Gấp rút sửa luật phục vụ tinh gọn bộ máy

Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý để sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, mô hình tổ chức chính quyền địa phương cũng được đề xuất thay đổi theo hướng này.

Phiên họp của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về “Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”

Phiên họp của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về “Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”

Phân định, khái quát hóa các nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ

Theo dự kiến, cuối tháng 2/2025, Quốc hội sẽ họp bất thường để sửa các luật phục vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, trong đó có Luật Tổ chức Chính phủ.

Mục tiêu ban hành luật là nhằm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Việc này tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiêu lực, hiệu quả”, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của bộ máy hành chính nhà nước; phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một trong những chính sách quan trọng của lần sửa đổi này là hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật), Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Nội dung này đã được thể chế hóa trong Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành. Tuy nhiên, việc chưa phân định rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ dẫn đến một số quy định còn chưa đủ rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc xác định thẩm quyền của tập thể Chính phủ và cá nhân người đứng đầu Chính phủ.

Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của các ngành, lĩnh vực, ảnh hưởng đến quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành và địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy

- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội; 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 3.642 văn bản cấp bộ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan đề nghị khẩn trương tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và phương án cụ thể (có thể áp dụng hình thức một luật sửa nhiều luật hoặc trình Quốc hội ban hành nghị quyết về các nội dung cần xử lý) để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình. Cần chuẩn bị kỹ lưỡng để ngay sau Hội nghị Trung ương, kịp hoàn thiện, trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường cuối tháng 2/2025, đảm bảo chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.

Giải pháp được đề xuất là hoàn hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ phù hợp với chức năng của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, bảo đảm đề cao tính chủ động, sáng tạo, tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công cụ kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia.

Dự thảo Tờ trình (kèm theo Dự thảo Luật được công bố lấy ý kiến nhân dân) nêu rõ, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, thì nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ chủ yếu tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ. Tuy nhiên, qua rà soát 257 luật chuyên ngành, có 152/257 luật đang quy định nhiệm vụ và thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, thì trong đó, Thủ tướng Chính phủ được giao quyết định rất nhiều quyền hạn cụ thể.

Vì vậy, Dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng phân định và khái quát hóa các nhóm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Chủ tịch nước và nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ.

Đồng thời, Ban Soạn thảo đề xuất chuyển các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đang giao Thủ tướng Chính phủ sang cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, bảo đảm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ theo tinh thần đẩy mạnh phân cấp của Thủ tướng Chính phủ (các vấn đề quan trọng, liên ngành đang giao Thủ tướng Chính phủ sẽ được chuyển Chính phủ thống nhất quản lý).

Đáng chú ý, Dự thảo đã bỏ quy định tại Điều 40 của Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành về cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Việc này để hoàn thiện các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy của Chính phủ theo hướng Chính phủ chủ động trong việc quyết định sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Không tổ chức hội đồng nhân dân ở đô thị

Cùng với Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) thể hiện rõ tinh thần sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian.

Theo Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Luật quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng: đối với đơn vị hành chính đô thị, không tổ chức cấp chính quyền (không tổ chức HĐND), mà chỉ tổ chức chính quyền địa phương là UBND tại quận, phường, thị trấn.

Đối với đơn vị hành chính nông thôn, không tổ chức cấp chính quyền (không tổ chức HĐND), mà chỉ tổ chức chính quyền địa phương là UBND tại xã. Đối với các đơn vị hành chính ở hải đảo, thì các huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc.

Với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Dự thảo quy định tổ chức chính quyền địa phương do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.

“Quy định tại Dự thảo nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu phân biệt chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và thống nhất với nguyên tắc tăng cường thẩm quyền của chính quyền địa phương cấp tỉnh, giảm dần về cấp cơ sở, cấp cơ sở chỉ là cấp tổ chức thực thi pháp luật”, Dự thảo Tờ trình nêu rõ.

Về phân quyền, điểm mới đáng chú ý là, Dự thảo Luật bổ sung quy định: trong trường hợp cần thiết, để giải quyết yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phòng chống thiên tai, dịch bệnh, Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh nội dung phân quyền cho chính quyền địa phương khác với quy định của luật. Việc này nhằm bảo đảm tính linh hoạt, hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung số lượng lớn các luật hiện hành đang quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp trong các ngành, lĩnh vực khác với các nguyên tắc tại luật này.

Cạnh đó, Dự thảo Luật mở rộng chủ thể được phân cấp, ủy quyền và chủ thể nhận phân cấp, ủy quyền nhằm tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Dự thảo cũng quy định chặt chẽ các điều kiện thực hiện phân cấp, ủy quyền, các trường hợp không phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của cơ quan phân cấp, ủy quyền phải bảo đảm các điều kiện để cơ quan nhận phân cấp, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ nhằm hạn chế việc phân cấp, ủy quyền tràn lan.

Sửa Luật Tổ chức Quốc hội và các luật liên quan trong tháng 2/2025

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 1339/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch Sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan

của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến trong phiên họp tháng 2/2025, sau đó trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 (cuối tháng 2/2025).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chỉ đạo rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan để bảo đảm thống nhất với quy định được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gap-rut-sua-luat-phuc-vu-tinh-gon-bo-may-d238938.html
Zalo