Gấp rút mở rộng đường kết nối

TPHCM và tỉnh Bình Dương (cũ) đã chính thức hợp nhất, nhưng thực tế việc kết nối hạ tầng giữa 2 khu vực này những năm qua vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu di chuyển của người dân.

Mặc dù có vị trí địa lý liền kề và được kết nối bởi nhiều tuyến quốc lộ như 1A, 1K, 13 cùng nhiều đường khác nhưng hầu hết đều quá tải, thường xuyên ùn tắc, nhất là khi xảy ra các sự cố giao thông. Nhu cầu mở rộng các tuyến đường này cũng như mở các tuyến đường mới đang cấp bách hơn bao giờ hết.

Quốc lộ 1A đoạn qua phường Thủ Đức, Dĩ An (TPHCM mới) liên tục quá tải. Ảnh: Đ.Xá

Quốc lộ 1A đoạn qua phường Thủ Đức, Dĩ An (TPHCM mới) liên tục quá tải. Ảnh: Đ.Xá

Dù chưa có thống kê chính thức, tuy nhiên nhu cầu di chuyển ở khu vực này sẽ tăng thêm nhiều khi hợp nhất, kéo theo đó là áp lực giao thông thời gian tới sẽ tăng lên. Hiện nay, nhu cầu di chuyển đã rất lớn, với chủ yếu là nhóm phương tiện xe tải, xe container từ khu vực cảng Cát Lái (TPHCM) về các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương cũ.

Anh Nguyễn Văn Phước, một tài xế xe tải cho biết mỗi tháng vài lần anh đều di chuyển từ phường Mỹ Phước (TPHCM) tới khu vực cảng Cát Lái (phường An Khánh, TPHCM) chừng 50 km nhưng phải mất từ 4-5 giờ đồng hồ, thậm chí có ngày còn hơn. “Nếu di chuyển ban đêm hay trời mưa, phương tiện ít thì chỉ cần 2 giờ đồng hồ thôi. Nhưng bình thường thì mất gấp đôi thời gian đó, hay nhiều hơn nữa nếu có sự cố trên đường. Trong đó di chuyển cực nhất là đoạn đường ở khu vực Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, quốc lộ 1A đoạn giáp Thủ Đức, Dĩ An… Mà không chỉ riêng tôi đâu, anh em tài xế khác cũng than lắm. Đường chật mà xe đông nên di chuyển mất thời gian là điều bình thường mà”, anh Phước chia sẻ. Theo tài xế này, với đặc thù xe tải, container thường chở hàng hóa năng nên khi di chuyển qua các tuyến đường đô thị đông đúc, nhiều đèn tín hiệu giao thông sẽ dễ bị ùn ứ.

Thực tế, vài năm trước TPHCM đã có kế hoạch nâng cấp, cải tạo các tuyến đường quốc lộ nối với Bình Dương cũ. Trong đó quan trọng nhất là quốc lộ 13 do có bến xe miền Đông cũ, mật độ phương tiện nhiều. Theo đó, dự án với tổng nguồn vốn gần 21.000 tỉ đồng để nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 13 trên địa bàn Thủ Đức lên 10 làn xe bằng nguồn vốn BOT kết hợp ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, dự án mở rộng quốc lộ 1K hay quốc lộ 1A ở khu vực này cũng đang trong quá trình lên kế hoạch nhưng chưa thể khởi công.

Trong khi đó, một số chuyên gia hạ tầng cho rằng, mở rộng quốc lộ 13 là vô cùng cần thiết bởi đây là trục đường kết nối trung tâm TPHCM và khu vực Bình Dương, Thủ Dầu Một và xa hơn là Bình Phước, Tây Nguyên. Tuy nhiên, đây là giải pháp ngắn hạn, về cơ bản thì các tuyến đường Vành đai mới có thể giải quyết triệt để tình trạng này. Trong đó kỳ vọng nhất là tuyến đường Vành đai 3 TPHCM đang chuẩn bị hoàn thành, dự kiến thông xe kỹ thuật vào tháng 12/2025 đi qua khu vực cảng, cao tốc, các cụm công nghiệp ở TPHCM mới.

Với quy mô đường cao tốc, đường Vành đai 3 TPHCM dự kiến sẽ giúp các phương tiện xe tải, container, ô tô di chuyển từ các khu vực này tới khu vực khác mà không đi qua các tuyến đường dân sinh đông đúc cư dân, nhiều đèn giao thông. Ngoài đường Vành đai 3 TPHCM thì cách đây ít ngày, đường Vành đai 4 TPHCM đoạn qua Bình Dương cũ cũng đã khởi công, mang tới nhiều kỳ vọng về việc giải quyết hạ tầng khu vực này. Khác với việc nâng cấp mở rộng trục đường quốc lộ sẵn có, đường Vành đai sẽ mang tới sự thay đổi sâu rộng về hạ tầng giao thông, được coi như trục “xương sống” của TPHCM mới vì có thể kết nối nhiều khu vực khác nhau. Ngoài ra, các đường Vành đai 3 và 4 TPHCM đều kết nối trực tiếp với các quốc lộ hiện hữu ở khu vực này, giúp tăng hiệu quả khai thác trong thời tới.

Thời gian tới, với sự thay đổi đáng kể trong quy hoạch cũng như cơ chế đặc thù, kỳ vọng về những dự án hạ tầng mới để giải quyết dứt điểm tình trạng này là điều nhiều người dân mong chờ.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gap-rut-mo-rong-duong-ket-noi-10309417.html
Zalo