Gắp hạt hồng xiêm khỏi phế quản cụ bà 75 tuổi
Ho nhiều, mệt mỏi, khó thở, tức ngực hai bên kéo dài, cụ bà 75 tuổi phải nhập viện. Qua khám, chụp CTscanner, các bác sĩ phát hiện 1 hạt hồng xiêm nằm sâu trong phế quản của bệnh nhân.

Ekip nội soi gắp dị vật khỏi phế quản của bệnh nhân.
Thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, mới đây, bệnh nhân V.T.H (75 tuổi, trú tại huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) có tiền sử bệnh tim rung nhĩ, nhập viện trong tình trạng ho nhiều, mệt mỏi, khó thở, tức ngực hai bên kéo dài.
Trước đó khoảng 1 tháng, bệnh nhân ăn quả hồng xiêm và vô tình nuốt phải hạt nhưng chủ quan cho rằng, hạt quả đã được đào thải qua đường tiêu hóa. Tiếp nhận thăm khám cho người bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã khám lâm sàng, chụp CTscanner ngực phát hiện hình ảnh dị vật hình bầu dục có kích thước khoảng 10x17mm nằm trong nhánh phế quản thùy dưới phổi phải.
Quá trình nội soi phế quản ống mềm, phát hiện dị vật góc cạnh khoảng 2,5 cm là hạt hồng xiêm hình bầu dục, màu nâu, trơn bóng nằm chắn, gây bít tắc trong lòng phế quản thùy dưới phổi phải và tổn thương viêm mủ.

Dị vật là hạt hồng xiêm được gắp khỏi phế quản bệnh nhân.
Ekip nội soi can thiệp của BSCKI. Phạm Thùy Dương, điều dưỡng Nguyễn Xuân Điệp - Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy khéo léo tiếp cận và thành công gắp ra nguyên vẹn dị vật hạt hồng xiêm khỏi lòng phế quản, hút rửa sạch phế quản thùy dưới phổi phải. Toàn bộ quá trình can thiệp nội soi phế quản có sự phối hợp với bác sĩ gây mê hồi sức đảm bảo an toàn cho người bệnh. Ngay sau can thiệp 20 phút, bệnh nhân tỉnh, phổi thông khí tốt, giảm ho, sức khỏe ổn định, tiếp tục được điều trị kháng sinh, kháng viêm.
Qua ca bệnh lần này, các bác sĩ Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ, nên cẩn trọng khi ăn các loại trái cây có hạt lớn.
Khi bị hóc dị vật như: hạt hoa quả, mảnh xương, thức ăn… không nên cố gắng khạc, dùng tay móc, nuốt miếng thức ăn to hoặc chữa mẹo dân gian để lấy dị vật ra… Những việc làm này sẽ làm cho niêm mạc họng bị trầy xước, chảy máu, dễ nhiễm trùng, dị vật có thể bị mắc sâu hơn và rơi vào những vị trí nguy hiểm.
Quá trình ăn uống cần ăn chậm, nhai kỹ, không vừa ăn vừa nói chuyện hay cười đùa, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ để hạn chế tình trạng dị vật lọt vào đường ăn, đường thở.
Những dấu hiệu của dị vật bị bỏ quên trong đường thở thường không rõ ràng nên khi có các triệu chứng ho, ho lẫn đờm, máu, tức ngực, khó thở… người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.