Gấp rút trở lại nhịp công việc sau Tết

Người xưa hay truyền lại câu nói 'Tháng Giêng là tháng ăn chơi'. Điều này hoàn toàn phù hợp với lịch thời vụ thuở ấy, khi đồng áng rảnh rang, ngày Tết kéo dài đủng đỉnh. Nhưng nhịp sống hiện đại đã biến câu nói ấy trở thành dĩ vãng. Tết có dùng dằng ở lại trong tâm trí, cũng đành phải rời đi sớm, nhường chỗ cho bao công việc bộn bề thúc giục con người.

Với người lao động hưởng thu nhập theo ngày công như chị Phạm Thị Phượng (52 tuổi, ngụ xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên), nghỉ Tết ngày nào đồng nghĩa với việc mất thu nhập ngày ấy. Những ngày giáp Tết, chị và đồng nghiệp tất bật “tăng ca”, vì nhu cầu dọn dẹp nhà cửa của người dân rất lớn. Đây là nguồn thu nhập chị chờ đợi nhất trong năm. Gánh nặng gia đình nhiều miệng ăn, trong khi công việc làm thuê “bữa trúng bữa thất”, chị quyết định “ăn Tết” gói ghém nhất có thể. “Nghỉ ở nhà 1 - 2 hôm chuẩn bị cúng giao thừa được rồi, coi như đã có Tết. Từ mùng 1, tôi đăng ký với công ty, xin trực vệ sinh tại một chung cư. Như vậy, vừa có thêm thu nhập, vừa không lãng phí thời gian trống. “Khởi đầu” này hy vọng sẽ giúp cả năm sắp tới của tôi luôn có việc làm, thu nhập ổn định” - chị bày tỏ.

Chừng chục năm trước, nhà nhà phải tích trữ lương thực, bánh trái mấy ngày đầu năm, vì ngoài chợ, hàng quán đóng cửa im ỉm. Sau nhiều biến cố cuộc sống, từ suy thoái kinh tế, đến dịch bệnh, việc ít người đông… tâm lý của người dân đã bớt chủ quan hơn, bớt “hưởng thụ” hơn. Thay vào đó, họ chắt chiu lao động, tranh thủ tìm thêm thu nhập, kể cả lễ, Tết. Rất nhiều nơi quyết định “bán xuyên Tết”, tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/món hàng. Tư duy ấy giúp người bán chiếm được “thị phần” khách hàng du Xuân đông đảo. Người tiêu dùng không quan tâm phần tăng giá nhỏ lẻ, miễn sao có dịch vụ ăn uống, vui chơi đáp ứng nhu cầu của họ trong mấy ngày Tết. Anh Tấn (49 tuổi, chủ quán cơm ở đường Hà Hoàng Hổ, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Ngày thường, buôn bán có khi đắt khi ế, vì quá nhiều tiệm cạnh tranh nhau. Nhưng ngày Tết, chịu khó mở cửa thì khách rất đông, bán không kịp thở. Tôi động viên người nhà, có tiền đầu năm như vậy coi như là “ăn Tết xôm tụ” rồi. Chúng tôi ráng duy trì nhịp mua bán này, đợi tới rằm tháng Giêng nghỉ xả hơi bù lại”.

Theo lịch nghỉ Tết đã được Văn phòng Chính phủ công bố, người lao động khối Nhà nước được nghỉ dịp Tết từ ngày 25/1 (tức ngày 26 tháng Chạp) đến hết ngày 2/2 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng). Đợt nghỉ này bao gồm 5 ngày nghỉ Tết âm lịch và 4 ngày nghỉ hàng tuần. Cơ quan, đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định thứ 7 và chủ nhật hàng tuần sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể để bố trí lịch nghỉ phù hợp, đúng quy định của pháp luật. Đối với người lao động doanh nghiệp tư nhân, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn nhiều phương án nghỉ Tết, miễn sao đủ 5 ngày; khuyến khích áp dụng thời gian nghỉ Tết như quy định đối với công chức, viên chức. Nắm bắt lịch nghỉ Tết này, nhiều cơ sở dịch vụ, sản xuất - kinh doanh cũng “nghỉ Tết” tương tự. Đến ngày 3/2 (mùng 6 Tết), khi cơ quan Nhà nước làm việc, gần như mọi cơ sở đồng loạt khai trương, đưa nhịp sống, lao động trở lại bình thường.

Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm nay là một kỳ nghỉ Tết rất đặc biệt. Nếu cơ sở tư nhân, kinh doanh hộ gia đình sớm kết thúc kỳ nghỉ vì áp lực kinh tế, thì khối Nhà nước nghỉ ít ngày, chuẩn bị đối mặt với áp lực “vừa chạy vừa xếp hàng”. Tại Chỉ thị 45/CT-TTg, ngày 18/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: “Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ tháng đầu năm, nhất là thực hiện đúng tiến độ việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng tốc, bứt phá thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025”.

Cận Tết, Ban Chấp hành Trung ương họp bàn, quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến tinh gọn tổ chức bộ máy. Vừa hết Tết, Quốc hội họp bàn thông qua các vấn đề này. Ngay sau đó, Tỉnh ủy, UBND cấp tỉnh phải đảm bảo công bố các quyết định về tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn (cấp tỉnh, huyện) để hoạt động ngay, không có khoảng trống pháp lý; phải liên tục, hiệu lực, hiệu quả. Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp đồng bộ với việc hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ; công bố quyết định liên quan trong khoảng ngày 18 đến 20/2/2025. Các mốc thời gian rất sít sao, gần như không thể “thong thả”, chậm rãi “bắt nhịp sau Tết” như thông lệ hàng năm nữa.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc từng tổ chức, cá nhân phải tự “lên dây cót”, chủ động nắm chắc công việc sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền. Chờ đón chúng ta là những điều rất mới mẻ, rất khó khăn, nhưng cũng rất ý nghĩa, đánh dấu thời khắc “quá độ” vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/gap-rut-tro-lai-nhip-cong-viec-sau-tet-a414484.html
Zalo