Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt nên bên cạnh những giải pháp quyết liệt, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Công điện số 60/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

9 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2025 chưa như kỳ vọng, chỉ ước đạt 15,56% kế hoạch - thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%).

Đến nay, 24 bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp dưới mức trung bình cả nước. Đặc biệt, 9 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân; 15 bộ, cơ quan trung ương giải ngân dưới 5%; 12 địa phương giải ngân dưới 10%.

Một số bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân trên 20%: Tổng LĐLĐ Việt Nam (86,43%), Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%), Bộ Công an (27,24%), Hội Liên hiệp Phụ nữ (20,66%). Các địa phương giải ngân trên 30%: Phú Thọ (44,39%), Lào Cai (43,45%), Thanh Hóa (39,147%), Hà Nam (38,44%), Bắc Kạn (32,61%), Hà Tĩnh (31,88%)…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có giải pháp linh hoạt, sáng tạo để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là dự án giao thông, để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong ảnh: Dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội. Ảnh: MINH THANH

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có giải pháp linh hoạt, sáng tạo để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là dự án giao thông, để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong ảnh: Dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội. Ảnh: MINH THANH

Một số địa phương có kết quả giải ngân thấp là: Khánh Hòa, Cao Bằng, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, Quảng Trị...

Về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính nhận định Luật Đầu tư công 2024 thiếu hướng dẫn cụ thể trong việc lập dự toán và thẩm định nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, gây lúng túng khi triển khai. Việc xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn - đặc biệt ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường - gặp trở ngại do thiếu định mức rõ ràng.

Bên cạnh đó, các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công và Luật Đất đai 2024 còn nhiều nội dung chưa rõ, ảnh hưởng việc giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án. Một số bộ, cơ quan phân bổ vốn cho dự án chưa đủ điều kiện, như thiếu quyết định đầu tư hoặc vượt tổng mức phê duyệt, đòi hỏi điều chỉnh. Ngoài ra, việc sắp xếp tổ chức bộ máy cũng ảnh hưởng nhất định đến tiến độ một số dự án.

Điều chuyển vốn sang dự án giải ngân tốt

Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 cho các bộ, ngành, địa phương là 825.922 tỉ đồng. Để đạt mục tiêu này, Bộ Tài chính đề xuất nhiều giải pháp quyết liệt.

Theo đó, đối với vốn đã phân bổ, các cơ quan cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Với số vốn chưa phân bổ chi tiết, sau ngày 15-3 sẽ thu hồi để bố trí cho các dự án cấp bách. Các dự án lớn, phức tạp, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công trách nhiệm rõ ràng và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành.

Tại Công điện 60, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ngân sách năm 2025 trước ngày 15-5; bảo đảm trọng tâm, không dàn trải, đúng quy định pháp luật. Các giải pháp linh hoạt, sáng tạo cần được áp dụng để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; đồng thời bảo đảm chất lượng, tránh thất thoát, tiêu cực.

Các địa phương cần xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo tháng, quý; đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc về đất đai, tài nguyên. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường; điều chuyển vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án có khả năng giải ngân tốt.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu đẩy nhanh thủ tục tạm ứng, chuẩn bị vật tư, nghiệm thu và hoàn thiện hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn.

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng Ban Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Cục Thống kê - Bộ Tài chính), nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần có phương án bảo đảm vật liệu xây dựng như đất, đá, cát, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các dự án, nhất là dự án giao thông quan trọng quốc gia và liên vùng. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực cần thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng chủ yếu để phục vụ đầu tư công.

Xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân

Tại Công điện 60, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có chế tài xử lý nghiêm theo quy định đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến hết ngày 15-3 vẫn chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn được giao, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra chậm trễ theo đúng quy định.

TP HCM triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tính đến cuối tháng 4-2025, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố mới chỉ đạt tỉ lệ 7,9%, chưa như yêu cầu đề ra.

Để bảo đảm giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025, Sở Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND TP HCM chỉ đạo, quán triệt và tập trung thực hiện nhiều giải pháp, nhiệm vụ.

Trong đó, tập trung giải quyết thủ tục đầu tư các dự án có khả năng đẩy nhanh để giải ngân được số vốn lớn, như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22; Nâng cấp đường trục Bắc - Nam từ đường Nguyễn Văn Linh đến tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13…

Bên cạnh đó, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP HCM về rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đối với các dự án đầu tư công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ vì lý do chủ quan.

P.Anh

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gap-rut-giai-ngan-von-dau-tu-cong-196250511221911144.htm
Zalo