Gây thiệt hại 300 tỷ đồng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị đề nghị 6-7 năm tù

Sáng 18-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 đồng phạm chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo về cùng tội 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí' theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Theo đó, bị cáo Lê Tiến Phương (sinh năm 1957, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận từ năm 2010-2015, nguyên Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận) bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt từ 6 đến 7 năm tù.

Bị cáo Hồ Lâm (sinh năm 1960, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận) 5-6 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó tuyên phạt bị cáo Lâm 5 năm tù, buộc bị cáo Lâm phải chấp hành hình phạt chung của 2 bản án.

Hai bị cáo: Nguyễn Văn Phong (sinh năm 1967, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận - Thường trực Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) và Xà Dương Thắng (sinh năm 1966, cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, nguyên Bí thư huyện ủy Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) cùng bị đề nghị 4-5 năm tù.

 Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương tại phiên tòa.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương tại phiên tòa.

Nguyễn Xuân Phong (sinh năm 1957, cựu Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận) 3-4 năm tù.

Nguyễn Ngọc (sinh năm 1958, cựu Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận) 36-42 tháng tù.

Đỗ Ngọc Điệp (sinh năm 1962, cựu Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) 30-36 tháng tù.

Năm bị cáo: Lê Nguyễn Thanh Danh (sinh năm 1980, cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Thanh Cho (sinh năm 1973, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận), Lê Nam Hưng (sinh năm 1980, cựu Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận), Phạm Duy Cường (sinh năm 1974, cựu Phó trưởng phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Văn Thọ (sinh năm 1961, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam) cùng bị đề nghị mức 24-30 tháng tù. Riêng Lê Nguyễn Thanh Danh bị đề nghị tổng hợp hình phạt với bản án 42 tháng tù bị tuyên trước đó.

Lê Quang Vinh (sinh năm 1973, cựu Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, nguyên Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) bị đề nghị 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Bốn bị cáo còn lại gồm: Lê Anh Huy (sinh năm 1977, cựu Chuyên viên Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận, nguyên Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận), Huỳnh Lương Thiện (sinh năm 1980, chuyên viên Phòng Đầu tư và Quy hoạch xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận), Trương Văn Ri (sinh năm 1959, cựu Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam (SIVC) kiêm Giám đốc Chi nhánh Công ty SIVC tại Bình Thuận), Hồ Như Hải (sinh năm 1973, cựu Phó giám đốc Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam - Chi nhánh Bình Thuận, Thẩm định viên về giá) cùng bị đề nghị mức án 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Bản luận tội nêu rõ, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến công tác quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước được pháp luật bảo vệ. Cụ thể trong vụ án này là việc phê duyệt nghĩa vụ tài chính để chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích 363.523,6 m² đất tại phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận từ đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao sang đất ở đô thị.

Trong vụ án này, các bị cáo đều là những người có trình độ, chức vụ, lẽ ra phải là những người tiên phong đi đầu, nắm vững và tuân thủ pháp luật, nhưng lại thực hiện không đúng các quy định pháp luật, gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Đây là số tiền thiệt hại đặc biệt lớn.

Hành vi phạm tội của các bị cáo đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương, làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước, gây dư luận xấu cho xã hội và mất niềm tin đối với nhân dân. Do vậy, việc đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo, các luật sư, bị cáo đã đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ, phân tích các tình tiết có liên quan nhằm giảm nhẹ mức độ, hậu quả hành vi vi phạm của các bị cáo.

TTXVN

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/tin-tuc/gay-thiet-hai-300-ty-dong-cuu-chu-tich-ubnd-tinh-binh-thuan-bi-de-nghi-6-7-nam-tu-812075
Zalo