Giá bưởi ở Hà Nội xuống thấp, tiêu thụ khó khăn:Chủ động tái cơ cấu để nâng cao giá trị

Những ngày cuối năm, nhiều vùng trồng bưởi ở Hà Nội bước vào thu hoạch chính vụ. Năm 2024, do ảnh hưởng của bão số 3, bưởi rụng khá nhiều, sản lượng giảm, nhưng giá bưởi vẫn rất thấp, tiêu thụ khó khăn.

Giải bài toán đầu ra cho sản phẩm, những năm gần đây, nhiều hộ trồng bưởi ở Hà Nội đã chuyển đổi mô hình trồng xen canh nhiều loại cây trồng hoặc kết hợp chăn nuôi gia cầm để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, về lâu dài, cây bưởi rất cần được tái cơ cấu để nâng cao giá trị.

Một hộ dân xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) cải tạo vườn bưởi sạch đẹp để đón khách tham quan, chụp ảnh.

Một hộ dân xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) cải tạo vườn bưởi sạch đẹp để đón khách tham quan, chụp ảnh.

Sản lượng giảm, giá vẫn không tăng

Khoảng 20 năm trở lại đây, cây bưởi nổi lên là cây trồng đặc sản, chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân các huyện, như: Phúc Thọ, Đan Phượng, Chương Mỹ, Sóc Sơn… Ở xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ), diện tích bưởi liên tục được mở rộng, đến nay có 50ha, khoảng 200 hộ trồng; trong đó có 20ha sản xuất bưởi theo quy trình VietGAP.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trần Phú Đinh Tố Hữu cho biết, vụ bưởi năm 2024, do ảnh hưởng của bão số 3, bưởi rụng nhiều, nhưng sản lượng của hợp tác xã vẫn đạt gần 100 tấn.

“Các hộ dân trong xã chủ yếu trồng bưởi Diễn, thu hoạch vào cuối năm. Khoảng 3 năm nay, giá bưởi rất thấp. Đối với vùng trồng VietGAP, bán được khoảng 15 nghìn đồng/quả; vùng trồng thông thường chỉ bán được 5-10 nghìn đồng/quả”, ông Đinh Tố Hữu thông tin.

Tương tự, tại xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) cũng có khoảng 10ha trồng bưởi tập trung. Ông Lưu Tiến Ly, ở xã Đại Hưng cho hay, vùng bưởi này đã hình thành cách đây 15 năm; đến lúc già cây, quả ngọt thì giá lại thấp.

“Gia đình tôi có khoảng 50 gốc bưởi Diễn lâu năm. Hiện vụ bưởi đã tới kỳ thu hoạch, nhưng rất khó bán, vì nhà nào cũng có. Thương lái đến vườn thu mua cũng chỉ trả 5-7 nghìn đồng mỗi quả”, ông Ly chia sẻ.

Giá bưởi thấp cũng là thực tế ở nhiều vùng trồng bưởi ngoại thành Hà Nội. Khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới ở vùng trồng bưởi các huyện Đan Phượng, Sóc Sơn, bưởi Diễn canh tác theo quy trình an toàn, quả có mã đẹp, thơm, ngọt có giá 15-25 nghìn đồng/quả. Trong khi cách đây ít năm vẫn vườn bưởi đó bán được 40-50 nghìn đồng/quả. Đối với những vùng trồng thông thường, chỉ có giá từ 5 nghìn đến hơn 10 nghìn đồng mỗi quả, tùy theo chất lượng.

Nguyên nhân giá bưởi xuống thấp là do cung vượt cầu. Riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn thành phố có khoảng 7.500ha bưởi, tổng sản lượng thu hoạch đạt hơn 100.000 tấn/năm; trong đó có gần 81% diện tích là bưởi Diễn. Các huyện có diện tích trồng bưởi lớn, là: Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn…

Đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trần Phú (huyện Chương Mỹ) Đinh Tố Hữu, trước tình hình giá bưởi giảm, hơn 10 hộ trồng bưởi trên địa bàn xã Trần Phú đã ghép chanh tứ quý, chanh đào vào bưởi để bán lá chanh cho các nhà máy sản xuất bánh, kẹo. Vào dịp Tết Trung thu, lá chanh bán tại vườn có giá 50-60 nghìn đồng/kg; thời điểm khác trong năm bán giá 20-30 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, dưới tán bưởi, các hộ còn trồng rau ngót, rau má, chè xanh, mùi tầu…

Ông Bùi Bá Cự (xã Trần Phú) cho hay, gia đình ông có khoảng 2.700m2 trồng bưởi kết hợp trồng chè và rau má. “Hiện gia đình tôi có hơn 100 gốc bưởi Diễn và bưởi đỏ Tân Lạc, cây hơn 10 năm tuổi. Vụ bưởi năm 2024, tôi thu được khoảng 4.000 quả, bán tại vườn với giá 5.000 đồng/quả. Ngoài ra, mỗi ngày, gia đình tôi cắt lá chè bán được 300 nghìn đồng. Tầng dưới cùng trồng rau má, 2 tháng thu 1 lần được khoảng 4 triệu đồng, nên thu từ chè và rau má nhiều hơn thu từ bưởi”, ông Bùi Bá Cự nói.

Còn theo ông Lưu Tiến Ly (xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức), do giá bưởi thấp, nên nhiều hộ đã tập trung vào phát triển chăn nuôi. “Chăn nuôi dưới tán cây bưởi, gà nhặt sạch cỏ vườn. Trong khi đó, tán bưởi giúp gà che nắng, che mưa, che gió. Sự kết hợp này giúp gia đình tôi tăng thu nhập”, ông Lưu Tiến Ly chia sẻ.

Từ thực tiễn trồng bưởi của gia đình, ông Bùi Văn Lập (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) thông tin, trước đây, gia đình ông chỉ trồng bưởi Diễn, nhưng tiêu thụ dồn về cuối năm, rất khó bán. Tháo gỡ khó khăn này, gia đình ông không chặt cây mà tận dụng gốc bưởi lâu năm, ghép mắt các giống bưởi chín sớm để có thể thu rải vụ, tránh áp lực vào cuối năm và giá bán cũng tốt hơn. Hay tại xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ), một hộ dân trồng bưởi đã cải tạo vườn sạch - đẹp để thu hút khách tới tham quan, chụp ảnh mùa bưởi chín...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 10 giống bưởi các loại, như: Bưởi đường La Tinh, bưởi Quế Dương, bưởi đường Hiệp Thuận, bưởi Vân Hà, bưởi thồ Phú Xuyên, bưởi chua đầu tôm Sài Sơn… Để tháo gỡ khó khăn cho đầu ra của sản phẩm, các hộ dân nên trồng đa dạng nhiều giống cây để rải vụ; đồng thời, cần đẩy mạnh sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ, VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng chuỗi liên kết bền chặt trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Minh Phú

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/gia-buoi-o-ha-noi-xuong-thap-tieu-thu-kho-khan-chu-dong-tai-co-cau-de-nang-cao-gia-tri-690267.html
Zalo