Gelex tiếp tục khẳng định tên tuổi trong các vụ thâu tóm thương hiệu nổi tiếng ở Eximbank

Việc nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu lên 10% vốn điều lệ tại Eximbank là bước đi quen thuộc của một doanh nghiệp đã nhiều lên khẳng định tên tuổi sau các vụ thâu tóm, cùng với đó, nợ phải trả của Gelex cũng tăng mạnh.

Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (MCK: GEX) chính thức trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ngày 12/8, sau khi mua thêm 89 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu tương đương 10% vốn điều lệ tại ngân hàng này.

Trước đó, trong hai ngày 7-8/8, Gelex đã mua lần lượt 50 triệu và 39 triệu cổ phiếu EIB bằng phương thức giao dịch trên sàn chứng khoán TP HCM.

Sau khi hoàn tất giao dịch, sở hữu của Tập đoàn Gelex tăng từ 85,5 triệu cổ phiếu, chiếm 4,9% lên 174,7 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Nắm giữ số cổ phiếu từ 1% tiếp theo tại Eximbank lần lượt, gồm: Công ty cổ phần chứng khoán VIX 62,3 triệu cổ phiếu (3,58%); bà Lê Thị Mai Loan – Thành viên HĐQT sở hữu 18 triệu cổ phiếu (1,03%); bà Lương Thị Cẩm Tú – Phó Chủ tịch HĐQT sở hữu 19,5 triệu cổ phiếu (1,12%).

Như vậy, kể từ danh sách Eximbank cập nhật ngày 13/8, Gelex trở thành cổ đông lớn nhất của Eximbank.

Eximbank được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) từ năm 2009. Năm 2023, biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng này ở mức 2,47%, giảm 0,85% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,65%, tăng 0,86%. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ có giá trị bằng 2.165,1 tỷ đồng, giảm 26,5%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 10,09%, giảm 5,31%.

Bước đi quen thuộc trong định hướng kinh doanh

Trở thành cổ đông lớn nhất ở Eximbank là định hướng kinh doanh quen thuộc được quan sát thấy ở doanh nghiệp nổi tiếng trong việc thâu tóm các thương hiệu lớn này.

Từ khi thành lập, Tập đoàn Gelex đã là doanh nghiệp được biết đến bởi nhiều vụ đầu tư thông qua mua bán – sáp nhập các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực dây, cấp điện, thiết bị điện và mở rộng sang các ngành nghề kinh doanh tiềm năng như hạ tầng, logistics, bất động sản.

Sau thời gian tái cấu trúc kể từ cuối 2015 khi Bộ Công Thương thoái vốn tại Gelex thông qua việc bán hơn 122 triệu cổ phiếu (tương đương với gần 79% vốn điều lệ), Gelex đã trở thành tập đoàn tư nhân đa ngành theo mô hình holdings.

Gelex hiện là nhà sản xuất và kinh doanh vật liệu, thiết bị điện lớn nhất Việt Nam thông qua việc sở hữu chi phối các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu về dây và cáp điện, gồm: Công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi), Công ty Thiết bị điện Việt Nam (Thibidi), Công ty Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), Tổng Công ty thiết bị điện Đông Anh (TBD).

Gelex là tập đoàn đa ngành với loạt thương vụ mua - bán sáp nhập tại Công ty cổ Phần kho vận miền Nam (Sotrans), Tổng Công ty cổ phần Đường Sông miền Nam (Sowatco), Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco)…

Tương tự như ở Eximbank, 2021 là năm Tập đoàn Gelex hoàn tất thương vụ thâu tóm nổi tiếng tại Tổng Công ty Viglacera – CTCP sau nhiều lần mua vào cổ phiếu của công ty này trong 2019.

Cụ thể, tháng 4/2021, Gelex đã mua vào 18,5 triệu cổ phiếu Viglacera, nâng tỷ lệ sở hữu từ 46,1% lên 50,2%. Từ đầu quý II/2021, Gelex đã hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera.

Gelex những năm gần đây lấn sang lĩnh vực năng lượng tái tạo với mục tiêu sở hữu các nhà máy phát điện với tổng công suất 500 MW vào năm 2025. Gelex hiện có 5 dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Dự án nhà máy điện gió Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3 (gồm 12 turbine với tổng công suất lắp đặt 50MW) và các dự án nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3 đã được công nhận vận hành thương mại.

Nợ phải trả tăng mạnh

Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, Tập đoàn Gelex ghi nhận tổng doanh thu thuần 29.998 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.398 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,5% và giảm 32,7% so với năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, tập đoàn đã hoàn thành 80% mục tiêu doanh thu và hoàn thành 110% mục tiêu lợi nhuận của năm.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Gelex đạt 55.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 21.225 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng 8% lên 33.853 tỷ đồng, gồm nợ ngắn hạn 18.590 tỷ đồng, nợ dài hạn 15.262 tỷ đồng. Trong đó, phần vay nợ và thuê tài chính chiếm chủ yếu.

Trong năm 2023, Gelex phát hành 1.150 tỷ đồng trái phiếu thông qua Quỹ đầu tư và đảm bảo tín dụng (CGIF) để cơ cấu lại khoản nợ và đầu tư vào dự án điện mặt trời 50MW tại Ninh Thuận và thanh toán các chi phí phát sinh của đợt phát hành. Ngoài ra, Gelex cũng phát hành thêm các lô trái phiếu khác để tăng quy mô vốn doanh nghiệp.

Năm 2021 sau khi hoàn tất thâu tóm Tổng công ty Viglacera, Gelex đã có thời kỳ doanh thu tăng mạnh đạt 28.579 tỷ, tăng 59% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.666 tỷ, tăng 70,2%. Tổng tài sản của Gelex năm 2021 cũng biến động mạnh tăng 2,25 lần so với năm 2020, đạt 61.182 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau thời kỳ huy hoàng, từ năm 2021 đến nay, đồ thị lợi nhuận của Gelex đang có chiều hướng đi xuống. Năm 2022, tập đoàn ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 8% xuống còn 1.531 tỷ đồng. Tốc độ giảm thấy rõ rệt nhất ở năm 2023, giảm mạnh 77% xuống còn 863,9 tỷ đồng.

Lý giải về sự giảm sút mạnh này, phía Gelex cho biết khối sản xuất phải đối mặt với sự suy giảm của nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt với nhóm vật liệu xây dựng và thiết bị điện có chi phí đầu vào tăng cao. Ngược lại, nhóm năng lượng và nước sạch duy trì doanh thu tăng đều đặn giai đoạn 2021 – 2023, tuy nhiên đã có sự giảm nhẹ trong quý I/2024.

Kết thúc quý II/2024, Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Gelex ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 8.250 tỷ đồng và 1.104 tỷ đồng, tăng 3,2% và 69,3% so với cùng kỳ 2023.

Doanh thu thuần quý này tăng trưởng tích cực nhờ động lực từ sự phục hồi của lĩnh vực thiết bị điện, ghi nhận 5.274 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 42,3% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, mảng bán các vật liệu xây dựng cũng mang lại doanh thu lớn thứ hai với khoảng 1.945 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính quý II của Gelex cũng tăng vọt 10,2 lần lên 1.086 tỷ đồng, phần lớn chiếm 996 tỷ đồng đến từ lãi bán các khoản đầu tư.

Tổng vay thuê nợ tài chính của doanh nghiệp tính đến cuối quý II là 17.328 tỷ đồng, giảm 13%, trong đó, trái phiếu đến hạn thanh toán là 598 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Gelex. Nguồn: Báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng 2024 Gelex.

Cơ cấu nguồn vốn 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Gelex. Nguồn: Báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng 2024 Gelex.

Hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ trong 6 tháng

Trong năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Gelex được kỳ vọng tăng trưởng tích cực nhờ thoái vốn thành công ở các dự án năng lượng đã đi vào vận hành cho đối tác là Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam (thuộc Tập đoàn Sembcorp Industries - Singapore), gồm: Điện gió Gelex Quảng trị, Điện gió Hướng Phùng, Thủy điện Sông Bung 4A (Phú Thạnh Mỹ) và Điện mặt trời Ninh Thuận.

Giá trị các thương vụ không được công bố, nhưng Chứng khoán SSI ước tính Gelex sẽ thu về 1.100 tỷ đồng, giúp tập đoàn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng đột biến trong năm 2024. Con số này tương tự mức 996 tỷ đồng Gelex ghi nhận tại báo cáo tài chính quý II từ bán các khoản đầu tư.

Theo SSI, nếu không tính khoản lợi nhuận tài chính từ việc thoái vốn mảng năng lượng, lợi nhuận trước thuế của Gelex dự kiến sẽ tiếp tục có xu hướng đi xuống, âm khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước, tức đạt khoảng 1.340 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Gelex hiện đang ghi nhận doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 14.910 tỷ đồng và 1.770 tỷ đồng, tăng 4% và 74,5%, tương đương hoàn thành 46,2% và 92,1% kế hoạch năm 2024.

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/gelex-tiep-tuc-khang-dinh-ten-tuoi-trong-cac-vu-thau-tom-thuong-hieu-noi-tieng-o-eximbank-715827.html
Zalo