Gặp 'cô đồ' trẻ Thái Đào

Nhắc đến thư pháp, nhiều người nghĩ đến những thầy đồ râu tóc bạc, ngồi cho chữ ngày xuân như trong thơ ca, hội họa. Có một điều thú vị là không chỉ những người lớn tuổi mới viết thư pháp, một số người trẻ hiện nay cũng đam mê bộ môn nghệ thuật này, trong đó có nữ thư pháp trẻ Thái Đào.

Cô giáo Thái Đào đam mê thư pháp. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nguyễn Thị Thái Đào là giáo viên Ngữ văn, giảng dạy tại Trường THCS Quang Trung (TX Đông Hòa). Trong một lần cùng bạn bè xem triển lãm thư pháp, cô mê mẩn những bức vẽ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bản thân luôn có niềm yêu thích đặc biệt với văn hóa dân tộc nên cô nhanh chóng “bén duyên” với bộ môn này.

Những ngày mới bắt đầu, Thái Đào gặp khá nhiều khó khăn vì không biết mua bút lông viết chữ ở đâu, học thầy nào… Thử lên mạng xã hội tìm thầy để học, hữu duyên gặp nhà thư pháp Thắng Phạm và được hướng dẫn tận tình, khoa học, Thái Đào tiến bộ rất nhanh.

Cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, thư pháp không phải là môn có thể theo đuổi dễ dàng mà đòi hỏi cả một quá trình rèn luyện. Ngoài công việc dạy học, cô giáo Thái Đào dành thời gian, tâm sức rèn luyện thư pháp mỗi ngày. Bằng sự cố gắng rèn giũa không ngừng nghỉ, Thái Đào mới viết được chữ thư pháp điêu luyện, thanh thoát như ngày hôm nay. Thái Đào cho biết: “Học thư pháp giúp tôi sống chậm lại, và từ đó tôi nhận ra nhiều hơn giá trị chân - thiện - mỹ của cuộc sống đời thường”.

Trong thư pháp, cách thức, đường nét, kỹ xảo… cần hòa quyện để tạo thành bức tranh đẹp. Vì vậy, nghệ thuật viết thư pháp không chỉ dừng lại ở việc viết chữ đúng, luyện quen tay mà còn thể hiện sự tĩnh tâm, sáng tạo.

Thư pháp có những cái hay, cái riêng nhưng điểm chung là giúp bản thân điềm tĩnh hơn, cẩn thận hơn. Từng câu từng chữ trong thư pháp có đẹp hay không phụ thuộc vào cách đưa bút. Người viết khéo sẽ cho ra các tác phẩm mềm mại như rồng múa, phượng bay; ngược lại thì chỉ có những tác phẩm thô cứng, vô hồn. Có thể thấy, thư pháp là hình thức nghệ thuật biểu hiện ngôn ngữ, nhưng cũng là phương tiện thể hiện nội tâm con người. Thư pháp còn là sợi dây kết nối những người cùng sở thích, chia sẻ quan điểm, tình cảm và sáng tạo nên con chữ, đồng thời giúp người trẻ tìm hiểu thêm văn hóa của dân tộc.

Từng đường nét nắn nót nhưng lả lướt,

bay bướm đã thể hiện ngòi bút tài hoa,

thanh thoát của cô.

Nhạc sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc

Những con chữ trong thư pháp hàm chứa biết bao ý nghĩa và tình cảm của người cho và người nhận. Thấu hiểu được điều này, Thái Đào đã không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng viết, chọn chất liệu, màu mực... để đem đến những sản phẩm chất lượng tốt nhất. Nhạc sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc - một người yêu thích thư pháp - nhận xét: “Phải nói là Thái Đào viết đẹp, chuyển tải hết phần hồn, ý nghĩa của chữ lên trang giấy. Thưởng lãm chữ của Thái Đào, tôi cảm nhận cô rất đam mê thư pháp và muốn lan tỏa niềm đam mê đó qua con chữ. Từng đường nét nắn nót nhưng lả lướt, bay bướm đã thể hiện ngòi bút tài hoa, thanh thoát của cô”.

Được biết, xuân này “bà đồ” Thái Đào nhận viết thư pháp theo yêu cầu. Thái Đào viết thư pháp, cung cấp tranh thư pháp, viết bảng hiệu theo mẫu chữ thư pháp và chữ đẹp, viết tặng chữ thư pháp tại các sựkiện, liên hoan, tất niên, lễ hội văn hóa trong dịp tết Nguyên đán, lễ hội đầu năm. Ngoài ra, Thái Đào còn nhận làm các món quà thư pháp để tặng đối tác, khách hàng…

Trong thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay, nếu bạn là người thích chiêm ngưỡng sự nhẹ nhàng và chậm rãi thì hình ảnh ông đồ ngồi viết thư pháp sẽ khiến bạn cảm thấy thư thái biết nhường nào!

HUỲNH KHANG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/292530/gap--co-do--tre-thai-dao.html
Zalo