Ghi nhận những đóng góp tích cực của công tác tư pháp
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025, nhiều đại biểu đánh giá công tác tư pháp ngày càng thể hiện được vai trò, vị thế, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Bộ, ngành, địa phương đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất cụ thể để đưa công tác tư pháp tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp giữa Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp trong thực hiện kịp thời các công tác liên quan đến xây dựng pháp luật. Một trong dấu ấn của sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan là việc tham mưu giúp Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời triển khai có hiệu quả tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới mạnh mẽ tư duy lập pháp; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các dự án được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua.
Đồng chí nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Vì vậy, đồng chí mong muốn Bộ Tư pháp, các cơ quan Chính phủ tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, các cơ quan Quốc hội để bảo đảm chất lượng của các dự án Luật, Nghị quyết. Cùng với đó tiếp tục tham mưu giúp Quốc hội, Chính phủ tổ chức hội nghị triển khai Luật, Nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Đồng chí cũng khẳng định, Ủy ban Pháp luật nói riêng và các cơ quan Quốc hội nói chung sẽ đồng hành cùng Bộ Tư pháp trong việc giám sát, triển khai thực hiện Nghị quyết; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, để pháp luật đi vào cuộc sống.
Thông tin về một số kết quả nổi bật mà tỉnh đạt được trong năm vừa qua, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đánh giá cao sự đóng góp của ngành Tư pháp trong việc tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các VBQPPL tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch.
Trong công tác THADS, với sự gia tăng về số lượng và tính chất phức tạp của các vụ việc nhưng tỉnh đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Để đạt được kết quả đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác THADS với nhiều cách làm mới: kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các vụ việc lớn, khó khăn, vướng mắc; huy động hệ thống chính trị phát huy trách nhiệm trong công tác THADS; làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ko để xảy ra điểm nóng, tăng cường phối hợp trong cưỡng chế vụ việc phức tạp; chỉ đạo Cục THADS tỉnh tăng cường quản lý điều hành, siết chặt kỷ luật kỷ cương, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng Chấp hành viên, duy trì tổ công tác chuyên môn; tăng cường kiểm tra toàn diện, chuyên đề kịp thời phát hiện thiếu sót…
Thời gian tới, Lãnh đạo tỉnh đề xuất Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa đổi Luật THADS theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thi hành án, số hóa hồ sơ, quy định rõ trách nhiệm các cơ quan; nghiên cứu giải pháp đẩy nhanh thủ tục đấu giá tài sản thi hành án; đề nghị Bộ Tư pháp làm việc Bộ Công an cập nhật kịp thời một số trường dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Là một trong những địa phương “điểm sáng” trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thanh Bình chia sẻ thời gian qua tỉnh đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong thực hiện chuyển đổi số; chỉ đạo quyết liệt cơ quan Tư pháp tỉnh hoàn thiện các bộ dữ liệu. Lãnh đạo tỉnh mong muốn Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trong công tác kết nối, liên thông đồng bộ dữ liệu với địa phương để thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành và thuận lợi cho người dân trong thực hiện các thủ tục.
Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho rằng, cần tập trung hoàn thiện, trình Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi). Trong đó quy định rõ, cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng chính sách và soạn thảo VBQPPL vừa chặt chẽ vừa linh hoạt để phản ứng kịp thời trước sự thay đổi của kinh tế - xã hội; có sự phân biệt giữa lập pháp và lập quy; xây dựng chính sách rõ ràng, khả thi, đúng thẩm quyền, bám sát thực tiễn và được đánh giá tác động đầy đủ, cụ thể, thực chất.
Bên cạnh đó, Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) cũng sẽ quy định rõ về giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật ở cả góc độ nội dung, thẩm quyền, hình thức nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích dám nghĩ, dám làm trong thực tiễn; đồng thời hạn chế việc sửa đổi, bổ sung pháp luật ko cần thiết, đảm bảo sức sống và tính ổn định của pháp luật theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Về đội ngũ làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật, đồng chí mong muốn đội ngũ này tiếp tục tham mưu, đề xuất sửa đổi các VBQPPL để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng chí cũng đề xuất các đơn vị tham mưu xây dựng luật hoặc nghị quyết của Quốc hội để quy định nguyên tắc sửa đổi, trình tự sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy và có cơ chế để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.
Ngoài ra, Hội nghị cũng được nghe nhiều kiến nghị, đề xuất từ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các địa phương. Nhân dịp này, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà đã phát động phong trào thi đua năm 2025.