Gấp rút hoàn thiện quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai
Chính phủ đã ban hành 3 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Các nghị định còn lại đang được hoàn thiện, chờ Thủ tướng ký ban hành.
Sáng 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Sau khi được Quốc hội thông qua, các luật về bất động sản nêu trên sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh, việc sớm đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào cuộc sống là phù hợp với chủ trương của Đảng, khắc phục những tồn tại hạn chế, nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Đồng thời, việc sớm đưa các luật này đi vào cuộc sống cũng tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư công, dự án bất động sản, nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, đối với Luật Đất đai, sau khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định ban hành kế hoạch triển khai thi hành, phân công các bộ, ngành địa phương chủ trì soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành luật.
Đến nay Chính phủ đã ban hành 3 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, gồm các nghị định quy định về hoạt động lấn biển, giá đất và bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Các nghị định còn lại đã được Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, NN&PTNT triển khai theo đúng quy định của luật. Dự thảo cũng đã được lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương, đối tượng chịu sự tác động và đã có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, rồi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Hiện nay các nghị định này đang được hoàn thiện, chờ Thủ tướng ký ban hành.
Đối với các quyết định của Thủ tướng, thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ cũng đã được xây dựng, đến nay đang được gấp rút hoàn thiện và sẽ được triển khai đồng bộ sau khi các nghị định được Thủ tướng ký ban hành.
Các địa phương cũng được giao ban hành một số nội dung như đơn giá bồi thường thực tế nhà ở, cây trồng, vật nuôi, quy định mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, mức hỗ trợ tái định cư, hạn mức giao đất ở, nhận chuyển nhượng sử dụng đất…
“Hiện nay các địa phương cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, rà soát, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024”, bà Nguyễn Thị Phương Hoa thông tin.
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ, không có tranh chấp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định, từ trước đến nay, Luật Đất đai đã quy định rất cụ thể về loại đất này.
“Về nguyên tắc, nếu như đất sử dụng ổn định, tùy theo từng thời điểm thì có thể đương nhiên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng phải phù hợp với quy hoạch”, bà Phương Hoa phân tích.
Ngoài ra, theo bà, cũng có thể có trường hợp trong diện “được xem xét” để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguyên tắc này vẫn không thay đổi trong Luật Đất đai, từ 2003, đến 2013 và cho đến nay vẫn giữ như vậy.
“Tất cả các trường hợp này sẽ được xem xét để được cấp giấy chứng nhận. Còn cụ thể ra sao sẽ phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Với đất sử dụng ổn định từ năm 1993, hoặc trước 1/7/2014, các quy định trong luật rất cụ thể, từng trường hợp một sẽ phải áp vào đó để xem mình thuộc trường hợp nào”, Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.