Gặp gỡ nhóm tác giả đoạt giải Nhất 'Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2024'

Được gặp, trò chuyện với nhóm tác giả đến từ Trường Tiểu học Hà Tân (Hà Trung), đoạt giải Nhất 'Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2024', khuôn mặt các em đều ánh lên niềm vui, niềm tự hào. Bởi, thành công lớn nhất mà các em gặt hái được qua cuộc thi không chỉ là giải thưởng, mà việc thực hiện Mô hình 'Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ', còn lan tỏa được tình yêu lịch sử đến đông đảo các bạn học sinh trong trường nói riêng, cũng như trên địa bàn tỉnh nói chung.

Nhóm tác giả Vũ Tuấn Hoàng, lớp 5A; Nguyễn Ngọc Anh, lớp 4B; Đoàn Nguyên Bảo, lớp 3B; Nguyễn Triều Dương, lớp 3B Trường Tiểu học Hà Tân (Hà Trung), chụp ảnh cùng cô giáo Vũ Thị Niềm, giáo viên Trường Tiểu học Hà Tân - người hướng dẫn thực hiện “Mô hình chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, đoạt giải Nhất ”Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2024".

Nhóm tác giả Vũ Tuấn Hoàng, lớp 5A; Nguyễn Ngọc Anh, lớp 4B; Đoàn Nguyên Bảo, lớp 3B; Nguyễn Triều Dương, lớp 3B Trường Tiểu học Hà Tân (Hà Trung), chụp ảnh cùng cô giáo Vũ Thị Niềm, giáo viên Trường Tiểu học Hà Tân - người hướng dẫn thực hiện “Mô hình chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, đoạt giải Nhất ”Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2024".

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng mô hình, em Vũ Tuấn Hoàng, lớp 5A, Trường Tiểu học Hà Tân (Hà Trung), cho hay: Từ khi được nhà trường thông báo phát động”Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2024", nhóm học sinh chúng em đã nung nấu ý định sẽ tham gia cuộc thi. Vốn là những người yêu thích học môn Lịch sử, hơn nữa năm 2024 cũng là năm mà đất nước tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Xuất phát từ đó, mà nhóm chúng em đã nảy sinh ý tưởng sẽ thực hiện Mô hình “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, để tham gia cuộc thi.

Sau khi đã xây dựng thành công ý tưởng, nhóm chúng em đã đề xuất với giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường để bắt tay vào thực hiện. Từ khi bắt đầu thực hiện ý tưởng đến khi hoàn thành mô hình, mất khoảng 2 tháng. Để mô hình được thực hiện một cách sinh động, hấp dẫn nhóm chúng em đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu và tham khảo các tài liệu từ mạng internet, sách báo, và hỏi thêm các thầy cô giáo dạy môn Lịch sử trong trường. Kiến thức, tài liệu đã có, song trong quá trình thực hiện, chúng em cũng gặp không ít khó khăn, nhất là với khâu kỹ thuật. Sau rất nhiều lần làm đi, làm lại, may mắn nhờ có sự hỗ trợ từ phía các cô giáo trong trường là cô Vũ Thị Niềm và cô Phạm Thị Huyền, cùng với niềm tin vào giá trị của mô hình đã giúp chúng em có thêm động lực để thực hiện và hoàn thiện sản phẩm tham dự cuộc thi.

Mô hình "Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”.

Mô hình "Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”.

Khi thiết kế Mô hình "Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, chúng em đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng, để làm sao cho mô hình thật sự khớp nhau giữa các nhân vật lịch sử với các sự kiện lịch sử một cách trực quan, sinh động nhất. Sau khi đã bàn bạc, thống nhất và được sự hỗ trợ từ các cô giáo, chúng em đã đi đến quyết định là thực hiện mô hình hoạt động theo nguyên lý, sẽ cấp nguồn điện 220V đi qua adapter chuyển đổi dòng điện xuống còn 12V, dòng điện đi qua mô đun rồi tới mô tơ, nhận vật trong mô hình được kết nối với mô tơ bằng sợi dây inox nhỏ có khớp quay hai đầu, khi cấp điện làm mô tơ quay đồng thời kéo nhân vật chuyển động theo. Từ đó, có thể điều chỉnh tốc độ nhanh hoặc chậm cho nhân vật bằng nút vặn điều chỉnh tốc của mô đun.

Điểm nhấn của mô hình đó là, các nhân vật và hoạt cảnh trong mô hình được làm thủ công bằng vật liệu tre và gỗ, để nhân vật trong mô hình có thể chuyển động được thông qua chuyển động quay của động cơ điện, và được cấp nguồn thông qua nguồn điện 12V. Chuyển động của nhân vật trong mô hình được làm theo cơ chế khi động cơ điện 12V quay sẽ làm quay trục liên kết với nhân vật, tạo ra hiệu ứng chuyển động. Mô hình khi áp dụng vào thực tế đã giảm bớt sự căng thẳng, xua tan nỗi sợ sệt về môn Lịch sử cho học sinh. Từ đó, tạo hứng thú cho chúng em thêm yêu thích học môn Lịch sử. Em Vũ Tuấn Hoàng, lớp 5A, Trường Tiểu học Hà Tân (Hà Trung), cho biết thêm.

Là người trực tiếp tham gia hướng dẫn các em học sinh thực hiện Mô hình “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, cô giáo Vũ Thị Niềm, giáo viên Trường Tiểu học Hà Tân (Hà Trung), chia sẻ: Mô hình nhằm giới thiệu tổng quát về chiến dịch mang tính quyết định trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trận chiến lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu của đất nước ta. Mục đích của sản phẩm giúp cho học sinh hiểu về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân (1953-1954) là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Đây là một cuộc đấu tranh vĩ đại, giành độc lập của dân tộc, đưa Việt Nam thoát khỏi chế độ thực dân Pháp. Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ là bước ngoặt trong lịch sử. Đó không chỉ là thắng lợi riêng của dân tộc Việt Nam, mà còn ghi dấu cho sự độc lập của các nước thuộc địa khác trên thế giới. Trận chiến của chúng ta đã dấy lên làn sóng đấu tranh cho các thuộc địa trên thế giới, họ tin tưởng và ủng hộ đường lối sáng suốt của Đảng ta, từ đó đấu tranh để giải phóng chính mình. Là người dân Việt Nam, sống trong thời đại hòa bình, sẽ giúp chúng ta, nhất là các em học sinh thêm biết ơn và yêu quý bộ đội Cụ Hồ đã giữ gìn và vẽ nên một đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Cô giáo Trần Thị Quế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Tân (Hà Trung), chia sẻ: Trong quá trình thực hiện Mô hình “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” để tham gia “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2024”, nhà trường đã hết sức tạo điều kiện cho các em học sinh và các cô giáo tham gia hướng dẫn. Từ việc xây dựng, phát triển ý tưởng, đến khi thực hiện mô hình. Trong quá trình thực hiện mô hình đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng cô và trò trong trường đều rất nghiêm túc trong từng bước thực hiện. Và thành công lớn nhất mà học sinh và nhà trường gặt hái được qua cuộc thi không chỉ là đoạt giải Nhất “Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2024” và giải Khuyến khích "Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2024”, mà còn là cơ hội để các em học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về ý tưởng, tư duy sáng tạo. Từ đó, tiếp thêm động lực để các em tự khẳng định mình, tiếp tục phấn đấu, phát triển năng lực của bản thân, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Đây cũng được xem là giải pháp tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong nhà trường, từ đó, góp phần quan trọng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Thanh Hóa do Tỉnh đoàn Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa phối hợp tổ chức thực hiện. Đến nay, Cuộc thi đã trải qua 20 năm triển khai thực hiện, chặng đường 20 năm đó đã khẳng định được giá trị, sự hiệu quả, sức lan tỏa của cuộc thi tới đông đảo các thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh.

Cuộc thi là sân chơi bổ ích nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo khoa học kỹ thuật trong đời sống, học tập và phát huy tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh. Đồng thời, cũng là cầu nối giao lưu học hỏi lẫn nhau, ứng dụng lý thuyết vào thực tế, giúp các em học sinh trau dồi kiến thức, rèn luyện sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành các nhà sáng chế trong tương lai. Thông qua cuộc thi nhằm phát hiện, tôn vinh những tài năng sáng tạo trẻ, có nhiều triển vọng để bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/gap-go-nhom-tac-gia-doat-giai-nhat-cuoc-thi-sang-tao-thanh-thieu-nien-nhi-dong-tinh-thanh-hoa-nam-2024-235021.htm
Zalo