Gen Z và những 'cuộc chiến tâm lý' nơi công sở

Thế hệ Z – những người sinh từ năm 1997 đến 2002 – đang dần trở thành nhóm lao động trẻ trung và năng động nhất trong thị trường việc làm hiện tại. Với sự tự tin vào kiến thức công nghệ và tư duy đổi mới, Gen Z được kỳ vọng mang lại làn gió mới cho thị trường việc làm hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, không ít người trẻ đang phải đối mặt với áp lực 'lính mới' – những khó khăn đặc thù của thế hệ bước đầu gia nhập thị trường lao động

Khởi đầu chông chênh của những người trẻ

Minh Trang (22 tuổi, nhân viên truyền thông tại TP.HCM) chia sẻ: "Những ngày đầu đi làm, mình cảm thấy lạc lõng. Công ty có hơn 50 người nhưng không ai cùng độ tuổi, mình gần như không biết cách bắt chuyện. Để hòa đồng hơn, mình thường tình nguyện tham gia các công việc nhỏ như trang trí văn phòng, chuẩn bị cà phê, nước uống cho mọi người. Nhưng dần dần thành thói quen, các anh chị trong công ty giao luôn những việc này cho mình, trong khi công việc chính đôi khi vẫn chưa hoàn thành."

Khoảng cách thế hệ, cảm giác không được đánh giá cao là một số nguyên nhân khiến Gen Z cảm thấy áp lực khi mới đi làm. (Ảnh minh họa bởi AI)

Khoảng cách thế hệ, cảm giác không được đánh giá cao là một số nguyên nhân khiến Gen Z cảm thấy áp lực khi mới đi làm. (Ảnh minh họa bởi AI)

Trang kể rằng, có lần vì nhận quá nhiều việc cùng lúc, cô nàng đã quên gửi bản thảo nội dung quan trọng cho khách hàng, khiến dự án bị chậm trễ. “Cả tuần đó, mình bị ám ảnh và tự trách bản thân rất nhiều. Là người trẻ nhất phòng, mình lo sợ bị đánh giá không chuyên nghiệp,” cô nói thêm.

Một trong những nguyên nhân lớn gây khó khăn cho Gen Z trong môi trường công sở chính là sự khác biệt giữa các thế hệ. Những thế hệ đi trước như Millennials (sinh năm 1981-1996) hay Gen X (sinh năm 1965-1980) có cách tiếp cận công việc khác biệt, từ phong cách làm việc, giao tiếp đến kỳ vọng.

Tuấn Khải (24 tuổi, kỹ sư phần mềm tại Hà Nội) chia sẻ rằng anh thường xuyên cảm thấy áp lực khi làm việc cùng những đồng nghiệp lớn tuổi. "Các anh chị, cô chú đã có nhiều kinh nghiệm, nhưng đôi lúc mình cảm giác ý tưởng của mình không được coi trọng chỉ vì mình còn trẻ," Khải tâm sự.

Khải nhớ lại, trong một cuộc họp dự án, anh chàng đã đề xuất một phương pháp mới để cải thiện tốc độ xử lý dữ liệu. Tuy nhiên, ý kiến của anh nhanh chóng bị bác bỏ vì “quy trình cũ vẫn ổn định”. “Mình thất vọng nhưng không dám nói thêm gì vì nghĩ rằng mình chưa đủ năng lực để thuyết phục họ,” anh chàng cho biết.

Mai Phương (23 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa) cho biết, áp lực của cô nàng khi đi làm đến từ việc luôn muốn chứng minh năng lực. "Mình luôn sợ mọi người nghĩ rằng mình chưa đủ giỏi. Điều này khiến mình tự tạo áp lực phải hoàn thành công việc một cách hoàn hảo," Phương thừa nhận.

Để bắt kịp tiến độ công việc, Phương thường làm thêm giờ, nhưng kết quả không phải lúc nào cũng như mong đợi. “Có lần mình mất 3 ngày liên tục để chỉnh sửa một thiết kế, nhưng vẫn bị khách hàng từ chối. Lúc đó, mình cảm thấy bản thân thật vô dụng,” cô kể.

Chuyên gia nói gì về áp lực “lính mới”?

Theo chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn, áp lực mà Gen Z gặp phải khi mới vào nghề không chỉ đến từ môi trường làm việc mà còn từ chính kỳ vọng của bản thân các bạn. "Gen Z lớn lên trong thời đại của sự cạnh tranh khốc liệt nên các bạn thường đặt ra những mục tiêu rất cao. Khi không đạt được, cảm giác thất bại sẽ càng lớn hơn," chuyên gia nhận định.

Áp lực lớn nhất mà Gen Z phải đối mặt ở môi trường làm việc chính là sự kì vọng vào bản thân. (Ảnh minh họa bởi AI)

Áp lực lớn nhất mà Gen Z phải đối mặt ở môi trường làm việc chính là sự kì vọng vào bản thân. (Ảnh minh họa bởi AI)

Ngoài ra, khoảng cách thế hệ tại môi trường công sở cũng làm gia tăng những áp lực tâm lý của Gen Z. Chuyên gia cho biết, sự khác biệt về tư duy và phong cách làm việc giữa Gen Z và các thế hệ đi trước có thể gây nên những hiểu lầm không đáng có nơi công sở. “Những người trẻ thường có cảm giác mình bị đánh giá thấp, không được lắng nghe, tôn trọng ý kiến từ cấp trên. Trong khi đó, các "sếp" lại kỳ vọng Gen Z phải nhanh nhạy hơn, sáng tạo hơn và nắm bắt công nghệ tốt hơn,” bà chia sẻ.

Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn: Gen Z cố gắng chứng tỏ bản thân, nhưng lại dễ nản lòng nếu không được công nhận, trong khi các thế hệ khác dễ dàng hiểu lầm rằng sự im lặng, hời hợt và làm việc thiếu hiệu quả của họ là do các bạn trẻ chưa có sự nỗ lực trong công việc.

Bà nhấn mạnh rằng, để giảm bớt áp lực, cả hai phía cần hiểu và chấp nhận sự khác biệt. Người trẻ nên học cách giao tiếp rõ ràng, không ngần ngại chia sẻ khó khăn hoặc mong muốn hỗ trợ khi cần thiết. Đồng thời, các thế hệ đi trước cần kiên nhẫn hơn trong việc hướng dẫn và tạo không gian để Gen Z phát triển thay vì kỳ vọng quá nhiều ngay từ đầu.

Làm thế nào để vượt qua áp lực?

1. Tìm cách cân bằng kỳ vọng: Để tránh áp lực, các bạn trẻ cần học cách cân bằng giữa kỳ vọng của bản thân và thực tế công việc. Hiểu rằng không ai hoàn hảo ngay từ đầu sẽ giúp bạn giảm bớt gánh nặng tâm lý.

2. Mở lòng với đồng nghiệp: Thay vì cố gắng chứng minh bản thân bằng cách ôm đồm công việc, hãy chủ động giao tiếp với đồng nghiệp để nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn.

3. Quản lý thời gian hiệu quả: Việc lập kế hoạch và ưu tiên công việc là kỹ năng quan trọng để giảm bớt áp lực. Các ứng dụng như Trello, Asana hay Google Calendar có thể giúp bạn sắp xếp công việc một cách khoa học, tránh tình trạng dồn việc vào phút cuối.

4. Đừng ngại mắc lỗi: Thất bại là một phần không thể thiếu trong hành trình phát triển. “Điều quan trọng là bạn học được gì từ những sai lầm. Hãy xem đó là cơ hội để hoàn thiện bản thân thay vì chỉ trích chính mình,” chuyên gia Thanh Mai khuyên.

5. Học cách giao tiếp đa thế hệ: Hiểu và tôn trọng sự khác biệt giữa các thế hệ là chìa khóa để làm việc hiệu quả. Các khóa đào tạo kỹ năng mềm hoặc hội thảo giao tiếp có thể giúp Gen Z xây dựng mối quan hệ tốt hơn với đồng nghiệp lớn tuổi.

Mặc dù đối mặt với nhiều áp lực khi mới bước chân vào môi trường công sở, nhưng Gen Z cũng sở hữu những lợi thế như khả năng học hỏi nhanh, tinh thần đổi mới và tư duy linh hoạt. Bằng cách học cách cân bằng, giao tiếp hiệu quả và chấp nhận sự khác biệt, những “lính mới” này hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn để trở thành những nhân viên xuất sắc.

Hãy nhớ rằng, áp lực là điều không thể tránh khỏi, nhưng chính cách bạn đối mặt với nó sẽ quyết định sự trưởng thành của bản thân.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/gen-z-va-nhung-cuoc-chien-tam-ly-noi-cong-so-post1694347.tpo
Zalo