Gạo Việt Nam vẫn sẽ là nguồn nhập khẩu chính của Philippines

Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, Philippines sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam, song doanh nghiệp vẫn cần quan tâm, duy trì vị thế của mình tại thị trường này…

Gạo Việt Nam vẫn sẽ là nguồn nhập khẩu chính của Philippines.

Gạo Việt Nam vẫn sẽ là nguồn nhập khẩu chính của Philippines.

Trong những năm qua, do sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, nên Philippines luôn là một trong số những quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất trên thế giới. Năm 2025, trước tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết và những thiên tai, dịch họa khó lường, dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao và tiếp tục là quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới.

GẠO VIỆT NAM CÓ KHẢ NĂNG CẠNH TRANH LỚN

Dự báo năm 2025, nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa của Philippines khoảng 17,8 triệu tấn. Song năm 2025, với nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ và đầu tư nhiều hơn cho nông dân, sản xuất lúa nội địa của Philippines đặt mục tiêu đạt 20,46 triệu tấn, nhưng dù đạt được mục tiêu đề ra thì mức tăng khiêm tốn này không thể giúp Philippines thoát khỏi tình trạng thiếu hụt và phải phụ thuộc vào nhập khẩu gạo.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, trong những năm qua, Philippines nhập khẩu gạo chủ yếu từ Việt Nam, với thị phần chiếm khoảng từ 80% đến 85%, từ Thái Lan khoảng 10%, phần còn lại được nhập khẩu từ các nước Ấn Độ, Paskistan, Bangladesh, Nhật Bản và quốc gia khác.

Chính phủ Philippines thời gian qua cũng đang nỗ lực tìm cách đa dạng hóa nguồn cung gạo và loại gạo nhập khẩu, thậm chí cả việc ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại gạo với Campuchia, mặc dù thỏa thuận này sẽ không mang lại nhiều hiệu quả.

Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines, nhận định rằng Philippines là thị trường truyền thống đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong những năm qua lượng gạo và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines luôn chiếm trên 40% đến gần 45% về lượng và kim ngạch trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Ông Phùng Văn Thành: "Gạo của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đứng vững tại thị trường Philippines, do gạo của Việt Nam có thế mạnh riêng".

Ông Phùng Văn Thành: "Gạo của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đứng vững tại thị trường Philippines, do gạo của Việt Nam có thế mạnh riêng".

Kể từ năm 2022, gạo của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Philippine hàng năm luôn đạt trên 3 - 4 triệu tấn. Cụ thể, năm 2022 đạt 3,214 triệu tấn, năm 2023 đạt 3,150 triệu tấn, năm 2024 đạt khoảng 4,150 triệu tấn, năm 2025 dự báo đạt khoảng 4,350 triệu tấn.

“Mặc dù, Philippines đã và đang nỗ lực trong việc tìm kiếm đa dạng hóa nguồn cung, nhưng gạo của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đứng vững tại thị trường Philippines, do gạo của Việt Nam có thế mạnh riêng, có khả năng cạnh tranh tại thị trường”, ông Thành nhận định.

Cụ thể, gạo Việt Nam có phẩm cấp, chất lượng, giá cả phù hợp nên có tính cạnh tranh, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines, đặc biệt là tầng lớp đông đảo dân cư có thu nhập trung bình và thấp.

Mặt khác, nguồn cung gạo ổn định của Việt Nam, khoảng cách địa lý, chi phí và thuận tiện trong chuyên trở, đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, đã tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng Philippines.

CÁC CHÍNH SÁCH MỚI TÁC ĐỘNG TỚI NHẬP KHẨU GẠO

Chia sẻ về chính sách mới liên quan tới nhập khẩu và tiêu thụ gạo của Philippines, ông Thành cho biết năm 2022, Philippines áp dụng mức thuế nhập khẩu gạo chung 35% đối với gạo nhập khẩu từ mọi nguồn. Đến 20/6/2024, Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos đã ban hành Lệnh số 62, theo đó quy định cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng nông sản.

Đối với mặt hàng gạo, thuế nhập khẩu từ mức 35% được cắt giảm xuống còn 15%, thời gian áp dụng tới năm 2028. Đây là động thái để đối phó với tình trạng lạm phát, đặc biệt là giá mặt hàng gạo có xu hướng tăng liên tục trên thị trường trong năm 2024.

Cắt giảm thuế nhập khẩu gạo với hy vọng sẽ làm giảm chi phí nhập khẩu gạo, qua đó giúp giảm giá bán lẻ gạo tại thị trường nội địa. Mặc dù vậy, việc giảm thuế nhập khẩu gạo về mức 15% đã tác động không đáng kể và đã không mang lại hiệu ứng làm giảm giá bán lẻ gạo tại thị trường nội địa.

Nhằm kiểm soát và hướng tới mục tiêu giảm giá bán lẻ gạo, ngày 20/1/2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đề xuất và được Chính phủ Philippines cho phép để yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu, cửa hàng bán lẻ, thương nhân kinh doanh gạo tuân thủ thực hiện chính sách “giá bán lẻ gạo tối đa theo đề xuất” không quá 58 pesos/kg gạo. Chính sách mang tính mệnh lệnh hành chính này trong thực tế cũng không mang lại hiệu ứng tích cực làm giảm giá bán lẻ gạo trên thị trường.

Vì vậy, tháng 2/2025, xuất phát từ diễn biến giá gạo trên thị trường và trên cơ sở đề xuất của Hội đồng điều phối giá quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã ra tuyên bố tình trạng an ninh lương thực khẩn cấp đối với mặt hàng gạo. Tuyên bố này cho phép Cơ quan lương thực quốc gia thực hiện vai trò điều phối ổn định thị trường bán lẻ gạo thông qua việc mở bán gạo từ các kho dự trữ quốc gia ra thị trường theo mức trợ giá của Chính phủ.

Đồng thời, Chính phủ Philippines cũng yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ tình trạng giá bán lẻ gạo trên thị trường tăng cao, đặc biệt là việc điều tra xác định có hay không hành vi cấu kết, móc ngoặc thao túng thị trường gạo của một số doanh nghiệp lớn hay các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu gạo.

DOANH NGHIỆP CẦN LƯU Ý DUY TRÌ VỊ THẾ TẠI PHILIPPINES

Từ những phân tích trên, ông Thành cho rằng năm 2025, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao, dự báo ở mức khoảng từ 4,92 triệu tấn, thậm chí trên 5 triệu tấn, và gạo Việt Nam vẫn sẽ là nguồn nhập khẩu chính của Philippines.

Các động thái chính sách mà Philippines thực hiện nhằm mục tiêu giảm giá bán lẻ gạo trên thị trường, có thể gây tâm lý bất an hoặc dẫn tới mức lợi nhận không được như kỳ vọng cho các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, vì vậy, có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù vậy, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2025 và trong các năm tiếp theo thực tế vẫn ở mức cao, bởi trong một thời gian ngắn Philippines không có khả năng tăng năng lực sản xuất lúa nội địa để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong khi nhu cầu hàng năm không ngừng tăng.

Vì vậy, theo Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines, thị trường Philippines trong năm 2025 và các năm tiếp theo vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng cho Việt Nam. Đồng thời, so với các quốc gia xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Nhật Bản… thì gạo Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định tại thị trường Philippines. Và dù muốn hay không, trong thời gian tới, Philippines vẫn phụ thuộc vào nguồn cung gạo của Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Philippines sẽ tìm được những nguồn cung gạo mới nhằm giảm phụ thuộc vào bên cung ứng gạo duy nhất là Việt Nam. “Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới, cần quan tâm duy trì đảm bảo vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam tại Philippines”, ông Thành lưu ý.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam.

Gạo của Việt Nam cần được tiếp tục giữ vững, đảm bảo ổn định và không ngừng nâng cao chất lượng qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu. Doanh nghiệp cần đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình, chất lượng thấp hơn để phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gao-viet-nam-van-se-la-nguon-nhap-khau-chinh-cua-philippines.htm
Zalo