Gặp lại Ni cô Huyền Trang, hé lộ hậu trường thú vị phim 'Biệt động Sài Gòn'

Trong chương trình Cine7 - Ký ức phim Việt phát sóng tối 26/4/2025 trên VTV3, khán giả đã có dịp gặp lại NSƯT Thanh Loan – người hóa thân thành ni cô Huyền Trang kinh điển trong 'Biệt động Sài Gòn'.

Nhắc đến những tác phẩm kinh điển về đề tài chiến tranh, "Biệt động Sài Gòn" (1986) của đạo diễn Long Vân luôn được xếp ở vị trí đặc biệt. Trong số các nhân vật đi vào tâm trí khán giả, hình ảnh ni cô Huyền Trang – chiến sĩ tình báo dũng cảm – nổi bật như một biểu tượng cho lòng kiên trung và đức hy sinh thầm lặng.

NSƯT Thanh Loan

NSƯT Thanh Loan

Năm 1984, trong một chuyến công tác tại TP.HCM, NSƯT Thanh Loan tình cờ biết đoàn phim "Biệt động Sài Gòn" đang tìm kiếm diễn viên cho vai ni cô Huyền Trang. Bằng tâm huyết và sự chủ động, bà xin đọc kịch bản, gặp đạo diễn Long Vân và trúng vai trong cuộc tuyển chọn định mệnh ấy.

Để hóa thân chân thực nhất, Thanh Loan đã ăn chay, tụng kinh, tập gõ mõ, đánh chuông tại chùa Dược Sư suốt một tuần. Đồng thời, bà vận dụng kỹ năng bắn súng, tác chiến của người lính từng trải để thực hiện những cảnh hành động trong phim. Chính sự tận tâm, rèn luyện nghiêm ngặt ấy đã tạo nên một Huyền Trang vừa thuần khiết trong hình ảnh ni cô, vừa kiên cường trong tâm thế chiến sĩ biệt động.

Vai diễn thành công vang dội đến mức cái tên "Huyền Trang" đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều ông bố bà mẹ đặt tên cho các bé gái thế hệ 8X – 9X. Câu chuyện MC Thái Trang (tên thật Huyền Trang) xác nhận được đặt tên theo vai diễn này, khiến NSƯT Thanh Loan trong chương trình Cine7 không giấu được niềm vui, một lần nữa chứng minh sức sống bền bỉ của hình tượng ni cô Huyền Trang.

Trong chương trình, NSƯT Thanh Loan có cuộc hội ngộ xúc động cùng nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã – vợ cố nhà văn Lê Phương, người viết kịch bản "Biệt động Sài Gòn". Những tấm ảnh cũ được chia sẻ, cùng với đó là những câu chuyện hậu trường đầy gian khó: như việc phân cảnh ni cô đi dưới mưa phải dùng nước rỉ sét từ xe cứu hỏa, hay chính nhà văn Lê Phương phải vào vai quần chúng vì không ai chịu đóng cảnh bố thí cho ni cô.

Những chi tiết giản dị ấy góp phần làm nên chiều sâu chân thực, tinh thần hết mình vì nghệ thuật của cả ê-kíp trong một thời kỳ làm phim còn nhiều thiếu thốn.

Nhà văn Lê Phương (giữa) đóng vai quần chúng trong "Biệt động Sài Gòn"

Nhà văn Lê Phương (giữa) đóng vai quần chúng trong "Biệt động Sài Gòn"

Được phát sóng trở lại đúng dịp kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước, "Biệt động Sài Gòn" nhắc nhớ về lực lượng biệt động thành – những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch, góp phần làm nên chiến thắng vang dội Xuân Mậu Thân 1968. Qua các phân đoạn phim, người xem được chứng kiến những hy sinh lặng thầm, những cuộc đấu trí sinh tử, những chiến sĩ tuổi đôi mươi nhưng bản lĩnh thép.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, vợ cố nhà văn Lê Phương, người viết kịch bản "Biệt động Sài Gòn" (trái)

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, vợ cố nhà văn Lê Phương, người viết kịch bản "Biệt động Sài Gòn" (trái)

Ngày nay, khi Bảo tàng "Biệt động Sài Gòn" - Gia Định trở thành điểm đến lịch sử cho giới trẻ, bộ phim "Biệt động Sài Gòn" vẫn thắp lên trong lòng người xem niềm tự hào, lòng biết ơn và ý chí tiếp nối thế hệ.

Hình tượng ni cô Huyền Trang, với đôi mắt trong sáng nhưng quyết liệt, vẫn âm ỉ thắp sáng lý tưởng sống cho những trái tim Việt Nam hôm nay – những người không còn đối mặt với bom đạn nhưng vẫn cần bản lĩnh, khát vọng và lý tưởng phụng sự đất nước.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/gap-lai-ni-co-huyen-trang-he-lo-hau-truong-thu-vi-phim-biet-dong-sai-gon-post1194923.vov
Zalo