Ghi nhận ca nghi bạch hầu, ngành y tế khẩn trương triển khai các biện pháp phòng dịch

Ngày 13/7, Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng ghi nhận 1 bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, địa chỉ thường trú ở xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị y tế địa phương tiến hành điều tra, xác minh.

Đó là trường hợp bệnh nhân M.T.V ở xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Bệnh nhân có biểu hiện ho, đi ngoài kéo dài từ Tết âm lịch năm 2024, đến nay, đã đi bệnh viện khám và điều trị nhiều lần không đỡ. Ngày 10/7, bệnh nhân có biểu hiện ho nhiều, ho có đờm, đau họng kèm theo đi ngoài, mệt mỏi, không ăn uống được, người gầy yếu. Đến ngày 12/7, bệnh nhân gia tăng các triệu chứng, kèm theo sốt cao 39 độ C và khoang miệng xuất hiện nhiều mảng giả mạc nên được gia đình đưa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng khám, điều trị, được bác sỹ chẩn đoán: viêm phổi, sốt, đau bụng, nghi mắc bạch hầu.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thông tin điều tra dịch tễ, trong vòng 14 ngày qua, bệnh nhân không đi đâu xa khỏi địa phương, không tiếp xúc với người nghi nhiễm hay nhiễm bệnh bạch hầu. Bệnh nhân tiếp xúc với nhiều người cùng thôn, không có trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Hiện tại bệnh nhân còn ho, đau họng, sốt; họng và khoang miệng còn nhiều giả mạc trắng khắp khoang miệng, da xanh, người mệt mỏi nhiều.

Kết quả điều tra của ngành y tế có 23 người tiếp xúc gần với ca nghi bệnh, trong đó có 12 nhân viên y tế và 11 người trong gia đình. Hiện tại, sức khỏe của những người tiếp xúc gần với ca bệnh bình thường, chưa phát hiện triệu chứng nghi bệnh.

Ông Mai Đại Thành, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin: Nhận định sơ bộ, ca bệnh có dấu hiệu nghi bệnh bạch hầu, bệnh nhân chưa tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh, không có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với ca bệnh, không di chuyển khỏi địa phương, có xét nghiệm dương tính với nấm men và nấm sợi, có tiền sử chung sống với người nhiễm HIV/AIDS nên nghĩ đến khả năng mắc nhiễm trùng cơ hội khác. Khả năng nhiễm bệnh bạch hầu thấp, tuy nhiên, trước diễn biến tình hình dịch bệnh bạch hầu trên cả nước, chúng tôi đã triển khai khai sớm các biện pháp dự phòng và kiểm soát.

Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên đang tiếp tục giám sát dịch tễ liên quan đến ca bệnh tại nơi thường trú của bệnh nhân để phát hiện các trường hợp liên quan để có phương án phòng, chống bệnh bạch hầu.

 Trạm Y tế xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên trong một hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng.

Trạm Y tế xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên trong một hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Như Hiếu, chuyên viên Văn phòng HĐND và UBND huyện Bảo Thắng cho biết: Ngày 10/7, UBND huyện Bảo Thắng đã sớm ban hành Văn bản số 1942/UBND-VX về việc chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu. Bởi vậy, các đơn vị trên địa bàn huyện đã chủ động, phối hợp tốt trong công tác phòng, chống dịch. Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng thực hiện tốt công tác giám sát, chẩn đoán, phát hiện sớm, kịp thời các trường hợp nghi ngờ, điều tra xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm; Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng bố trí khu vực riêng điều trị ca nghi bạch hầu, thực hiện công tác phòng, chống nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo sang cán bộ y tế và người bệnh khác. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng đã bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang - thiết bị để sẵn sàng tổ chức thu dung cách ly, điều trị kịp thời ca nghi nhiễm bạch hầu, đặc biệt, dự phòng cơ số huyết thanh kháng bạch hầu (SAD) để điều trị cho người bệnh.

 Các đơn vị y tế tuyên truyền lồng ghép phòng, chống bệnh bạch hầu tại các buổi khám bệnh tại cộng đồng.

Các đơn vị y tế tuyên truyền lồng ghép phòng, chống bệnh bạch hầu tại các buổi khám bệnh tại cộng đồng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tiếp tục liên hệ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về kết quả xét nghiệm của bệnh nhân và thông tin ngay cho các đơn vị liên quan khi có kết quả để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng dịch trong trường hợp cần thiết.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân không nên hoang mang, cần chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống dịch như: Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể. Hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến địa điểm công cộng, hạn chế tiếp xúc gần các đối tượng nghi ngờ khi có biểu hiện của bệnh và người về từ vùng nguy cơ dịch bệnh. Khi có các triệu chứng sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau, tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng cần đến khám tại cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ghi-nhan-ca-nghi-bach-hau-nganh-y-te-khan-truong-trien-khai-cac-bien-phap-phong-dich-post386997.html
Zalo