Gặp người giữ hồn văn hóa Mơ Nâm ở Kon Tum

Qua mấy mươi năm giữ 'vốn liếng' Mơ Nâm, nghệ nhân A Lễ đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Niềm hân hoan Mơ Nâm

Nghệ nhân ưu tú A Lễ. Ảnh: Tiêu Dao

Nghệ nhân ưu tú A Lễ. Ảnh: Tiêu Dao

Cất chiếc điện thoại vào túi áo sau cuộc gọi đến từ khách hàng, nghệ nhân ưu tú người Xê Đăng (nhánh Mơ Nâm) cười rạng rỡ khoe rằng, mới nhận thêm một đơn hàng “đuốc điện” từ một nhà hàng trong khu du lịch sinh thái Măng Đen gần đó đặt.

“Đuốc điện” mà nghệ nhân ưu tú A Lễ ở làng Kon Chênh (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum) này nói đến, thực ra là những sản phẩm đan lát của lão và một số người trong làng, được sử dụng để đặt vào trong đó những chiếc bóng điện và thắp sáng trong khu du lịch sinh thái Măng Đen.

Những cây “đuốc điện” ấy hình dạng giống những chiếc giỏ tre, nhưng được đan lát khéo theo đúng kỹ thuật của người Mơ Nâm nơi này, cộng thêm một chút chế tác khi lắp đặt sẽ tạo nên một hệ thống đèn điện thắp sáng cả một khu vực, vừa thân thiện với thiên nhiên, vừa dễ lắp đặt, sử dụng cũng lâu dài và giá thành lại rẻ hơn so với những trụ điện đường thường được sử dụng ở các khu đô thị.

Trong niềm hân hoan vì có thêm đơn hàng mới, lão nghệ nhân khấp khởi cười thủ thỉ, từ khi Măng Đen được khách du lịch tìm đến đông đúc vì khí hậu và văn hóa bản địa đặc trưng, thì những ngôi làng người xê đăng quanh đó cũng được “đổi đời”.

Sự đổi đời như người nghệ nhân gần 70 tuổi ấy nói đến từ rất nhiều thứ. Khách du lịch đến với Măng Đen không chỉ bởi nơi này khí hậu mát mẻ se lạnh quanh năm, mà họ còn thích thú khám phá những nét văn hóa bản địa đặc trưng còn được gìn giữ gần như nguyên vẹn của cộng đồng nơi đây. Những ngôi làng như Vi Rơ Ngheo, Kon Pring... đã trở thành làng du lịch cộng đồng, phát huy được hết giá trị văn hóa để phát triển kinh tế.

Những cây “đuốc điện” ấy hình dạng giống những chiếc giỏ tre được thắp sáng trong khu du lịch sinh thái Măng Đen. Ảnh: Tiêu Dao

Những cây “đuốc điện” ấy hình dạng giống những chiếc giỏ tre được thắp sáng trong khu du lịch sinh thái Măng Đen. Ảnh: Tiêu Dao

Ngoài ra, còn giúp đồng bào phát huy giá trị văn hóa để phát triển kinh tế từ du lịch, vừa đảm bảo gìn giữ được văn hóa truyền thống, vừa nâng cao đời sống, tăng thu nhập. Không chỉ những làng du lịch cộng đồng đã được định danh, mà những ngôi làng xung quanh như làng Kon Chênh này, hay những ngôi làng như Đăk Lanh, Đăk Y’Pai, Đăk Pong, Vang Loa, Măng Buk... đều nhờ đó mà thay đổi tươi sáng hơn từng ngày.

Du lịch đã mở ra cho Kon Chênh, cho những ngôi làng Xê Đăng ở Kon Plong này cơ hội phát triển mới. Những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng như ẩm thực, thổ cẩm, sản phẩm đan lát, cùng với đó là văn hóa tinh thần như cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc cũng có “đất diễn” để mang lại thu nhập cho đồng bào.

Chiêng trống, nhạc cụ Mơ Nâm không bó hẹp trong làng trong bản mỗi mùa lễ hội nữa, mà những đêm cuối tuần đều đặn vang lên ở những không gian du lịch. Những cơm gạo đỏ, thịt nướng, rượu cần... không bó hẹp trong mỗi ngôi nhà sàn Xê Đăng nữa, mà đã được du khách thập phương thưởng thức và tấm tắc hài lòng.

Những sản phẩm nông nghiệp của làng như gạo rẫy, rau rừng, cá suối... không chỉ mang trao đổi lúa khoai nữa, mà đang trở thành những mặt hàng “hái ra tiền” để nâng cao thu nhập cho đồng bào. Những "gùi ghè chiêng ché", những khăn áo thổ cẩm đã được định danh “thương hiệu”, được bán đi đến khắp các vùng miền để cải thiện kinh tế.

Nghệ nhân A Lễ mừng lắm! Người nghệ nhân già kể mãi, kể nhiều về những đổi thay của vùng đất này những năm gần đây. Mấy người già lục tục kéo tới để chung tay làm đơn hàng với nghệ nhân A Lễ. Trong lúc đợi, người nghệ nhân già lấy ra cây sáo Tà Vẩu, ngồi trước cửa thổi một bài dân ca Mơ Nâm. Tiếng sáo lạ lẫm cứ vi vu, dìu dặt hết cả triền đồi.

Tiếng sáo ở triền đồi

Miên man kể về những đổi thay của người làng, lão nghệ nhân vẫn tỉ mẩn ngồi đan những cây đuốc điện theo đơn đặt hàng. Lão ít kể về mình, nhưng xen trong câu chuyện về cuộc sống mới, thi thoảng vẫn nhắc nhớ lại ngày trước.

Có lẽ, nghệ nhân A Lễ là người duy nhất của Kon Chênh này còn biết làm và thổi Tà Vẩu với nhiều bài dân ca. Ảnh: Tiêu Dao

Có lẽ, nghệ nhân A Lễ là người duy nhất của Kon Chênh này còn biết làm và thổi Tà Vẩu với nhiều bài dân ca. Ảnh: Tiêu Dao

Hơn 10 tuổi đã biết đánh cồng chiêng, thành thạo với nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Qua bao mùa lễ hội và sự chuyên chăm tập luyện, nghệ nhân A Lễ giữ cho mình, mà cũng là giữ cho Mơ Nâm nhiều "vốn liếng" văn hóa ít người còn nhớ. Và có lẽ, nghệ nhân A Lễ là người duy nhất của Kon Chênh này còn biết làm và thổi Tà Vẩu với nhiều bài dân ca.

Tà Vẩu (hay còn gọi là K’vo) là loại sáo đặc trưng, được làm từ ống nứa già, nhỏ, dài khoảng 15cm. Hai đầu ống nứa rỗng, nhưng một đầu được bịt bằng sáp ong, chỉ để hở một khe rất nhỏ. Giữa thân Tà Vẩu, cũng có 1 khe hình chữ nhật được đục ra, và bên trong gắn vào thanh nứa mỏng, đó là “lưỡi” Tà Vẩu.

Trong hai cách thổi Tà Vẩu, cách thổi ngang là thổi vào đây, còn cách thổi dọc là thổi vào đầu ống nứa không bịt sáp ong. Cấu tạo đơn giản, song để làm ra nhạc cụ dân tộc độc đáo thuộc bộ khí hơi này, đòi hỏi người chế tác phải có khiếu thẩm âm và thực sự khéo léo, tỉ mỉ.

Thổi Tà Vẩu cũng cần giữ sức và khéo điều chỉnh làn hơi. Cách thổi Tà Vẩu này không đơn giản, bởi nó đòi hỏi người sử dụng nhạc cụ phải vừa thổi ra, vừa hít vào mà tạo âm thanh. Âm thanh lạ, đặc trưng, không giống nhạc cụ truyền thống nào.

Cứ thế, trong mấy năm gần đây khi du lịch Măng Đen bắt đầu phát triển, những nhịp chiêng trống, thanh âm của Tà Vẩu không chỉ bó hẹp trong những triền đồi Mơ Nâm nữa, mà xuống thung lũng để hòa với niềm hân hoan, mang tới cho du khách những trải nghiệm mới lạ, độc đáo. Theo nhịp cồng chiêng trong những lễ hội vui, Tà Vẩu réo rắt, ngân vang tạo thành dàn hòa âm lôi cuốn.

Năm 2018 nghệ nhân A Lễ là một trong số hai nghệ nhân cao niên ở làng Kon Chênh vinh dự được tỉnh Kon Tum tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Ảnh: Tiêu Dao

Năm 2018 nghệ nhân A Lễ là một trong số hai nghệ nhân cao niên ở làng Kon Chênh vinh dự được tỉnh Kon Tum tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Ảnh: Tiêu Dao

Cồng chiêng và Tà Vẩu thì được sử dụng mỗi khi trong làng có lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà mới... Cồng chiêng với kèn Tà Vẩu giống như nấu ăn phải nêm gia vị như mắm, muối vậy, nếu thiếu thì sẽ không còn được ngon và hấp dẫn nữa.

“Cồng chiêng mà không có Tà Vẩu thì không hay đâu, nhưng trong làng, ít người biết làm, biết thổi Tà Vẩu lắm. Già A Lễ thổi hay nhất, làm Tà Vẩu tốt nhất”, A Réo, một chàng trai trẻ đang học làm và thổi Tà Vẩu khoe.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Măng Cành, cho hay trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong huyện luôn quan tâm và có nhiều giải pháp động viên các nghệ nhân và người dân trong huyện khôi phục, giữ gìn và phát triển các nghề truyền thống. Những nghệ nhân như già A Lễ là hạt nhân quan trọng để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc của địa phương.

Tích cực đóng góp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng, năm 2018 nghệ nhân A Lễ là một trong số hai nghệ nhân cao niên ở làng Kon Chênh vinh dự được tỉnh Kon Tum tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Ông cũng là người có uy tín ở địa phương, được Đảng ủy, chính quyền địa phương và bà con tin cậy giao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn nghệ nhân của xã thường tham gia các hoạt động văn hóa dân gian, kết nối du lịch do tỉnh, huyện tổ chức.

Nghệ nhân A Lễ cũng thường xuyên tổ chức dạy cồng chiêng và thổi Tà Vẩu cho lớp trẻ. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nghệ nhân A Lễ vẫn hay gọi thanh niên và người trẻ trong làng đến để chỉ cho đan lát, dạy cách đánh cồng chiêng, cách làm và cách thổi kèn Tà Vẩu.

Niềm mong ước của người nghệ nhân này là có thể truyền đạt tất cả các nghề truyền thống lại cho người trẻ trong làng, để gìn giữ lấy, phát huy nó nhằm nâng cao đời sống tinh thần, đời sống kinh tế của người làng trong những ngày sau.

Tiêu Dao

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/gap-nguoi-giu-hon-van-hoa-mo-nam-o-kon-tum/
Zalo