc dù vậy, con số này vẫn thấp hơn 38,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần qua (11/1) giảm 400 - 500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: doanhnhan.biz)

Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần qua (11/1) giảm 400 - 500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: doanhnhan.biz)

Giá cà phê trong nước giảm liên tiếp từ đầu năm, đã mất 1.500 đồng/kg trong tuần qua, hiện khởi động tuần mới trong khoảng giá 118.300 - 119.000 đồng/kg. Ngoài áp lực nguồn hàng vụ mới bắt đầu ra thị trường, thị trường còn chịu nhiều tác động từ các thông tin thị trường, chẳng hạn tin xuất khẩu cà phê tháng 12 của Việt Nam nói trên..

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần qua (11/1) giảm 400 - 500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg

(Nguồn: giacaphe.com)

Việt Nam - nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, đang tăng tốc trong việc thu hoạch, chế biến và giao hàng cà phê trên thị trường nội địa, theo I & M Smith.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái phản ánh hoạt động xuất khẩu sớm trong mùa vụ 2023-2024, cũng như tiến độ thu hoạch bị trì hoãn do thời tiết trong niên vụ 2024-2025. Việc thương mại hóa vụ mùa hiện tại cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, do các nhà sản xuất có nguồn tài chính ổn định đưa cà phê ra thị trường nội địa với tốc độ vừa phải.

Nhận định về thị trường tuần này, các chuyên gia dự đoán khả năng tăng của arabica tốt hơn robusta. Về mặt kỹ thuật, sàn New York được đánh giá có dư địa tăng tốt dựa trên những yếu tố hiện tại. Hiện các sàn đang bị chi phối mạnh bởi các quỹ đầu cơ tài chính, do vậy bất kể yếu tố cung cầu/thời tiết nào thay đổi cũng ảnh hưởng mạnh đến sự lên xuống của cà phê.

Theo ý kiến của các chuyên gia tại Diễn đàn những người làm cà phê Việt Nam, về mặt kỹ thuật, giá arabica hiện nay bị khống chế trong khung phản ứng ở khoảng 328-329 Cent/lb và mức hỗ trợ nằm trong khoảng 315 Cent. Trong khi giá loại robusta được đánh giá là khó tăng, khó giảm so với khung giá hiện thời đang nằm trong khoảng 4.989 USD/tấn, ít nhất là cho đến tuần tới. Về mặt kỹ thuật chưa thấy xu hướng nào rõ ràng đối với robusta, có thể nói thị trường này đang trong giai đoạn đi ngang.

Hiện tại, thị trường vẫn đang theo dõi chặt chẽ nguồn cung hàng vụ mới từ Việt Nam. Thời tiết đã thuận lợi hơn cho các hoạt động thu hoạch. Nguồn cung tăng mạnh trước Tết Nguyên đán. Mặc dù vậy, các thương nhân cũng cho biết, lượng hàng từ vụ mùa 2024-2025 vẫn hạn chế và hoạt động giao dịch sau kỳ nghỉ lễ vẫn chậm chạp.

Lượng cà phê xuất khẩu từ Việt Nam đang cải thiện đáng kể theo từng tháng. Điều này có thể tạm thời ngăn giá cà phê tăng vọt trong quý đầu tiên của năm 2025, trước khi các chính sách thuế và thương mại mới dưới thời Tổng thống Trump có khả năng được áp dụng.

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-1312025-gia-ca-phe-trong-nuoc-giam-lien-tiep-robusta-con-chiu-nhieu-ap-luc-du-bao-thi-truong-tuan-nay-the-nao-300672.html
Zalo