Gặp người chiến sĩ đặc công năm xưa: Ký ức dưới làn sóng lặng

Chiều một ngày tháng Tư - trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - chúng tôi tìm về xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh để gặp cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Quyết, người lính đặc công năm xưa. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong ký ức sâu thẳm của người lính ấy vẫn không thể nào quên những tháng ngày chiến đấu đầy gian khổ nhưng oai hùng.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Quyết tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động. Ảnh: Hồng Giang

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Quyết tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động. Ảnh: Hồng Giang

Ông Quyết đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ, giản dị, bình yên. Bằng chất giọng trầm ấm, ông chậm rãi kể lại cuộc đời binh nghiệp của mình. “Năm 1972, khi ấy tôi 23 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tôi, tình nguyện lên đường nhập ngũ”.

Sau gần một tháng bí mật hành quân, vượt hàng trăm km đường rừng, băng qua bao vùng đất lửa, ông đã vào đến miền Nam ruột thịt và được biên chế vào Trung đoàn 115, Sư đoàn 2. Đây là lực lượng đặc biệt, hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, chuyên thực hiện các nhiệm vụ đánh phá cầu cống, tàu thuyền, cắt đứt tuyến tiếp viện của địch trong các chiến dịch lớn.

Trước thềm Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của ông và đồng đội là bí mật tiếp cận những cây cầu trọng yếu như cầu Bình Dương, cầu Bình Phước, cầu Bình Lợi, cầu Bông, cầu Sáng, cầu Rạch Cát… để gài thuốc nổ, cắt đứt đường tiếp viện và cô lập không cho địch ra ngoài. Những người lính đặc công như ông thường hoạt động theo tổ ba người, mang theo lượng thuốc nổ có thể lên tới cả tấn. “Có những lúc, nếu thuận lợi thì chỉ cần 30 phút là có thể tiếp cận trụ cầu. Nhưng mấy khi mà thuận lợi ngay từ lần đầu”- ông nhớ lại.

Trước mỗi trận đánh, ông và đồng đội phải lặn lội nghiên cứu suốt nhiều đêm, quan sát cách địch bố phòng. “Khi ấy quân địch rất đông, rất mạnh và địch canh phòng cẩn mật lắm. Chúng rọi đèn pha chiếu xuống sông, thả ngỗng ở trụ cầu - loài vật này mà nghe tiếng động là lập tức kêu. Có hôm lính canh cứ 15 phút lại ném một quả pháo xuống sông. Địch còn giăng lưới sắt, ngăn bèo trôi để phát hiện những chuyển động lạ dưới mặt nước. Chúng còn dùng xuồng máy lượn khắp hai bờ sông, cắt cử canh gác nghiêm ngặt suốt ngày đêm để phát hiện lính đặc công như chúng tôi”- ông kể.

Trong số những nhiệm vụ ông từng tham gia, trận đánh cầu Bình Dương là ký ức khiến ông xúc động nhất mỗi khi nhắc lại. “Trận đó phải đến lần thứ ba mới thành công. Lần đầu, kíp nổ không hoạt động. Lần thứ hai, khối thuốc bị chìm vì phao thủng do mắc vào rào thép gai. Đến lần thứ ba thành công nhưng...”, ông dừng lại, giọng chùng xuống, đôi mắt rưng rưng. “Hai đồng chí cùng tổ ra trước bị phát hiện, địch ném lựu đạn xuống sông. Một người đã mãi mãi nằm lại nơi ấy, người kia bị bắt đi tù đày. Chỉ còn tôi trở về”.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Quyết (bên phải) ôn lại những kỷ niệm thời quân ngũ. Ảnh: Hồng Giang

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Quyết (bên phải) ôn lại những kỷ niệm thời quân ngũ. Ảnh: Hồng Giang

Không chỉ đánh cầu, ông Quyết cùng đồng đội còn tham gia những trận đánh tàu địch ngay trên sông. Dù ban ngày hay ban đêm, khi phát hiện đoàn từ 5 đến 7 chiếc tàu, ông và đồng đội sẽ lặn dưới nước, mang theo balo chứa mìn có nam châm gắn vào thành tàu rồi hẹn giờ nổ. “Có lúc gắn xong phải nằm lì dưới nước hàng tiếng đồng hồ để tránh bị phát hiện”, ông nhớ lại.

Tới Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của ông và lực lượng đặc công có sự thay đổi từ đánh phá các cầu chuyển sang đánh chiếm, bảo vệ cầu nhằm đảm bảo quân ta tiến vào Sài Gòn thuận lợi. “Lúc ấy, địch lại quay sang phá cầu, dùng thuốc nổ giấu sẵn để đánh sập. Chúng tôi phải vừa chiến đấu vừa gỡ mìn, giữ nguyên hiện trạng để quân ta tiến vào”- ông nói. Suốt những năm tháng chiến đấu, ông cùng đồng đội luôn luôn khắc ghi lời dặn của Bác Hồ “Đặc công Việt Nam anh dũng, mưu trí, sáng tạo, đánh thắng mọi kẻ thù”, chiến đấu hết mình, bằng tất cả lòng quả cảm và sự hy sinh thầm lặng.

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước ngập tràn trong niềm vui. Nhưng trong lòng ông Quyết, niềm hạnh phúc đó lại xen lẫn nỗi buồn sâu thẳm. “Vui vì đất nước được độc lập, thống nhất. Nhưng cũng buồn vì quá nhiều người đã không còn. Hôm nay còn cười nói bên nhau, ngày mai đã nằm lại chiến trường. Nhiều đồng chí, đồng đội thân thiết - những người đã cùng tôi lặn lội qua bao dòng sông, bao trận đánh - giờ chỉ còn là ký ức”- ông ngậm ngùi.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Quyết vẽ tranh tường khu tường bao Nhà văn hóa xóm 8, xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh. Ảnh: Hồng Giang

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Quyết vẽ tranh tường khu tường bao Nhà văn hóa xóm 8, xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh. Ảnh: Hồng Giang

Khi nhiệm vụ hoàn thành, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước sạch bóng quân thù, ông tiếp tục phục vụ trong quân ngũ và công tác tác tại Quân khu Thủ đô. Năm 2007, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Trở về quê hương, ông sống cuộc đời bình dị nhưng vẫn tích cực tham gia hoạt động ở địa phương, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ. Giờ đây trong căn nhà nhỏ giữa làng quê đang đổi mới từng ngày, những kỷ vật thời chiến - chiếc mũ cũ bạc màu, huy chương đã nhuốm màu thời gian - được ông cẩn thận cất giữ, treo trong nhà như những minh chứng sống cho một thời hoa lửa. Nhắc lại những năm tháng chiến đấu, ông Quyết không nói nhiều về chiến công, không phô trương những trận đánh. Ông chỉ kể lại, nhẹ nhàng mà sâu lắng = như thể tất cả đã trở thành máu thịt, thấm vào từng nhịp thở của người lính đặc công năm nào.

Trước khi chia tay chúng tôi, mắt ông rưng rưng: “Tôi may mắn được sống đến hôm nay, chứng kiến hòa bình, chứng kiến đất nước đổi mới. Nhưng nhiều đồng đội của tôi…”, ông dừng lại, nghẹn ngào. Trong ánh chiều buông nhẹ, tôi thấy đôi mắt người lính năm xưa long lanh những giọt nước - như làn nước sông mênh mang nơi chiến trường cũ, nơi những con người thầm lặng đã làm nên điều kỳ diệu cho đất nước hôm nay.

Hồng Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gap-nguoi-chien-si-dac-cong-nam-xua-ky-uc-duoi-lan-song-245527.htm
Zalo