Giá cà phê hôm nay 12/9/2024: Giá cà phê robusta tăng 3 con số, vượt ngưỡng 5.000 USD, còn tiếp tục đi lên?
Việt Nam đã xuất khẩu được 1,05 triệu tấn cà phê trong 8 tháng đầu năm 2024, gồm 885.000 tấn robusta và 45.000 tấn Arabica. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4,04 tỷ USD, giảm 12,5% về khối lượng nhưng tăng 36,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023, theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa).
Giá cà phê hôm nay 12/9/2024
Giá cà phê thế giới trái chiều. Giá cà phê arabica tiếp tục giảm trong khi robusta tăng đến 3 con số và vượt ngưỡng 5.000 USD/tấn.
Giá cà phê trong nước hôm nay 12/9 tiếp tục tăng so với cùng thời điểm hôm qua, giao dịch trong khoảng 120.800 - 121.300 đồng/kg.
Giá cà phê sàn arabica trên sàn New York giảm do tin xuất khẩu cà phê Brazil tăng mới được công bố. Chính phủ Brazil đã báo cáo dữ liệu sơ bộ cho biết xuất khẩu cà phê nhân của nước này trong tháng 8 cao hơn 4,86% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng cộng 3.451.183 bao. Thị trường cà phê thực nội địa Brazil đang có những hướng đi khác nhau đối với arabica và conillon. Trong khi arabica cho thấy dấu hiệu chậm lại đà tăng, conillon vẫn chắc giá vào đầu tháng 9.
Với robusta, nhiều nông dân Brazil đang trì hoãn bán cà phê robusta do kỳ vọng giá còn tăng thêm, theo thông tin từ Công ty Môi giới Hedgepoint Global Market. Ngoài ra, sự ổn định của đồng Real so với đồng USD cũng đã góp phần kiềm hãm đà bán của nông dân nước này, càng khiến giá cà phê tiếp tục giữ ở mức cao.
Năm nay, Brazil đã bán một lượng robusta kỷ lục, do nguồn cung thiếu hụt từ Việt Nam. Trong khi tính hết tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 4,04 tỷ USD, giảm 12,5% về khối lượng. Trước đó, thị trường cũng đồn đoán, nông dân Indonesia - quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn thứ ba thế giới cũng giảm lượng cung ứng ra thị trường để chờ giá lên cao hơn.
Trong khi đó, trước mặt, quy định về chống phá rừng của EU sẽ được thực thi từ cuối năm 2024 có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cà phê vào thị trường này, nên không ít nhà nhập khẩu đã tăng cường dự trữ trong thời gian qua.
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 11/9, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 tăng 111 USD, giao dịch tại 5.008 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 tăng 88 USD giao dịch tại 4.769 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp .
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York quay đầu giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 12/2024 giảm 0,55 Cent, giao dịch tại 246,65 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2025 giảm 0,35 Cent, giao dịch tại 244,45 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước ngày 11/9 điều chỉnh nhẹ 100 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VND/kg
(Nguồn: giacaphe.com)
Giá cà phê thế giới tiếp tục tăng và lập đỉnh mới trong tháng 8. Bên cạnh đó, thương mại cà phê toàn cầu cũng diễn ra tương đối sôi động. Nhiều yếu tố kết hợp với tình trạng nguồn cung toàn cầu thắt chặt tiếp tục tạo áp lực tăng giá trên thị trường cà phê thế giới.
Giá cà phê thế giới được tổng hợp và theo dõi bởi Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) cho thấy giá arabica đã lập đỉnh mới trong tháng 8, với bình quân 238,9 Cent/lb, tăng 1% so với tháng trước và tăng tới 54,6% so với cùng kỳ năm ngoái. ICO cho biết, giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng trong suốt tháng 8 và đạt đỉnh vào ngày 28/8.
Trong đó, giá arabica Brazil đã tăng 1% lên mức bình quân 242,2 Cent/lb. Tương tự, giá arabica Colombia và arabica khác tăng 2,3% và 1,7%, đạt lần lượt 263,8 US Cent/lb và 261,4 US Cent/lb.
Riêng giá cà phê robusta toàn cầu ổn định ở mức 214,7 Cent/lb trong tháng vừa qua.
Theo ICO, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn, với nguồn tiền giá rẻ hạn chế do lãi suất trên toàn thế giới vẫn duy trì ở mức cao. Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của nguồn cung container và khả năng sử dụng đầy đủ các tuyến đường vận chuyển. Lưu lượng giao thông vẫn bị chuyển hướng khỏi Kênh đào Suez và phải đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng.
Các yếu tố trên kết hợp với tình trạng nguồn cung toàn cầu cầu thắt chặt, cán cân cung cầu tích lũy trong 6 năm gần nhất vẫn ở mức -13,1 triệu bao, đã tạo áp lực tăng giá trên thị trường cà phê thế giới.
Môi trường kinh tế hiện tại hạn chế khả năng nắm giữ lượng hàng tồn kho lớn với mức chi phí rẻ, bởi việc trả nợ cho các tổ chức tài chính không mang lại một mô hình kinh doanh cạnh tranh. Tuy nhiên, tác động của việc mua hàng theo phương thức "vừa kịp thời" (just-in-time) cũng không mang lại hiệu quả về chi phí. Điều này tạo áp lực tăng ngắn hạn lên giá cà phê khi nhu cầu vẫn cao trong khi nguồn cung có nguy cơ tiếp tục bị thu hẹp.