Gen Z đưa hình ảnh Việt Nam 'bay' xa bằng những chiếc bánh

Những chiếc bánh bằng chất liệu kẹo mềm fondant đã được Nguyễn Hữu Thiên Ân (25 tuổi), sinh sống tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) biến hóa thành tác phẩm nghệ thuật sống động và có hồn, qua đó kể những câu chuyện của riêng mình.

7 năm trước, Nguyễn Hữu Thiên Ân chọn theo đuổi ngành bếp nóng (khóa học chuyên các món mặn). Trong quá trình học, Ân vô tình đi ngang các xưởng bánh ở trường, và sự đam mê nghề bánh trỗi dậy, nên thường "học lỏm".

Dám nghĩ, dám làm

“Sự bắt mắt, kỹ thuật của người làm bánh tạo nên sự hấp dẫn cho những món bánh khiến cho mình muốn chinh phục”, Ân chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp, Ân mạnh dạn theo đuổi bánh ngọt. Ân đã xin làm bán thời gian tại các tiệm bánh để học nghề. May mắn, Ân được chủ quán và các anh chị đi trước tận tình hướng dẫn. Nhờ đó, Ân đã được làm công việc yêu thích và dần học hỏi được nhiều kỹ năng mới như: trộn bột, nướng bánh…

“Làm bánh ngọt hoàn toàn khác với những gì mình được dạy trong bếp nóng. Bởi tự học, lại không có nhiều chuyên môn về bánh ngọt nên mình phải cố gắng rất nhiều. Nếu như đồng nghiệp chỉ mất 30 phút để tạo hình một con thú thì mình phải mất hơn 1 giờ. Do đó, ngoài giờ làm việc tại cửa hàng, mình phải tự thực hành thêm ở nhà”, Ân kể.

Những chiếc bánh bằng kẹo mềm fondant đã được Thiên Ân biến hóa thành những tác phẩm sống động.

Những chiếc bánh bằng kẹo mềm fondant đã được Thiên Ân biến hóa thành những tác phẩm sống động.

Niềm đam mê trong quá trình học làm bánh đã thôi thúc Ân phải làm cái gì đó. Trong một lần xem ti vi, Ân ấn tượng với kẹo mềm fondant và chợt lóe lên suy nghĩ “mình có thể thử nhào nặn nguyên liệu mới này”. Nghĩ là làm, thời gian ở tiệm, ngoài những loại bánh kem, bánh ngọt thông thường, Ân còn phát triển và học hỏi thêm việc tạo hình bánh nghệ thuật từ kẹo mềm fondant (là loại hỗn hợp kẹo mềm dẻo làm từ đường bột để trang trí hoặc tạo hình cho bánh kem và bánh ngọt).

“Với các loại bánh sinh nhật thông thường thì bên trong là nhân bánh bông lan, mặt ngoài phủ kem, trong khi bánh từ kẹo mềm fondant có kết cấu hoàn toàn khác. Bên trong là một lớp những loại bánh có kết cấu vững hơn bánh bông lan, để chịu được sức nặng của phần kẹo mềm fondant bên ngoài. Kẹo mềm fondant cũng dễ tạo hình và giữ được lâu trong nhiệt độ phòng mà không bị hư hỏng”, Ân chia sẻ.

Một chiếc bánh hoàn chỉnh sẽ có kết cấu bao gồm phần cốt bánh là các loại bánh kết hợp với mứt trái cây hoặc kem bơ. Sau đó phủ thêm một lớp anache (làm từ sô cô la và kem) để tăng độ kết dính và cuối cùng là lớp kẹo mềm được tạo hình tỉ mỉ bên ngoài. Một chiếc bánh đơn giản, Ân cũng phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ để hoàn thiện.

Ân cho biết với riêng dòng bánh fondant, có 2 cách trang trí phổ biến. Một là tạo hình trực tiếp với kẹo mềm đã được pha màu sẵn, “có thể hình dung giống như việc bạn chơi trò nặn đất sét”. Cách thứ hai là dùng màu thực phẩm vẽ trực tiếp lên trên mặt phần kẹo mềm đã được cán phẳng.

Sau khoảng thời gian tập tành nghiên cứu, vẽ những mẫu bánh đơn giản đầu tiên như chân dung, các nhân vật hoạt hình, thú cưng, bông hoa, chiếc lá… từ nguyên liệu kẹo mềm fondant, Ân đã có thể biến hóa thành nhiều hình thù khác nhau. Những món chả giò, bánh xèo, bún đậu... có hình dáng như món ăn gốc.

Thông điệp từ những chiếc bánh

Theo Thiên Ân, để làm được các tác phẩm từ kẹo mềm fondant cần nhiều công đoạn như xem hình ảnh, hình dung ra món ăn gốc, vẽ phác họa...

Để món ăn có “thần thái”, Ân phải tìm ra các chi tiết cực kỳ nhỏ như bánh tiêu phải có mè, bề mặt bánh mềm mịn hay sần sùi, nếu sần sùi thì thuộc sần nứt nẻ hay sần gồ ghề...

“Thông thường mình sẽ tìm hình ảnh món ăn trên mạng và quan sát thật kỹ. Món nào càng nhiều thành phần, mình càng tốn thời gian để chăm chút. Như tô mì Quảng mình cần 3 đến 4 giờ để mô tả topping, còn bánh tiêu, bánh cam thì sẽ làm nhanh hơn”, Ân chia sẻ.

Thiên Ân (ở giữa) đã mạnh dạn tham gia các cuộc thi quốc tế và giành nhiều giải thưởng lớn.

Thiên Ân (ở giữa) đã mạnh dạn tham gia các cuộc thi quốc tế và giành nhiều giải thưởng lớn.

Với kẹo mềm “thiên biến vạn hóa” được mọi hình dạng khác nhau, Ân có thể kể câu chuyện của riêng mình dựa trên chất liệu này, và đã quyết định mang hình ảnh Việt Nam qua các tác phẩm dự thi quốc tế.

Tháng 7/2022, Thiên Ân mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc thi Vietnam Pastry Alliance và trở thành quán quân vòng thi online, giành giải tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nhất tại vòng chung kết.

Khi tham gia cuộc thi Vietnam Pastry Alliance, Thiên Ân quyết định chọn phở, mì Quảng và bánh xèo - 3 món ăn truyền thống đại diện 3 miền - để tạo hình.

Tháng 8/2023, Thiên Ân tiếp tục thử sức ở cuộc thi Asian Pastry Youngchef và đạt huy chương vàng.

Tháng 6/2024, Thiên Ân đạt huy chương vàng hạng mục Modern Stylish Wedding Cake và huy chương bạc hạng mục Pastry Art Showpiece tại cuộc thi Battle of The Chefs 2024. Tại đây, Ân mang đến hai tác phẩm gồm mô hình bánh cưới và một tác phẩm tổng hợp được làm từ đường nghệ thuật. Ân đã dành ra 3 tháng thực hiện hai tác phẩm này với nhiều hình ảnh đậm chất Việt Nam được lồng ghép như tre, cò, sen, người phụ nữ Việt.

Trong đó, tác phẩm tâm đắc của Ân mang tên “Memories”, vẽ chân dung một cụ bà trên nền kẹo mềm fondant. Tô điểm thêm cho tác phẩm, Ân còn tạo hình những món ăn quen thuộc như: món dưa giá, thịt kho trứng, canh khổ qua…

“Mình muốn truyền tải hình ảnh người mẹ Việt Nam chịu thương, chịu khó qua tác phẩm. Kèm theo là những món ăn bình dân, quen thuộc với mỗi gia đình. Mình muốn truyền tải cho mọi người thông điệp về tầm quan trọng của bữa ăn gia đình”, Ân chia sẻ.

Tác phẩm tâm đắc của Ân mang tên “Memories”, vẽ chân dung một cụ bà trên nền kẹo mềm fondant.

Tác phẩm tâm đắc của Ân mang tên “Memories”, vẽ chân dung một cụ bà trên nền kẹo mềm fondant.

Ân cho biết, để làm nên một tác phẩm dự thi quốc tế mất khá nhiều thời gian. Từ khâu lên ý tưởng rồi đưa ý tưởng trong đầu ra bản phác thảo, và từ bản phác thảo đó cân chỉnh làm sao để có thể vận chuyển đi vừa an toàn lại vừa có thể khả thi khi thực hiện. Sau đó mới tiến hành bọc bánh, phủ bánh, tạo hình các chi tiết chính, và cuối cùng điểm thêm các chi tiết nhỏ cho tác phẩm được hoàn thành. Đặc biệt, các cuộc thi ẩm thực quốc tế chấm giải rất kỹ về phần nguyên liệu, vì nếu nguyên liệu tạo hình không ăn được thì bài thi có thể bị loại ngay lập tức.

Theo chia sẻ của chàng trai Gen Z, việc tham gia các cuộc thi quốc tế một phần để khẳng định bản thân, bên cạnh đó là để tỏa nét đẹp của văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Ân muốn mang chất liệu đậm chất Việt Nam như họa tiết chim cò, con hạc, hoa sen, trống đồng… vào các sản phẩm bánh của mình.

“Việt Nam còn nhiều nét đẹp mà mọi người chưa được biết đến. Những thứ đơn giản hàng ngày thôi nhưng nó rất là đẹp. Khi người ta nhìn thấy tác phẩm của mình, mình muốn họ phải ồ lên: "Việt Nam đây rồi!". Nghe được tên mình hô vang cùng Việt Nam cảm thấy thật đáng tự hào”, Ân hào hứng.

Sau nhiều năm, Ân đã sở hữu công thức tạo hình riêng phù hợp với yêu cầu từng loại bánh, có thể kể đến: Nhân vật thầy Snape trong phim Harry Potter, chiếc bánh hamburger, tranh phong cảnh làng quê Việt…

Tác phẩm bánh nghệ thuật tạo hình thầy Snape và hiệu trưởng Albus Dumbledore trong phim Harry Potter.

Tác phẩm bánh nghệ thuật tạo hình thầy Snape và hiệu trưởng Albus Dumbledore trong phim Harry Potter.

Mỗi sản phẩm tạo hình độc đáo từ nguyên liệu fondant đem lại niềm vui, sự thích thú từ người xem, khách hàng đã tiếp thêm động lực để Ân sáng tạo thêm nhiều mẻ bánh mới.

Nói về dự định tương lai, Thiên Ân cho hay: "Sắp tới, mình sẽ tham gia nhiều cuộc thi ẩm thực để có cơ hội khẳng định bản thân và mang giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam ra đấu trường quốc tế. Song song đó, mình mở thêm lớp dạy làm bánh từ nguyên liệu kẹo mềm fondant, hy vọng mọi người quan tâm và tiếp cận phương pháp sáng tạo dòng bánh nghệ thuật mới mẻ này".

Giang Châu

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoi-nghiep/gen-z-dua-hinh-anh-viet-nam-bay-xa-bang-nhung-chiec-banh-1104298.html
Zalo