Gấp rút đào tạo nhân lực vận hành đường sắt

Với hai dự án đường sắt quan trọng gồm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt Việt Nam sẽ cần hơn 16.000 nhân lực phục vụ cho vận hành và bảo trì.

Mở rộng liên kết đào tạo

Đầu tháng 6/2025, Trường Cao đẳng Đường sắt (thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - VNR) đã khai giảng các khóa học đầu tiên liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho đường sắt tốc độ cao. Tham dự khóa học gồm 200 học viên là công nhân, kỹ thuật viên đang công tác tại các doanh nghiệp bảo trì cầu đường, thông tin tín hiệu thuộc hệ thống đường sắt.

Cao đẳng Đường sắt Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo với nhiều cơ sở giáo dục đường sắt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Cao đẳng Đường sắt Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo với nhiều cơ sở giáo dục đường sắt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Anh Thân Tuấn Đức, kỹ sư thuộc Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội - một trong những học viên tham gia khóa học chia sẻ: "Tôi từng được tập huấn với KOICA năm 2018 nhưng chỉ là kiến thức cơ bản. Khóa học lần này kéo dài 6 tháng, trong đó có 3 tháng học tại Việt Nam và 3 tháng học chuyên sâu tại Học viện Đường sắt Liễu Châu (Trung Quốc). Được tiếp cận công nghệ hiện đại trong lĩnh vực mà trước đây vốn quen với thiết bị cũ kỹ, tôi vừa hồi hộp vừa hào hứng".

Theo TS Trương Trọng Vương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đường sắt, khóa đào tạo đầu tiên tập trung vào hai chuyên ngành chính: thông tin tín hiệu đường sắt và công trình đường sắt tốc độ cao, nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản cho học viên để phục vụ công tác thi công và bảo trì đường sắt hiện đại. Sau giai đoạn này, nhà trường dự kiến tiếp tục đào tạo các vị trí quan trọng khác như lái tàu, điều độ viên...

Cùng với hợp tác với Học viện Đường sắt Liễu Châu, nhà trường đang tiếp tục mở rộng liên kết đào tạo với các cơ sở uy tín tại Hàn Quốc, Nhật Bản để bổ sung nhân lực có trình độ cao cho toàn ngành.

Cán bộ kỹ thuật là lực lượng nòng cốt

Ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Ninh cho biết, đơn vị đã chủ động rà soát và cử 11 cán bộ kỹ sư tham gia khóa đào tạo đường sắt tốc độ cao. Mỗi học viên được đào tạo với tổng chi phí khoảng 173 triệu đồng, cộng với chi phí ăn ở, sinh hoạt khoảng 10 triệu đồng/tháng, khiến công ty phải bố trí nguồn kinh phí trên 3 tỷ đồng cho đợt đào tạo này.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, giai đoạn 2025-2030, toàn ngành cần khoảng 338.000 lao động, trong đó có gần 9.200 nhân sự quản lý dự án và gần 13.000 nhân sự tư vấn. Việc đào tạo bài bản đội ngũ kỹ sư là yếu tố then chốt bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình.

TS Cù Việt Hưng, Trưởng khoa Cầu đường, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, từ năm 2025, trường chính thức tuyển sinh ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Chuyên ngành mới tại trường sẽ đào tạo trong 4,5 năm, cấp bằng kỹ sư, trang bị đầy đủ kiến thức từ nền tảng đến chuyên sâu. Đây là chuyên ngành đầu tiên tại Việt Nam tập trung đào tạo kỹ sư phục vụ các công trình đường sắt có tính phức tạp cao, đón đầu các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hệ thống metro Hà Nội và TP.HCM.

Trước đó, trường đã khai giảng lớp kỹ sư văn bằng 2 ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông - chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị cho 35 học viên.

"Dù áp lực tài chính lớn nhưng đây là khoản đầu tư cần thiết. Những người được cử đi học sẽ trở thành lực lượng cốt cán, tiếp tục đào tạo lại cho toàn bộ đội ngũ hiện hữu. Nếu không đào tạo từ bây giờ, khi dự án khởi công sẽ không thể có người đủ trình độ để tham gia thi công và bảo trì", ông Sơn khẳng định.

Trong lĩnh vực thông tin tín hiệu, ông Bùi Đình Sỹ, Giám đốc Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội, cho biết đơn vị đã cử 16 người, phần lớn là kỹ sư kỹ thuật trực tiếp, tham gia khóa học để tiếp cận kiến thức về điện, tín hiệu, và các hệ thống điều khiển hiện đại.

Tuy nhiên, theo ông Sỹ, chi phí quá lớn khiến việc đào tạo đang gặp nhiều khó khăn. Chỉ riêng khóa học đầu tiên, công ty đã phải chi hơn 2 tỷ đồng, chưa kể các chi phí phụ trợ. Ông kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đường sắt hiện đại, thay vì để các doanh nghiệp tự xoay xở trong khi tiềm lực tài chính còn hạn chế.

Xây dựng lộ trình bài bản

Theo VNR, trong giai đoạn 2025 - 2035, tổng nhu cầu nhân lực để vận hành, bảo trì và khai thác hai dự án đường sắt lớn nêu trên là trên 16.000 người.

Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ việc quản lý, khai thác, vận hành và bảo trì các tuyến đường sắt là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách.

Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ việc quản lý, khai thác, vận hành và bảo trì các tuyến đường sắt là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách.

Trong số này, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần 13.800 lao động. Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cần 2.400 lao động. Các tổ hợp sản xuất công nghiệp đường sắt cần khoảng 3.400 lao động.

Dựa trên báo cáo tiền khả thi đã trình các cấp có thẩm quyền, VNR đã xây dựng chi tiết kế hoạch nhân sự cho 11 nhóm chức danh công việc liên quan đến quản lý, vận hành, bảo trì. Trong đó, chỉ riêng đội ngũ lái tàu, trưởng tàu, điều độ viên, nhân viên bảo trì tín hiệu, cầu đường, điện lực... đã lên tới hàng nghìn người. Ngoài ra, còn cần khoảng 255 giảng viên đào tạo để xây dựng đội ngũ nhân sự kế cận.

VNR cũng đề xuất lộ trình đào tạo thành 2 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu (2026 - 2032), thực hiện đào tạo chuyển đổi nhân sự có kinh nghiệm hiện nay trong ngành đường sắt sang lĩnh vực đường sắt hiện đại.

Giai đoạn vận hành ổn định (từ 2030 - 2035 trở đi) sẽ đào tạo bài bản đội ngũ mới theo mô hình chuyên sâu và cấp bằng quốc tế.

Để bảo đảm chất lượng và tính sẵn sàng, VNR xác định ưu tiên tuyển chọn nhân sự từ nguồn lực nội bộ đang làm việc tại các tuyến đường sắt hiện hữu. Những vị trí then chốt như lái tàu, trưởng tàu, nhân viên điều độ, kỹ sư bảo trì… sẽ được lựa chọn từ những người có kinh nghiệm, hồ sơ an toàn tốt, ý thức kỷ luật cao, sau đó được đào tạo chuyên sâu và sát hạch nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế.

VNR cũng tính đến việc phối hợp với các đơn vị nước ngoài chuyển giao công nghệ, thiết bị đào tạo về Việt Nam trước khi đưa học viên ra nước ngoài học thực tế. Cách làm này giúp giảm chi phí đào tạo, đồng thời xây dựng được năng lực đào tạo nội địa, tăng tính chủ động và bền vững.

Cần hơn 10.700 tỷ đồng đào tạo nhân lực

Theo tính toán sơ bộ, để đào tạo hơn 16.000 nhân lực kỹ thuật chuyên sâu, VNR cần khoảng 10.765 tỷ đồng. Khoản kinh phí này đã được tính toán trong tổng mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên, phương án triển khai cụ thể hiện vẫn đang chờ Chính phủ phê duyệt.

Lãnh đạo VNR cho biết đã kiến nghị Chính phủ cho phép không tính kinh phí đào tạo vào khoản vay lại của doanh nghiệp khai thác mà xác định là chi phí phục vụ nhiệm vụ bảo trì hạ tầng được Nhà nước giao.

Việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho các dự án đường sắt hiện đại không thể làm trong ngày một ngày hai. Đào tạo một kỹ sư, một lái tàu hay một chuyên viên bảo trì có thể mất từ 3 - 5 năm, đòi hỏi đầu tư lớn và có chiến lược rõ ràng.

Thực tiễn từ các doanh nghiệp trong ngành cho thấy, nếu không bắt đầu từ bây giờ, khi các dự án chính thức khởi công (dự kiến cuối năm 2025) sẽ rất khó có lực lượng đủ năng lực tham gia thi công và vận hành.

"Đường sắt tốc độ cao và đường sắt điện khí hóa không chỉ là cú hích hạ tầng, mà còn là bước chuyển lớn về mặt công nghệ, quản trị và con người. Muốn "đón đầu", ngành đường sắt phải hành động ngay từ hôm nay, với sự chung tay từ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý", lãnh đạo VNR chia sẻ.

Đồng loạt triển khai GPMB 2 dự án đường sắt ngày 19/8

Ngày 9/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng chỉ đạo tổ chức ra quân đồng loạt triển khai giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam vào dịp 19/8/2025 để hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2026.

Kỳ Nam

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/gap-rut-dao-tao-nhan-luc-van-hanh-duong-sat-192250715213251839.htm
Zalo