Gemadept chào bán 103 triệu cổ phiếu, giá thấp hơn 62% so với trên sàn

Nếu hoàn tất đợt chào bán, Gemadept sẽ huy động được hơn 3.000 tỷ đồng, dùng để mua sắm tài sản cố định, trả nợ vay ngân hàng và tăng vốn góp vào Cảng Nam Đình Vũ.

Cảng Nam Đình Vũ đang được Gemadept đầu tư mở rộng. Ảnh: GMD

Cảng Nam Đình Vũ đang được Gemadept đầu tư mở rộng. Ảnh: GMD

Công bố thông tin trên HoSE, CTCP Gemadept (mã GMD) cho biết ngày 23/10 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền mua cổ phiếu, theo phương án phát hành tăng vốn đã được cơ quan quản lý chấp thuận.

Cụ thể, Gemadept sẽ phát hành hơn 103 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 3:1, tức cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ được quyền mua 1 cổ phiếu mới. Thời gian nhận đăng ký mua từ ngày 31/10 - 21/11/2024. Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ ngày 31/10 - 15/11/2024.

Với giá chào bán 29.000 đồng/cp, GMD dự kiến huy động được hơn 3.000 tỷ đồng, dùng để mua sắm tài sản cố định (2.213 tỷ đồng), trả nợ vay ngân hàng (230,6 tỷ đồng), tăng vốn góp vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ (557,7 tỷ đồng).

Nếu hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của Gemadept sẽ tăng từ gần 3.105 tỷ đồng lên gần 4.140 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu GMD đang giao dịch ở vùng giá gần 77.000 đồng/cp. Như vậy, giá chào bán của Gemadept cho cổ đông thấp hơn 62% giá trên sàn.

Hồi tháng 8 vừa qua, GMD đã hoàn thành đợt chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 22%, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 2.200 đồng.

Trong báo cáo phát hành ngày 9/10 vừa qua, qua hội thảo Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam do GS và SSI tổ chức, SSI cho biết Gemadept đã hoàn tất thủ tục giấy phép cho Nam Đình Vũ 3 và sẽ triển khai xây dựng cảng trong tháng 10/2024 để đưa vào hoạt động vào cuối năm 2025.

Theo SSI, trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thông qua cảng biển Việt Nam đạt 16,9 triệu TEU, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn nhờ hoạt động tăng tồn kho hàng hóa toàn cầu trong năm và mức sản lượng thấp của năm trước. Trong đó, sản lượng qua cảng của Gemadept đạt 2,8 triệu TEU, duy trì mức tăng trưởng tương đương mức tăng của hệ thống cảng biển Việt Nam.

Trong hệ thống cảng của GMD, Cảng Nam Đình Vũ hiện nay đang hoạt động hết công suất (1,2 triệu TEU), với sản lượng cảng hiện đang đạt 100.000 TEU/tháng.

Gemalink cũng đang hoạt động hết công suất, đạt 800.000 TEU trong nửa đầu năm 2024 và được kỳ vọng sẽ hoạt động hết công suất trong cả năm 2024 (với 1,5 triệu TEU/năm), nhờ sản lượng phục hồi tại thị trường Hoa Kỳ và sản lượng chuyển từ cảng Singapore do tình trạng tắc nghẽn trong quý 2/2024.

Đơn vị phân tích thông tin thêm, HITC (cảng Container Quốc tế Hải Phòng – cảng nước sâu) sẽ bắt đầu thi công nạo vét kênh từ cuối tháng 10, khiến công suất của cảng giảm 50% trong vài tháng. Theo đó, GMD kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ việc này, do Nam Đình Vũ 3 là cảng sông duy nhất có thể tiếp nhận cỡ tàu từ HITC.

Về các dự án cảng biển mới, dự án Cần Giờ và Cái Mép Hạ dự kiến sẽ chỉ bắt đầu hoạt động sớm nhất sau 5 năm, do đó hệ thống cảng miền Nam hiện nay đang thiếu công suất cảng mới. Gemalink 2 của GMD là cảng duy nhất hiện nay có khả năng tăng công suất để tận dụng mức tăng trưởng sản lượng.

Về tình hình kinh doanh, trong nửa đầu năm 2024, Gemadept ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.156 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 1.101 tỷ đồng, giảm 44%. Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm chủ yếu là do “hụt” phần doanh thu tài chính, chỉ đạt 384 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái đạt 1.884 tỷ đồng.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gemadept-chao-ban-103-trieu-co-phieu-gia-thap-hon-62-so-voi-tren-san-34374.html
Zalo