Giã biệt năm cũ, đón chào năm mới 2025

Những ngày cuối cùng năm 2024 đầy sự kiện và biến động khắp hành tinh. Ngày mai bước sang năm mới 2025, hy vọng nhiều điều tốt lành.

Nhịp thời gian trôi, dường như ngày cuối cùng của năm có cảm giác qua nhanh hơn. Ngồi ngẫm nghĩ nên nói điều gì. Nhiều quá, khó quá! Tôi chỉ xin nêu mấy vấn đề:

1. Trước hết là chuyện tên tỉnh trùng với tên thành phố trung tâm tỉnh (tỉnh lỵ) - nơi trung tâm văn hóa, kinh tế, khoa học công nghệ của địa phương.

Ngày mai tỉnh Ninh Bình quê tôi có thành phố mang tên mới: thành phố Hoa Lư. Đây là điều đáp ứng với mong đợi của người dân quê tôi và có lẽ dân chúng cả nước.

Nếu tên thành phố trùng tên với tỉnh, sự này có cái hay nhưng cũng phát sinh cái dở, thậm chí rất bất tiện.

Trong cả nước, hàng loạt các tỉnh có tên tỉnh trùng với tên thành phố của tỉnh, hoặc tên thành phố trùng với tên tỉnh. Chẳng hạn: Tỉnh Cao Bằng - thành phố Cao Bằng; các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Sơn La, Lao Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum, Vĩnh Long, Bạc Liêu… đều vậy. Thiết nghĩ không nên để trùng mãi như thế.

Thay đổi tên trùng tất nhiên sẽ tốn kém. Nhưng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, từ trung ương tới địa phương và các đơn vị đang khẩn trương tiến hành cuộc cách mạng cải cách thể chế, sắp xếp lại bộ máy cho tinh gọn, hiệu quả để đáp ứng công cuộc bước vào kỷ nguyên mới, vì vậy việc chọn các địa danh nổi tiếng, những tên gọi gắn liền với lịch sử văn hóa, danh nhân... để đặt lại tên cho các thành phố trung tâm của tỉnh là việc nên làm, cần làm.

Ngày mai, 1.1.2025, hàng loạt xã, phường, thậm chí quận, huyện được sáp nhập mang tên mới, vừa tạo ra niềm vui, vừa cả nỗi buồn cho không ít người yêu văn hóa, phong tục, lịch sử truyền thống. Ngày mà tỉnh Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố Huế trực thuộc trung ương, được chung nhóm hàng đầu cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ. Huế vừa là thành phố di sản, vừa là thành phố hạng 1, đó là niềm vinh dự.

Ở tầm thấp hơn, huyện Thủy Nguyên của thành phố Hải Phòng trở thành thành phố Thủy Nguyên, trực thuộc thành phố Hải Phòng (cũng như thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM vậy), thể hiện tầm quan trọng của một đơn vị hành chính mới về nhiều mặt. Vinh dự và trách nhiệm nặng nề. Đặc biệt, Thủy Nguyên còn là trung tâm của Hải Phòng bởi năm 2025 các cơ quan đảng, nhà nước của Hải Phòng chuyển sang khu đô thị Bắc Sông Cấm, thuộc thành phố Thủy Nguyên.

2. Vấn đề tiếp theo là tình trạng ùn ứ tắc xe cộ ở hai thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và TP.HCM. Tôi không phân tích sâu các nguyên nhân hậu quả của nó, để dịp khác. Tôi đã từng đề xuất với Bí thư, Chủ tịch Hà Nội là Hoàng Trung Hải và Nguyễn Đức Chung hồi năm 2014: cấm xe máy ở khu vực nội thành, bắt đầu từ các khu phố cổ, lấy hồ Hoàn Kiếm làm tâm, cấm rộng ra theo nguyên lý "vết dầu loang". Lộ trình 10 năm. Đồng thời với việc cấm xe máy, hạn chế xe ô tô cá nhân thì ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi ưu tiên đặc thù, đặc biệt về thuế, vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông cả tĩnh và động; khuyến khích phát triển xe buýt, taxi, metro… và cả xe thô sơ du lịch.

Tất nhiên là sẽ nhiều ý kiến phản đối nhưng nếu thấy khả thi thì quyết làm đến cùng. Kinh nghiệm khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, phố cổ Hội An, phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TP.HCM… là những bài học quý giá.

Nếu làm được thì hiệu quả thật tuyệt vời và to lớn. Phố phường sẽ đẹp sạch thông thoáng, ít ô nhiễm không khí, tiếng ồn và tai nạn. Hè phố sẽ thoáng hơn cho việc thực hiện kinh tế hè phố; tạo thói quen và văn hóa đi bộ trên hè phố vừa rèn luyện sức khỏe cho cư dân đô thị, vừa làm hài lòng khách du lịch.

3. Vấn đề rác và ô nhiễm môi trường đã và đang báo động. Theo thống kê của ngành chức năng, ở đô thị bình quân 1 người mỗi ngày thải ra 1 - 1,2kg rác, còn nông thôn 0,8kg. Lượng rác thải sinh hoạt ở Việt Nam rất lớn. Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đã rất tích cực gom nhặt và đầu tư xử lý rác. Nhưng vẫn không ổn. Quá nhiều nguyên nhân.

Là người có gần 20 năm cùng các cộng sự nghiên cứu xử lý vấn đề nóng bỏng trầm kha này, tôi vẫn thắc mắc một điều: Có nên phân loại rác tại nhà thành 3 loại chia ra 3 túi khác nhau như đang có chủ trương? Điều này hay về lý thuyết nhưng thực tế thì không ổn, không khả thi. Tại sao? Tại vì phân loại ra 3 túi tại nhà nhưng người thu gom bằng xe chở rác lại gom chung vào một chỗ, tới nhà máy xử lý rác hoặc bãi chôn lấp "hợp vệ sinh" lại đổ lẫn và cùng xử lý theo một công nghệ đốt hay chôn. Rõ ràng cách chia như thế là vô nghĩa, không có tác dụng, và phản cảm.

Phải thay đổi tư duy và hành động về xử lý rác. Rác cũng là một loại tài nguyên, nên tạo cơ chế quy trình xử lý thật khoa học, hợp lý, có hiệu quả tích cực, chứ không nên duy lý làm theo phong trào.

Trước thềm năm mới, tôi có vài suy nghĩ, mấy lời tâm huyết, hơi nghịch nhĩ, mong được lượng thứ.

Chúc mọi người năm mới 2025 an lành hạnh phúc!

TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ

Nguyễn Văn Lạng

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/gia-biet-nam-cu-don-chao-nam-moi-2025-227752.html
Zalo