Gánh nặng từ khủng hoảng siêu vi khuẩn

Số ca tử vong trên toàn thế giới do các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc được dự báo có thể tăng gần 70% vào năm 2050, làm sâu sắc thêm gánh nặng của cuộc khủng hoảng siêu vi khuẩn đang diễn ra.

Người cao tuổi được dự báo trở thành đối tượng chịu tổn thương lớn nhất do tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Nguồn: Getty Images.

Người cao tuổi được dự báo trở thành đối tượng chịu tổn thương lớn nhất do tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Nguồn: Getty Images.

Gánh nặng đối với người lớn tuổi

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet, từ năm 2025 đến năm 2050, thế giới có thể chứng kiến hơn 39 triệu ca tử vong do kháng thuốc kháng sinh (AMR). AMR xảy ra khi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và nấm phát triển khả năng trốn tránh các loại thuốc được sử dụng để tiêu diệt chúng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gọi AMR là “một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng và phát triển toàn cầu”, do việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc kháng sinh ở người, động vật và thực vật, có thể giúp các tác nhân gây bệnh phát triển khả năng kháng thuốc.

TS Chris Murray - Giám đốc Viện Đánh giá và Đo lường sức khỏe tại Đại học Washington, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu dự đoán, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn và cho rằng, chúng ta cần quan tâm đúng mức đến các loại kháng sinh mới và quản lý kháng sinh để có thể giải quyết được vấn đề thực sự khá lớn này.

Các nhà nghiên cứu từ Dự án Nghiên cứu toàn cầu về kháng thuốc, Viện Đánh giá và Đo lường sức khỏe và các tổ chức khác đã ước tính, số ca tử vong và bệnh tật do AMR liên quan đến 22 tác nhân gây bệnh, 84 sự kết hợp tác nhân gây bệnh - thuốc và 11 ca nhiễm trùng trên 204 quốc gia và vùng lãnh thổ từ năm 1990 đến năm 2021.

Khoảng 520 triệu hồ sơ cá nhân là một phần dữ liệu để đưa ra những ước tính trên. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, từ năm 1990 đến năm 2021, số ca tử vong do AMR đã giảm hơn 50% ở trẻ em dưới 5 tuổi nhưng lại tăng hơn 80% ở người lớn từ 70 tuổi trở lên - xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra.

Sử dụng mô hình thống kê, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra ước tính về số ca tử vong và bệnh tật có thể quy cho AMR vào năm 2050 trong 3 kịch bản: Nếu tình hình hiện tại tiếp tục; nếu các loại thuốc kháng sinh mạnh mới được phát triển để nhắm vào các mầm bệnh kháng thuốc; và nếu thế giới cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhiễm trùng và tiếp cận tốt hơn với thuốc kháng sinh.

Các dự báo cho thấy, số ca tử vong do kháng thuốc sẽ tăng vào năm 2050 nếu không có các biện pháp cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc chất lượng, thuốc kháng sinh mạnh và các nguồn lực khác để giảm và điều trị các bệnh nhiễm trùng.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, vào năm 2050, số ca tử vong trên toàn cầu có thể lên tới 1,9 triệu ca và số ca liên quan đến AMR có thể lên tới 8,2 triệu ca. Theo dữ liệu, các khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi AMR và các ca tử vong có thể quy cho là Nam Á, Mỹ Latinh - Caribe và châu Phi cận Sahara.

Hy vọng ở “cuối chân trời’

Ông Samuel Kariuki từ Viện Nghiên cứu y khoa Kenya cho biết: “Cách tiếp cận sáng tạo và hợp tác của nghiên cứu mới cung cấp đánh giá toàn diện về tình trạng kháng thuốc kháng sinh và gánh nặng tiềm tàng của nó đối với thế giới”. Tuy nhiên, ông Kariuki cũng cảnh báo rằng, các mô hình dự báo không tính đến sự xuất hiện của các siêu vi khuẩn mới và có thể dẫn đến việc đánh giá thấp nếu các mầm bệnh mới xuất hiện.

“Nhìn chung, những dữ liệu này sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư và hành động có mục tiêu” hướng tới việc giải quyết thách thức ngày càng gia tăng của tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở mọi khu vực trên thế giới” - ông Kariuki viết.

TS Steffanie Strathdee - Phó Ttrưởng khoa Khoa học sức khỏe toàn cầu và là giáo sư danh dự tại Khoa Y, Đại học California, San Diego bày tỏ, nghiên cứu mới đại diện cho nhiều thập niên nghiên cứu về gánh nặng toàn cầu của tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Bà Strathdee đã tận mắt chứng kiến những tác động mà tình trạng này có thể gây ra cho sức khỏe khi chồng bà gần như tử vong vì nhiễm siêu vi khuẩn.

Tuy nhiên, chồng của bà Strathdee đã hồi phục sau khi điều trị bằng phage, loại virus nhắm mục tiêu và tiêu diệt vi khuẩn một cách có chọn lọc và có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị cho các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc.

“Liệu pháp phage là phương pháp thay thế tốt nhất cho thuốc kháng sinh. Phage có thể được sử dụng thay thế rất hiệu quả cho thuốc kháng sinh, giúp giảm lượng thuốc kháng sinh cần thiết và thậm chí có thể được sử dụng trong chăn nuôi và trồng trọt” - bà Strathdee cho biết và hy vọng rằng, nghiên cứu mới có thể giúp thế giới giảm gánh nặng tiềm ẩn của tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Điều đó đòi hỏi phải cải thiện khả năng tiếp cận thuốc kháng sinh và các loại thuốc kháng khuẩn mới hơn, vaccine, nước sạch và các khía cạnh khác của dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng trên toàn thế giới, đồng thời giảm việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, sản xuất thực phẩm và môi trường, những thứ có thể gây ra tình trạng kháng thuốc nhiều hơn.

Trong một kịch bản mà thế giới có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, các nhà nghiên cứu dự báo có thể ngăn ngừa được 92 triệu ca tử vong tích lũy trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2050; và khi có những loại thuốc mới mạnh hơn, có thể tránh được khoảng 11 triệu ca tử vong tích lũy.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ganh-nang-tu-khung-hoang-sieu-vi-khuan-10291044.html
Zalo