Gặp gỡ nhân chứng lịch sử góp phần làm nên chiến thắng Bình Giã

Chiến thắng Bình Giã đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần thúc đẩy nhanh sự phá sản chiến lược 'chiến tranh đặc biệt' của Mỹ.

Sáng 15-11, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp các Sở, ban, ngành tỉnh tổ chức chương trình giao lưu "Chiến thắng Bình Giã - Mốc son lịch sử". Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang cùng 300 đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt là sự có mặt của 30 nhân chứng lịch sử, là những cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến đại diện cho hàng ngàn quân, dân đã góp phần tạo nên Chiến thắng Bình Giã.

Tiết mục mở màn chương trình đầy xúc động với ca khúc "Dậy mà đi"

Tiết mục mở màn chương trình đầy xúc động với ca khúc "Dậy mà đi"

Tại chương trình, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu ôn lại 60 năm Chiến thắng Bình Giã (2.12.1964 – 2.12.2024). Ông Đặng Minh Thông nhấn mạnh, cách đây 60 năm, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền chủ trương mở chiến dịch tác chiến tập trung đầu tiên trên địa bàn Đông Nam Bộ và Bình Giã - Đức Thạnh thuộc tỉnh Bà Rịa lúc bấy giờ được chọn làm hướng chính.

Chiến thắng vang dội trong chiến dịch tạo ra thế và lực mới, bước phát triển mạnh mẽ cho chiến tranh cách mạng miền Nam, đồng thời thúc đẩy chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ phá sản nhanh hơn. Như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận định: "Từ trận Ấp Bắc Mỹ thấy không thể thắng ta, đến trận Bình Giã thì Mỹ thấy thua ta".

Đây là dịp để các nhân chứng lịch sử cùng gặp lại nhau sau hàng chục năm

Đây là dịp để các nhân chứng lịch sử cùng gặp lại nhau sau hàng chục năm

"Tất cả đã đem lại một Chiến thắng Bình Giã, được ghi vào lịch sử dân tộc, một mốc son trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Quân và dân tỉnh Bà Rịa, nay là Bà Rịa - Vũng Tàu rất tự hào vì những đóng góp lớn lao làm nên 3 quả đấm thép cho chiến dịch Bình Giã"- ông Đặng Minh Thông khẳng định.

Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng Phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7 đã chia sẻ về bối cảnh, nguyên nhân cũng như hệ thống lại các mốc lịch sử, kế hoạch trong chiến dịch Bình Giã. Ông Hồ Sơn Đài dành nhiều thời gian để nói về việc vì sao Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền chọn Bà Rịa làm địa bàn mở chiến dịch tác chiến tập trung và Bình Giã là điểm khơi ngòi, từ đó dẫn tới những thắng lợi vẻ vang.

Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng Phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7 chia sẻ về chiến dịch Bình Giã

Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng Phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7 chia sẻ về chiến dịch Bình Giã

Tham gia chiến dịch Bình Giã cách đây 60 năm, nhiều người đã hi sinh ngay trên chiến trường, nhiều người đã về với tổ tiên theo thời gian, và ngay tại chương trình đã rất vinh dự khi có sự tham gia của 30 nhân chứng lịch sử, đại diện cho hàng ngàn quân và dân tham gia vào cuộc chiến, các nhân chứng cùng hồi tưởng và chia sẻ về những tháng ngày gian khổ nhưng đầy hào hùng.

Chia sẻ với thế hệ trẻ về quyết tâm, ý chí sắt đá được thể hiện trong chiến dịch, trung tá Nguyễn Văn Xích, nguyên chiến sĩ thông tin Tiểu đoàn 5, Đoàn Q.762 nói: ""Ngày đó, tụi tôi đều còn rất trẻ. Trẻ mà, xông pha không ngại gì hết, cũng có ước mơ và nung nấu thực hiện ước mơ. Mà thời đó, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, ước mơ tụi tôi hầu hết giống nhau là đất nước hòa bình. Mong có hòa bình thì phải quyết chiến quyết thắng thôi".

Cùng xúc động nhìn lại cuộc chiến cách đây 60 năm

Cùng xúc động nhìn lại cuộc chiến cách đây 60 năm

Trung úy Lê Trang (Năm Tranh), nguyên Đội trưởng đội trinh sát, Đại đội 445, tỉnh đội Bà Rịa; nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 445 xúc động:"Được lãnh đạo giao nhiệm vụ, tôi thấy đó là vinh dự. Hồi đó tụi tôi tự ái cao lắm, nếu làm không xong thì người ta không coi ra gì. Cho nên tui điều tra, nghiên cứu kỹ nhiều lần rồi mới dẫn đường, dẫn không chính xác đâu phải mình chết mà còn cả đoàn quân sau mình nữa nên phải cố gắng".

Nghi thức tri ân và tiếp lửa truyền thống giữa thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau

Nghi thức tri ân và tiếp lửa truyền thống giữa thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau

Đối với ông Bùi Thế Ba (Ba Lèo) nhận nhiệm vụ tải thương từ trận địa ra ngoài, theo ông Ba thì phải có gan, bởi vào tận trận địa khiêng thương binh ra thì cũng không khác người lính trên chiến trường, bom đạn ù ù trên đầu, chấp nhận hy sinh thôi. "Nhiệm vụ của mình còn là khiêng thương binh mà, làm sao để thương binh không bị thương thêm, không hy sinh thêm"-ông Ba nói.

Cuối chương trình là nghi thức tri ân và tiếp lửa truyền thống thế hệ đã làm nên chiến thắng Bình Giã. Đuốc lửa được chuyển đến các thế hệ đi trước để trao truyền cho thế hệ tiếp nối hôm nay là kết tinh ý chí, tâm sức, khát vọng của bao thế hệ luôn sẵn sàng vì hòa bình, độc lập, vì sự tự cường, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc.

Tượng đài Chiến thắng Bình Giã tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tượng đài Chiến thắng Bình Giã tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Trận Bình Giã kéo dài từ cuối tháng 12 - 1964 đến đầu tháng 1 - 1965 tại địa bàn Bình Giã, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Đây là một trận đánh lớn giữa lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Sài Gòn dưới sự hỗ trợ của quân đội Mỹ. Kết quả của trận đánh này là thắng lợi hoàn toàn của Quân Giải phóng, khiến hơn 2.000 lính đối phương bị loại khỏi vòng chiến đấu, trong đó có nhiều sĩ quan cao cấp. Chiến thắng này đã đánh dấu sự sụp đổ của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, buộc đối phương phải thay đổi chiến lược, từ đó góp phần tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong toàn bộ cuộc kháng chiến.

Huy động toàn bộ lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực và phục vụ chiến dịch: tải lương, tải thương, vũ khí; tỉnh Bà Rịa cũng dồn lực đảm bảo hậu cần, nhất là lương thực, thực phẩm, đảm bảo thông suốt giao thông, liên lạc, sẵn sàng các điểm ém quân an toàn, thuận lợi cho bội đội chủ lực.

Tinh thần của Chiến thắng Bình Giã đã trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, sự kiên cường và quyết tâm không khuất phục trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào. Từ sự đoàn kết của quân và dân, đến sự sáng tạo trong chiến lược chiến thuật, chiến thắng này là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của ý chí và tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: Ngọc Giang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gap-go-nhan-chung-lich-su-gop-phan-lam-nen-chien-thang-binh-gia-196241115153224886.htm
Zalo