Gen Z nên ứng xử thế nào khi bản thân rơi vào tình huống va chạm giao thông?

Tại buổi tọa đàm 'Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông' do báo Tiền Phong phối hợp cùng trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM tổ chức, các bạn học sinh - sinh viên đã được lắng nghe những chia sẻ và bí kíp ứng xử từ các chuyên gia khi rơi vào tình huống va chạm giao thông.

Buổi tọa đàm "Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông" có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh trật tự, văn hóa, tâm lý học… Rất nhiều "bí kíp" hay ho đã được các chuyên gia chia sẻ, góp phần làm thay đổi nhận thức, cách thức ứng xử để mọi người, đặc biệt là người trẻ, tham gia giao thông một cách an toàn, văn minh.

Xin lỗi để xoa dịu căng thẳng

Theo luật sư Trương Văn Tuấn - Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TP.HCM - chia sẻ: Ở góc nhìn văn hóa xã hội, mỗi người chủ động xin lỗi lúc xảy ra va chạm giao thông sẽ xoa dịu được căng thẳng. Tuy nhiên, nhiều người không xin lỗi vì nghĩ nếu mở lời là đang nhận sai và phải bồi thường.

"Đúng sai chưa rõ nhưng nếu gây hấn, căng thẳng hoặc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau là vi phạm pháp luật. Xin lỗi không có nghĩa là nhận lỗi, phải bồi thường, đúng sai khi xảy ra va chạm giao thông sẽ được pháp luật phân định", luật sư Trương Văn Tuấn nói.

"Đúng sai chưa rõ nhưng nếu gây hấn, căng thẳng hoặc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau là vi phạm pháp luật. Xin lỗi không có nghĩa là nhận lỗi, phải bồi thường, đúng sai khi xảy ra va chạm giao thông sẽ được pháp luật phân định", luật sư Trương Văn Tuấn nói.

Về các giải pháp tuyên truyền để tránh các vụ va chạm giao thông, Thượng tá Lê Văn Hải - Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP.HCM - khuyến cáo: Để tránh rơi vào vòng lao lý, khi xảy ra va chạm giao thông, người dân không nên quá khích mà cần nhanh chóng thỏa thuận, giải quyết vụ việc và di chuyển phương tiện, đưa người bị nạn đến nơi an toàn. Nếu xảy ra thương vong cần báo cơ quan chức năng để xử lý sớm nhất.

Cần chụp ảnh, quay phim hiện trường và thu thập các chứng cứ để giúp cơ quan chức năng có thêm thông tin xử lý vụ việc. Không bỏ đi khi chưa có sự đồng ý của các bên liên quan.

Cần chụp ảnh, quay phim hiện trường và thu thập các chứng cứ để giúp cơ quan chức năng có thêm thông tin xử lý vụ việc. Không bỏ đi khi chưa có sự đồng ý của các bên liên quan.

Khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng

Theo chuyên gia, trong điều kiện diện tích giao thông rất thấp, TP.HCM đã có nhiều kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình để tăng thêm diện tích đường lưu thông và hạn chế va chạm. Tuy nhiên cũng khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giải tỏa vấn đề quá tải khi tham gia giao thông.

Nổi nóng nhất thời nhưng hậu quả nặng nề

Khi xảy ra va chạm, nếu các bên liên quan xảy ra ẩu đả sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Ở góc độ pháp lý, luật sư Tuấn bày tỏ pháp luật đã có quy định rõ các chế tài những hành vi vi phạm do thiếu kiềm chế trên đường. Trong đó, có thể kể đến các hành vi “cố ý gây thương tích”, “gây rối trật tự công cộng”, “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”.

Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và khung hình phạt đã được quy định rõ. Tuy nhiên đôi lúc xảy ra va chạm giao thông nhỏ lại dẫn đến hành vi “giết người”, hành vi này có khung hình phạt rất cao, lên đến chung thân hoặc tử hình.

Nguyên nhân các vụ ẩu đả giao thông

Thượng tá Hải cho biết nguyên nhân các vụ ẩu đả, va chạm trong thời gian vừa qua không thể đánh đồng do áp lực kẹt xe, tắc đường mà xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. “Tâm lý của của người tham gia giao thông sợ kẹt xe và muốn đi nhanh, về sớm nên đi lấn làn, đi lên vỉa hè rồi xảy ra va chạm và mất bình tĩnh khi giải quyết dẫn đến cách ứng xử không phù hợp”.

Trung tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm - Giảng viên ĐH An ninh Nhân dân, cho hay vấn đề quan trọng chính là ý thức chấp hành giao thông. Hiện nay, nhiều người có tâm lý di chuyển đi vào đường trống, từ đó phát sinh nhiều hệ lụy. Do đó, giải quyết vấn đề gốc ở đây chính là ý thức chấp hành.

 Đông đảo sinh viên tham gia buổi tọa đàm.

Đông đảo sinh viên tham gia buổi tọa đàm.

Thứ hai là vấn đề về áp lực tâm lý, từ những chuyện gia đình, công việc, kinh tế mà người ta dễ nảy sinh chuyện “giận cá chém thớt”.

Thứ ba là kỹ năng ứng xử trong các tình huống giao thông trên đường cũng rất quan trọng. Hiện nay, nhiều người chỉ chọn yếu tố trước mắt là làm sao phải đi cho nhanh nhưng chưa nghĩ tới khi xảy ra hậu quả thì mình phải gánh chịu đầu tiên.

Thứ tư là sự xói mòn về văn hóa giao thông trên đường. Khi xảy ra va chạm, có rất nhiều người cho rằng việc giải quyết kiểu “mạnh thì thắng yếu thì thua” và tư tưởng rất nguy hiểm là hiện nay người ta và đặc biệt là giới trẻ cho rằng va chạm giao thông và ứng xử vô văn hóa là cách thể hiện quyền lực của mình ở trên đường.

Ứng xử văn hóa trên đường

Thượng tá Hải cho rằng nếu va chạm không hư hại phương tiện và hai bên cũng không dừng lại để cùng giải quyết thì cá nhân cần rút kinh nghiệm cho bản thân cho những trường hợp sau. Tuy nhiên, cách ứng xử đúng là cần dừng lại hỏi thăm, xem hai bên có bị hư hỏng phương tiện và có bị thương gì hay không rồi tìm hướng giải quyết thì đó mới là cách ứng xử có văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, cho hay: Thực tế, nhiều người đang chịu áp lực công việc, thủ sẵn hung khí, sẵn sàng tâm thế hành hung người khác."Qua các tình huống thực tế các em chia sẻ, chúng tôi đã đã có những hướng dẫn cụ thể. Ý thức là quan trọng nhất, nếu có sự điềm đạm, khiêm tốn thì có thể thoát ra khỏi những tình huống không mong muốn khi tham gia giao thông", thầy Anh Tuấn chia sẻ.

Văn Tùng - Ảnh: TPO

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/gen-z-nen-ung-xu-the-nao-khi-ban-than-roi-vao-tinh-huong-va-cham-giao-thong-post1703707.tpo
Zalo