Gặp gỡ nhà văn 'lính tăng': Góc nhìn từ buồng l
Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt - người lái xe tăng 380 tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 đã có nhiều chia sẻ xúc động về cuộc chiến đấu anh dũng của thế hệ cha ông, lập nên chiến công thống nhất đất nước.
Trưa ngày 30/4/1975, những chiếc xe tăng của quân Giải phóng hùng dũng tiến vào Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong số những người chứng kiến thời khắc lịch sử đó, có người thanh niên trẻ 21 tuổi Nguyễn Khắc Nguyệt – chiến sĩ lái xe tăng số 380. Với ông, cuộc kháng chiến là một cuộc trường chinh rất dài mà con đường đến Dinh Độc Lập là cây số cuối cùng.
Mỗi vết thương, mỗi sự hy sinh của đồng đội trong những năm tháng ác liệt ấy đã thôi thúc ông đặt bút viết những trang sách chân thực từ góc nhìn và ký ức của người lính xe tăng. Ông quan niệm rằng mỗi một tác phẩm như một nén tâm nhang thắp cho những người đã khuất, cũng là món quà cho những người đồng đội đã rời quân ngũ đang ngày đêm bươn chải với đời thường.
Trong tâm trạng khi đứng canh ngoài xe tăng hướng vào Dinh Độc Lập, ông đã lấy sổ ghi vội mấy ý thơ:
"Khi chiếc xe tăng dừng trước Dinh Độc Lập.
Ta ngỡ ngàng - đây thật hay mơ?
Cây số cuối cùng - cuộc trường chinh dằng dặc.
Đến rồi chăng? Hai mắt bỗng rưng nhòa."
Khi màu xanh hòa bình trở lại trên bầu trời quê hương, ông đã viết tiếp rất nhiều cuốn sách về lính tăng. Liệu ông muốn truyền tải nhiều hơn hay chỉ kể lại lịch sử một cách đơn thuần?
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt chia sẻ: "Tôi sẽ dành những năm tháng còn lại của đời mình để trả món nợ tinh thần trước các đồng đội đã hy sinh vì nước, trước hết là những đồng đội trong chính tập thể nhỏ bé, thân thương của mình - Đại đội Xe tăng 4".
Trong thời đại công nghệ số, sách vẫn là ngọn đèn soi sáng trí tuệ con người, đặc biệt với giới trẻ - những người tiếp cận và làm việc, học tập phần lớn nhờ vào sự phát triển của công nghệ. Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt cũng có rất nhiều điều muốn gửi gắm đến những bạn trẻ khi tìm đọc và lật giở từng trang sách lịch sử.