Gen Z là thế hệ dễ kết nối nhất, nhưng bị nỗi cô đơn ám ảnh hàng đêm
Gen Z sinh ra trong thời đại công nghệ và là thế hệ có nhiều kết nối nhất, nhưng không có nghĩa là người trẻ cảm thấy gần gũi hơn với các mối quan hệ trong xã hội.
Một nghiên cứu mới cho thấy sự cô đơn đang ám ảnh gen Z vào ban đêm, khiến những người trẻ trằn trọc và cảm thấy không đủ thời gian nghỉ ngơi cần thiết.
Các nhà tâm lý học từ Đại học Tiểu bang Oregon (OSU) tại Mỹ đã phân tích 1.000 sinh viên đại học và phát hiện ra rằng 35% số người tham gia cảm thấy cô đơn. Theo báo cáo, nhóm sinh viên này triệu chứng mất ngủ cao gấp đôi so với những người không cảm thấy cô đơn.
Đồng tác giả của nghiên cứu Jessee Dietch, nhà tâm lý học, bác sĩ chuyên khoa về giấc ngủ và Phó giáo sư khoa học tâm lý cho biết: " Mất ngủ rất có hại cho sức khỏe của sinh viên đại học. Triệu chứng này gây ra tình trạng căng thẳng, lo lắng và rối loạn tâm lý. Từ đó khiến thành tích học tập giảm sút".
Đối với nhiều sinh viên đại học thì tình trạng mất ngủ và cô đơn đang ở mức độ "dịch bệnh". Cô đơn có thể khiến giấc ngủ bị gián đoạn, dẫn đến tâm lý nhạy cảm với căng thẳng. Do đó, họ có nhiều khả năng thức trắng nguyên đêm.
Sự cô lập xã hội có thể gây ra tình trạng cảm thấy thiếu an toàn. Một số người trẻ cảnh giác hơn với các mối đe dọa xung quanh vào buổi đêm. Điều này cũng làm gián đoạn giấc ngủ.
Nỗi cô đơn cũng liên quan đến chứng trầm cảm và suy nghĩ tiêu cực, cả hai đều gây ra triệu chứng mất ngủ. Theo các nhà nghiên cứu, mối quan hệ giữa giấc ngủ và sự cô đơn là hai chiều. Điều này có nghĩa là giấc ngủ kém cũng có thể gây ra sự cô đơn và dần thu mình với xã hội.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã xem xét thời gian nhìn sử dụng màn hình điện thoại, máy tính. Họ đã phát hiện ra mối liên hệ giữa các vấn đề về giấc ngủ và việc dành hơn 8 giờ nhìn vào màn hình mỗi ngày.
Giảm thời gian sử dụng đồ công nghệ có thể giúp cải thiện giấc ngủ, nhưng đó không phải là yếu tố chính. Sự cô đơn vẫn đóng vai trò lớn hơn trong việc gây ra chứng mất ngủ. Các sinh viên cô đơn vẫn có nhiều khả năng bị mất ngủ dù họ đã hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính.
“Thời gian nhìn vào màn hình nhiều hơn có liên quan đến các triệu chứng mất ngủ, nhưng có vẻ như điều này chỉ xảy ra với những người không quá cô đơn. Đối với những người lớn cô đơn, các triệu chứng mất ngủ của họ tăng cao bất kể thời gian sử dụng màn hình là bao nhiêu”, John Sy, một sinh viên sau đại học tại Khoa Khoa học Tâm lý tại OSU cho biết.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cứ 3 người trưởng thành ở Mỹ thì có một người báo cáo rằng họ cảm thấy cô đơn.
Sự cô đơn thậm chí có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như đột quỵ, bệnh tim, tiểu đường loại 2, lo lắng, trầm cảm, xu hướng tự tử, tự làm hại bản thân và chứng mất trí.
Sinh viên đại học đặc biệt có nguy cơ gặp phải các vấn đề về chứng mất ngủ. Mức độ cô đơn của người trẻ cao hơn hẳn so các nhóm tuổi khác. Thêm vào đó, thời gian sử dụng điện thoại, máy tính của họ cũng cao hơn.
Mặc dù rất am hiểu công nghệ và mạng xã hội, nhưng người trẻ lại thiếu các mối quan hệ sâu sắc, giàu ý nghĩa. Điều này ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe tinh thần của họ. Việc vun đắp các mối quan hệ ngoài đời thực có thể là giải pháp tối ưu nhất cho đại dịch cô đơn này.