Giá cà phê hôm nay 12/7: Trong nước giảm nhẹ, Robusta thế giới lập đỉnh cao mới

Giá cà phê hôm nay tại thị trường trong nước chịu áp lực giảm sau 5 ngày tăng liên tiếp. Trong khi đó, giá cà phê Robusta trên thế giới đã lập mức đỉnh cao mới, vượt 4.500 USD/tấn.

Giá cà phê hôm nay ngày 12/7/2024 tại thị trường trong nước

Tham khảo giá cà phê hôm nay ngày 12/7/2024 tại khu vực Tây Nguyên.

Tham khảo giá cà phê hôm nay ngày 12/7/2024 tại khu vực Tây Nguyên.

Sau 5 ngày tăng giá liên tiếp, giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên đã quay đầu giảm 1.500 đồng/kg. Qua đó, đưa mức giá cà phê trung bình về quanh mốc 126.000 đồng/kg. Cụ thể:

Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk giảm 1.500 đồng/kg, đạt 126.200 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng giảm 1.500 đồng/kg, đạt 125.600 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Gia Lai giảm 1.500 đồng/kg, đạt 126.200 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông giảm 1.500 đồng/kg, đạt 126.100 đồng/kg.

Lưu ý: Các giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê gần nhất để được tư vấn cụ thể.

Giá cà phê trong nước đang biến động có phần “lệch pha” so với giá cà phê thế giới. Rạng sáng nay, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe đã vượt mốc 4.500 USD/tấn, tăng khoảng 60% so với hồi đầu năm nay. Trước đó, giá loại cà phê này trong ngày 9/7 đã có lúc đạt tới 4.667 USD/tấn - mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Giá cà phê Robusta thế giới bật tăng sau khi Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố dữ liệu cho thấy xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6/2024 chỉ đạt 70.202 tấn, giảm 11,5% so với tháng 5/2024. Lũy kế nửa đầu năm nay, lượng cà phê xuất khẩu của cả nước chỉ đạt 893.820 tấn, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường cà phê Robusta bước vào chu kỳ tăng giá mạnh mẽ trong 18 tháng qua khi nguồn cung từ các nhà sản xuất lớn, đặc biệt là từ Việt Nam, suy giảm do tác động của hiện tượng El Nino, sâu bệnh, và diện tích canh tác giảm.

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2021/2022 đã đạt đỉnh 31,58 triệu bao (60 kg/bao). Sau đó, suy giảm liên tục trong các niên vụ gần đây, chỉ còn 29 triệu bao (bao gồm cả cà phê Arabica) trong niên vụ 2023/2024.

USDA dự báo, sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ 2024/2025 đạt 27,9 triệu bao, giảm so với mức 28 triệu bao của niên vụ trước đó.

Robusta thường được sử dụng để chế biến cà phê phê hòa tan. Tuy nhiên, loại cà phê này đang ngày càng được các nhà rang xay sử dụng nhiều hơn để pha trộn với cà phê Arabica nhằm giảm giá thành.

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, nhu cầu thu mua cà phê Robusta trên thế giới, đặc biệt là tại Liên minh châu Âu đang tăng vọt. Nhiều hãng rang xay tại châu Âu đang tăng tốc nhập hàng nhằm tránh bị ảnh hưởng bởi Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực kể từ đầu tháng 1/2025.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải chứng minh nguồn gốc “sạch” (không gây mất rừng) của 7 mặt hàng, gồm: gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su và gỗ, cùng các sản phẩm được làm từ 7 nguyên liệu chính nêu trên như: thịt bò, đồ nội thất, giày da, chocolate

Các quy định này sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối hàng hóa vào thị trường EU, cũng như các đơn vị xuất khẩu và phân phối hàng hóa từ EU đi các thị trường khác.

EU yêu cầu các doanh nghiệp sẽ cần xác định chính xác lô đất nơi 7 sản phẩm nói trên được sản xuất và chứng minh rằng không có khu rừng nào bị chặt phá trên lô đất đó kể từ năm 2020. Các doanh nghiệp sẽ cần cung cấp bằng chứng để thẩm định, có thể sẽ bao gồm hình ảnh vệ tinh.

Các doanh nghiệp không tuân thủ quy định mới sẽ bị EU phạt tới 4% doanh thu hàng năm của họ ở thị trường EU. Quy định mới yêu cầu các cơ quan chức năng ở các nước thành viên của EU kiểm tra 9% lô hàng đến từ các các nước được coi là có rủi ro phá rừng cao, 3% lô hàng đối với các nước được dán nhãn rủi ro tiêu chuẩn và 1% lô hàng từ các nước có rủi ro thấp.

Do đó, các nhà rang xay cà phê đang cố gắng tích trữ tối đa nguồn hàng nhằm tránh yêu cầu chứng minh chuỗi cung ứng không liên quan đến đất rừng bị phá sau năm 2020.

Giá cà phê hôm nay ngày 12/7/2024 tại thị trường thế giới

Theo dữ liệu mới nhất, giá cà phê thế giới đã có sự biến động trái chiều. Cụ thể:

Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2024 tăng 1,12%, đạt 4.527 USD/tấn.

Ngược lại, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tiếp tục giảm nhẹ 0,29%, còn 242,85 US cent/lb.

Mặc dù chịu áp lực chốt lời khi giá lên đỉnh lịch sử, giá cà phê thế giới hiện vẫn đang neo ở mức cao hơn thông thường do thị trường tiếp tục lo ngại khô hạn tại Việt Nam và Brazil sẽ khiến sản lượng niên vụ tới thấp hơn kỳ vọng.

Volcafe - một trong những hãng giao dịch cà phê uy tín trên thế giới đã dự báo thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt 4,6 triệu bao cà phê Robusta (60 kg/bao) trong niên vụ 2024/2025. Mặc dù mức thiếu hụt này thấp hơn mức thâm hụt 9 triệu bao của niên vụ 2023/2024 nhưng đây là năm thứ 4 liên tiếp thị trường ghi nhận tình trạng này.

Tường Vy

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/gia-ca-phe-hom-nay-12-7--trong-nuoc-giam-nhe--robusta-the-gioi-lap-dinh-cao-moi-123513.htm
Zalo