Dự thảo Nghị định mới hợp pháp hóa quyền bán carbon rừng cho doanh nghiệp
Dự thảo Nghị định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng đang mở ra hành lang pháp lý rõ ràng cho doanh nghiệp tham gia thị trường carbon, tạo điều kiện để doanh nghiệp khai thác giá trị kinh tế từ hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

Tọa đàm góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng ngày 15/7.
Dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng, kỳ vọng tạo nền tảng pháp lý cho việc thương mại hóa tín chỉ các-bon rừng tại Việt Nam. Nghị định này không chỉ tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho việc triển khai dự án carbon rừng mà còn mở ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Ngày 15/7, Forest Trends phối hợp cùng Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA) tổ chức Tọa đàm góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Tọa đàm đã thông qua các điểm mới quan trọng và được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất là cơ chế thị trường tín chỉ carbon rừng chính thức được xác lập.
Theo đó, doanh nghiệp có thể tham gia giao dịch tín chỉ carbon trên sàn trong nước, hoặc ký hợp đồng chuyển nhượng trực tiếp với bên cung ứng là các chủ rừng hợp pháp. Với hai cơ chế song song: cung ứng dịch vụ theo hợp đồng và giao dịch trên thị trường, Dự thảo tạo tính linh hoạt và mở rộng nguồn thu hợp pháp từ tài nguyên rừng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp là chủ rừng hoặc tham gia đầu tư dự án carbon rừng sẽ được quyền sử dụng toàn bộ nguồn thu từ việc bán tín chỉ sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Khoản thu này được công nhận là nguồn thu hợp pháp, được quản lý và hạch toán theo quy định tài chính doanh nghiệp. Đây là điểm đột phá, giúp thúc đẩy các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo hướng thị trường.
Một điểm thuận lợi khác là cơ chế xác định giá tín chỉ carbon. Theo Dự thảo, giá tín chỉ không bị áp cứng mà được xác định theo bảng giá địa phương hoặc thỏa thuận trực tiếp giữa các bên. Đối với các giao dịch qua sàn, mức giá khởi điểm sẽ dựa trên giá thị trường, tăng khả năng tiếp cận và thu hút đầu tư, đặc biệt từ khối doanh nghiệp.
Cần rõ ràng quyền carbon và tránh xung đột lợi ích
Một trong những điểm được các chuyên gia góp ý mạnh mẽ là cần phân định rõ quyền carbon rừng. Theo ông Tô Xuân Phúc (Forest Trends), quyền này hiện đang có hai cách tiếp cận: coi carbon là tài sản gắn với đất/rừng, hoặc là dịch vụ do các hoạt động hấp thụ, lưu giữ tạo ra. Nếu không làm rõ ngay từ đầu, có thể dẫn đến xung đột giữa người giữ đất và người đầu tư dự án carbon, đặc biệt trong các khu vực có chồng lấn quyền sở hữu.

Cần phân định rõ quyền carbon rừng tránh xung đột khi thực hiện
PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chủ rừng Việt Nam cũng nhấn mạnh, Dự thảo cần đảm bảo tính đồng bộ giữa hai cơ chế: cung ứng dịch vụ và cơ chế thị trường. Theo ông, “với dịch vụ môi trường rừng, Nhà nước cần có vai trò định hướng giá và chia sẻ lợi ích, còn đối với thị trường carbon, cần để giá hình thành theo cung cầu, có thể thông qua cơ chế đấu giá”. Việc đồng thời sử dụng hai cơ chế này giúp phát triển thị trường một cách linh hoạt nhưng cần được phân định rõ để tránh chồng chéo.
Về mặt kỹ thuật, ông Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, nhấn mạnh vai trò của các tiêu chuẩn tín chỉ các-bon rừng quốc gia (TCVN) sẽ là nền tảng cho các doanh nghiệp triển khai dự án. Theo đó, dự án muốn phát hành tín chỉ phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về tác động sinh thái - xã hội, đo lường hấp thụ carbon, và xác minh bởi tổ chức độc lập.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?
Trước hết, các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường carbon rừng cần đảm bảo đầy đủ các điều kiện pháp lý, đặc biệt là quyền sử dụng rừng hợp pháp. Với rừng trồng sản xuất do doanh nghiệp sở hữu hoặc được giao khoán, cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ xác nhận ranh giới, diện tích và nguồn gốc pháp lý để làm cơ sở xây dựng dự án carbon.
Tiếp đến, doanh nghiệp cần đầu tư vào năng lực kỹ thuật như đo đạc, giám sát, lập báo cáo phát thải - hấp thụ carbon. Tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ carbon rừng do Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững xây dựng đã nêu rõ các yêu cầu về phương pháp đo đạc, đánh giá, xác minh kết quả bởi bên thứ ba độc lập. Đây là điều kiện tiên quyết để tín chỉ được công nhận và giao dịch trên thị trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị năng lực tài chính và đội ngũ chuyên gia để xây dựng kế hoạch tài chính - kỹ thuật khả thi. Việc phối hợp chặt chẽ với UBND cấp tỉnh và các cơ quan quản lý như Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là cần thiết nhằm triển khai dự án đúng trình tự và hợp lệ.
Một số đề xuất nhằm hoàn thiện Dự thảo bao gồm: Làm rõ vai trò và quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia đầu tư carbon rừng, đặc biệt khi họ không phải là chủ rừng nhưng là người cung cấp tài chính và kỹ thuật; Hoàn thiện cơ chế xác định giá tín chỉ, đảm bảo công khai, minh bạch, nhưng vẫn đủ linh hoạt để thu hút đầu tư tư nhân; Xây dựng quy trình giải quyết tranh chấp về quyền carbon, đặc biệt giữa cộng đồng và doanh nghiệp. Hòa giải tại cơ sở nên được ưu tiên để duy trì tính ổn định xã hội trong khu vực rừng dự án; Khuyến khích doanh nghiệp lồng ghép các mục tiêu xã hội, như cải thiện sinh kế người dân, phát triển kinh tế tuần hoàn trong lâm nghiệp để tăng tính bền vững và thu hút tài chính quốc tế.