Ghi danh di sản để nhận diện và bảo tồn
Bộ VH-TT-DL vừa có quyết định đưa các món ăn: phở Hà Nội, phở Nam Định, mì Quảng, nghệ thuật ướp trà sen Quảng Bá (Hà Nội) vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian.
Đây không phải là lần đầu tiên các món ăn được ghi danh là di sản phi vật thể, tuy nhiên, không giống như những quyết định trước, một số món ăn được đưa vào danh sách lần này đã tạo ra nhiều dư luận trái chiều.
Phần thì vui mừng bởi các tri thức dân gian đã được nhận diện để bảo vệ và phát huy giá trị di sản song cũng không ít ý kiến mơ hồ không hiểu tại sao những món ăn đã quá phổ biến như vậy lại cần đưa vào định danh là di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều người còn nghi ngại về việc liệu có xảy ra tình trạng lạm phát di sản không khi Việt Nam có một nền ẩm thực vô cùng phong phú với muôn vàn các món ăn nổi tiếng, trở thành đặc sản của các địa phương, như: bún bò Huế, cháo lươn Vinh, cháo bột Quảng Trị, hủ tiếu Sài Gòn…
Lo ngại đặt ra tưởng chừng có lý, song trong các văn bản quy phạm pháp luật ghi rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác…”. Nguyên tắc trong bảo tồn và phát huy giá trị của di sản cũng nêu rõ việc không lợi dụng di sản để thực hiện các hành vi, hoạt động phân biệt đối xử, kỳ thị văn hóa, dân tộc, vùng miền; không tạo sự ganh đua, tranh chấp, mâu thuẫn và xung đột văn hóa giữa các cộng đồng, nhóm và cá nhân… Điều này có thể hiểu rằng công tác ghi danh là một cách hữu hiệu để nhận diện và bảo tồn, giúp duy trì và phát huy những giá trị văn hóa quan trọng, không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai.
Theo nhiều chuyên gia văn hóa, việc các món ăn truyền thống vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể tạo ra cảm giác tự hào và sự đoàn kết trong cộng đồng. Đây cũng là động lực giúp củng cố bản sắc văn hóa, thúc đẩy tinh thần gìn giữ truyền thống và khuyến khích việc nghiên cứu sâu hơn về lịch sử, kỹ thuật chế biến và ý nghĩa văn hóa của món ăn. Qua đó tạo điều kiện phát triển các chương trình giáo dục và đào tạo về kiến thức và kỹ năng làm ẩm thực truyền thống. Không chỉ Việt Nam mà UNESCO cũng đã vinh danh, di sản văn hóa phi vật thể với bữa ăn kiểu Pháp, văn hóa bia Bỉ, nghệ thuật làm bánh pizza Napoli, kim chi Hàn Quốc...
Khi một món ăn được vinh danh, nó thu hút sự chú ý từ cả trong nước và quốc tế, góp phần khẳng định giá trị thương hiệu quốc gia. Văn hóa ẩm thực khi thành thương hiệu quốc gia sẽ trở thành kênh quảng bá truyền thông hiệu quả, từ đó thúc đẩy du lịch thông qua khám phá văn hóa ẩm thực. Việc định danh các món ăn truyền thống cũng mở ra cơ hội kinh tế cho các nhà hàng, cơ sở chế biến và nhà sản xuất nguyên liệu địa phương. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho các doanh nghiệp nhỏ mà còn tạo việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến du lịch và ẩm thực. Tổ chức Du lịch thế giới cũng đã nhận định, du lịch ẩm thực là một lợi thế riêng có của mỗi quốc gia, yếu tố chiến lược, động lực quan trọng để phát triển du lịch.
Tuy nhiên, để đảm bảo rằng việc vinh danh món ăn thực sự góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng và hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm cộng đồng địa phương, các nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý. Sự thành công trong việc công nhận món ăn như di sản văn hóa phụ thuộc vào việc duy trì sự cân bằng giữa việc bảo tồn truyền thống và việc đáp ứng nhu cầu và sự phát triển hiện đại.