Gấp rút xóa nhà tạm, hướng tới cuộc sống bền vững cho người dân

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là trách nhiệm từ trái tim, giúp người dân 'an cư lạc nghiệp'. Các địa phương đều đang trong giai đoạn nước rút để hiện thực hóa mục tiêu không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Huy động nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Các đại biểu ủng hộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Các đại biểu ủng hộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Ngày 16/5, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát và phát động phong trào chung tay tiếp tục ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lai Châu Sùng A Hồ phát động, kêu gọi cộng đồng với tấm lòng nhân ái, chung tay, góp sức xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ khó khăn về nhà ở với tinh thần “người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, có gì giúp nấy”. Ngay tại hội nghị, 28 doanh nghiệp đăng ký ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát với số tiền gần 4 tỷ đồng.

Tại Lai Châu, tính đến ngày 14/5 đã có 6.384/7.489 căn nhà được triển khai, đạt hơn 85%. Trong đó, có 3.249 căn đã hoàn thành, đang triển khai 3.135 căn.

Tổng nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tỉnh là 7.489 căn (6.212 căn xây mới, 1.277 căn sửa chữa) tương đương kinh phí thực hiện 411 tỷ đồng. Trong 6 tháng triển khai đã huy động được hơn 392 tỉ đồng; phân bổ gần 383 tỉ đồng. Tổng kinh phí còn thiếu là 18,6 tỉ đồng, tương ứng 430 căn. Tỉnh đang tích cực triển khai để hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát như kế hoạch đề ra trước ngày 25/6.

Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh gặp khó khăn. Một số hộ kinh tế rất khó khăn, khó có điều kiện để đối ứng thêm vì mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ không đủ để xây dựng nhà. Đa số các hộ ở xa trung tâm, ở nơi núi cao, đường sá hiểm trở, phải vận chuyển vận liệu bằng xe máy. Lai Châu đang vào mùa mưa nên rất khó khăn trong khâu vận chuyển vật liệu, giá vật liệu xây dựng tăng cao...

Ngay tại hội nghị, có 28 doanh nghiệp đăng ký ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với số tiền gần 4 tỷ đổng. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Ngay tại hội nghị, có 28 doanh nghiệp đăng ký ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với số tiền gần 4 tỷ đổng. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương cảm ơn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã và đang đồng hành cùng tỉnh trong xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát. Lãnh đạo tỉnh mong muốn, các tổ chức, cá nhân tiếp tục ủng hộ địa phương trong cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Lai Châu quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát còn lại trong toàn tỉnh; hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, đảm bảo an toàn cho các hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đảm bảo mọi người dân có nơi ở ổn định

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua “Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2025”. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua “Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2025”. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Tỉnh ủy Bình Phước tổng kết Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh năm 2025. Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh, không dừng lại ở việc “về đích sớm”, địa phương xác định, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là một đợt cao điểm mà một “quá trình bền bỉ” đảm bảo mọi người dân có nơi ở ổn định, an toàn, nền tảng cho an cư lạc nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian tới, Bình Phước tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách hộ khó khăn về nhà ở, đặc biệt là những hộ từng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở các dự án nhiều năm trước đây (Chương trình 134, 135, 167...) nhưng nhà đã xuống cấp, hư hỏng nặng, để có phương án hỗ trợ sửa chữa, xây mới kịp thời…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, tỉnh đã xóa 765 căn nhà tạm, nhà dột nát, với tổng kinh phí hơn 65,4 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, Chương trình nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân.

Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà. Nhiều địa phương, đơn vị tích cực chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện ở tất cả khâu như rà soát, phân loại đối tượng để giao trách nhiệm cho từng ngành, đoàn thể; kết nối giữa đơn vị tài trợ với hộ có nhu cầu...

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh (bên phải) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua “Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2025”. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh (bên phải) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua “Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2025”. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Cán bộ cơ sở nắm chắc địa bàn, hiểu hoàn cảnh từng hộ dân, xác định đúng khó khăn, vướng mắc để tham mưu và đưa ra giải pháp thiết thực, phù hợp. Do đó, đến ngày 30/4, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát của Bình Phước đã về đích sớm hơn 6 tháng so thời gian phát động của Thủ tướng Chính phủ.

Dịp này, 15 tập thể, 23 cá nhân đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2025”.

Hướng tới cuộc sống bền vững cho người dân

Tỉnh Gia Lai đang tích cực triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với quyết tâm cao nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình có công với cách mạng.

Tính đến ngày 15/5, tỉnh khởi công xây dựng và sửa chữa 7.424 căn nhà tạm, nhà dột nát, đạt hơn 91% kế hoạch. Trong số này, 4.533 căn nhà được hoàn thiện và bàn giao cho người dân, đạt 55,6% kế hoạch. Trong đó, có 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch gồm: Thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, các huyện Đăk Pơ, Đức Cơ, Krông Pa và Phú Thiện. Nhiều địa phương đạt tỷ lệ xóa nhà tạm, nhà dột nát cao như, huyện Mang Yang hoàn thành 707 căn (đạt trên 85%), Krông Pa 404 căn (73,3%), Chư Pưh 437 căn (46,5%).

Mỗi căn nhà đều đạt diện tích tối thiểu 36m2 theo quy định. Nhiều hộ dân đã đối ứng thêm kinh phí để mở rộng diện tích nhà, đồng thời xây dựng thêm sân, hàng rào và các công trình phụ trợ khác nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Gia Lai là nhiệm vụ quan trọng, được các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể và người dân đồng hành thực hiện. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo sát sao, tăng cường giám sát và đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình có công, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, đúng đối tượng.

Các cấp chính quyền tập trung huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân và cộng đồng để triển khai hiệu quả chương trình. Các địa phương đã có nhiều sáng kiến nhằm phối hợp với doanh nghiệp vật liệu xây dựng giảm giá, hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho người dân và biện pháp giám sát chặt chẽ để tránh sai sót, đảm bảo chương trình đạt hiệu quả thiết thực.

Các địa phương chú trọng tư vấn thiết kế nhà phù hợp điều kiện kinh tế, khí hậu, phong tục tập quán nhằm đảm bảo sự bền vững, thân thiện môi trường... Gia Lai đặt mục tiêu hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Chương trình góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Gia Lai đang bước vào giai đoạn nước rút để hiện thực hóa mục tiêu không còn nhà tạm, nhà dột nát, tạo dựng môi trường sống an toàn, ổn định cho hơn 8.000 hộ dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Nhật Bình - Nguyễn Oanh - Hồng Điệp (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/gap-rut-xoa-nha-tam-huong-toi-cuoc-song-ben-vung-cho-nguoi-dan-20250516140954413.htm
Zalo