Gặp giấc mơ tuổi thơ qua những trang sách
Từ năm 2021, Hội Nhà văn Việt Nam đã triển khai dự án 'Sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa' với mong muốn trao tặng 300 nghìn bản sách thiếu nhi đến trẻ em nông thôn.
Dự án kéo dài 5 năm, mỗi năm chọn lọc và in ấn khoảng 6 vạn bản sách, gồm những danh tác trong nước và quốc tế được viết cho độc giả nhỏ tuổi. Tính đến giữa năm 2024, Dự án đã về với trẻ em nông thôn tại Sơn La, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hà Tĩnh...
Miệt mài vận động nguồn tài chính để duy trì dự án “Sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: “Chúng tôi làm điều này vì ở thành phố, chúng ta có thể dễ dàng mua một cuốn sách cho con cháu mình. Còn ở vùng sâu vùng xa, có nhiều nơi việc mua một cuốn sách cho một đứa trẻ là vô cùng khó. Tất cả những cuốn sách chúng tôi chọn in đều hướng đến việc tạo dựng nền tảng nhân văn trong mỗi đứa trẻ. Chúng tôi tin, cứ bền bỉ hết ngày này qua tháng khác mang sách tới từng trẻ em ở những miền xa xôi thì đến một lúc nào đó, vẻ đẹp và những điều tốt lành từ trang sách sẽ trở thành một phần trong tâm hồn các em. Nếu trẻ em nông thôn không đọc sách, không yêu thương con người và không ghi nhớ công lao tổ tiên trên đất đai quen thuộc, các em sẽ làm cho nông thôn biến mất”.
Tháng 7/2022, ở Sơn La, những cuốn sách thuộc dự án “Sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa” đã đến với học sinh bản Hua Tát, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Hua Tát giờ đây đã trở thành một điểm đến, đối với những ai yêu văn chương. Bởi vì tại mảnh đất bản Hua Tát, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng dạy học và viết tác phẩm “Những ngọn gió Hua Tát” đánh đấu sự đổi mới của văn học Việt Nam.
Ba đầu sách đầu tiên được Hội Nhà văn chọn đưa vào Dự án Sách miền phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa là các tác phẩm thiếu nhi kinh điển Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi và tác phẩm mới sáng tác Năm đứa trẻ xóm đồi của nhà văn Nguyễn Một. Đây đều là những tác phẩm nhằm gợi mở, dẫn dắt trẻ vào thế giới của thiên nhiên, con người, tạo cho cho các em tình yêu, sự chia sẻ trong cộng đồng, giữa con người với con người và với thế giới thiên nhiên tươi đẹp.
Khi đem những cuốn sách trao cho các em học sinh ở Thái Nguyên, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nói với các em rằng: Các em hãy đọc những cuốn sách này rồi chia sẻ cho bạn mình, đọc cho em mình nghe nữa. Trong đó sẽ có những điều kỳ diệu mà các em chưa bao giờ được biết. Các em sẽ gặp được giấc mơ của mình trong trang sách. Đọc nhiều sách sẽ giúp các em chăm ngoan hơn, để sau này các em trở thành người tử tế hơn và quan trọng hơn với gia đình, nhà trường và xã hội.
Và, với ý nghĩa mà sách có thể mang lại cho các em, với hoàn cảnh của các em hiện tại, nhà văn mong muốn sẽ còn trở lại và mang đến cho các em thêm nhiều cuốn sách hay nữa, góp phần bồi đắp tri thức, sự thiện lương trong tâm hồn các em.
Chưa cần nói tới văn hóa đọc to tát, khi một đứa trẻ sở hữu những cuốn sách đẹp, chúng sẽ được sống trong niềm vui.